Doanh nghiệp rao bán cổ phần: “Hồn Trương Ba, da hàng thịt”

Chưa có đánh giá về bài viết

(Thủy sản Việt Nam) – Sau khi cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới cuối năm 2008 đi qua giai đoạn tồi tệ nhất, nước Mỹ, cường quốc số 1 thế giới về kinh tế – quân sự, nơi bắt nguồn của cuộc khủng hoảng rơi vào cảnh bị thâu tóm bởi các công ty đến từ châu Âu, Á, đến nỗi nhiều tờ báo của Mỹ phải than rằng: nước Mỹ đang bị rao bán!

Trong cuộc khủng hoảng kinh tế vừa qua kinh tế Việt Nam cũng bị ảnh hưởng mà cụ thể là các doanh nghiệp lớn phải bán cổ phần cho các công ty nước ngoài nếu muốn tồn tại lâu dài.

 

Sôi nổi thị trường tư vấn

Tại Việt Nam, Công ty luật YKVN được biết đến là một trong những công ty luật tư vấn về lĩnh vực mua bán và sáp nhập doanh nghiệp có uy tín vì khi hầu hết các hợp đồng tư vấn chào bán cổ phần, tìm kiếm cổ đông chiến lược của những doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam đều do YKVN tư vấn.

Cụ thể, tư vấn cho Ngân hàng Ngoại thương, tư vấn cho Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam và Ngân hàng Công thương Việt Nam lựa chọn các nhà tư vấn tài chính cho tiến trình cổ phần hóa của họ. Ngoài các ngân hàng, YKVN tư vấn cho Công ty Tài chính Dầu khí, Temasek Holdings, Deutsche Bank, Mekong Capital và Công ty quản lý quỹ Vietcombank trong các giao dịch mua bán cổ phần của họ tại Việt Nam.

Năm 2011, thị trường chứng khoán liên tục rớt điểm tại hai sàn TP.HCM và Hà Nội, mặc dù các chuyên gia kinh tế, các công ty chứng khoán vốn là công ty con của các ngân hàng lớn đưa ra những tín hiệu lạc quan về kinh tế Việt Nam trong những tháng cuối năm.

Tuy nhiên, ngược với những dự báo khả quan của những công ty này thị trường chứng khoán vẫn cứ liên tục mất điểm, một lượng vốn đầu tư vào chứng khoán chảy sang ngân hàng khi lãi suất huy động vốn của các ngân hàng luôn ở mức cao. Ngoài ra, lo ngại về sự bất ổn của tình hình kinh tế thế giới do ảnh hưởng từ nền kinh tế Hy Lạp, Italia, Tây Ban Nha và Mỹ nên một lượng vốn được người dân, doanh nghiệp chuyển sang vàng khiến giá vào ở mức 30 triệu đồng/lượng vào đầu năm 2011 nay có lúc đã dao động ở mức gần 50 triệu đồng/lượng.

Chính vì không huy động được nguồn vốn trên thị trường chứng khoán, nhiều công ty buộc phải tìm nhà tư vấn để bán cổ phần cho các nhà đầu tư nước ngoài như một xu thế tất yếu.

Năm 2011, thị trường chứng khoán liên tục rớt điểm ở hai sàn Hà Nội và TP.HCM           Ảnh: Trung Kiên

 

Bán để tồn tại

Theo phân tích của ông Huỳnh Thế Du, giảng viên Chương trình Giảng dạy Kinh tế FulL bright thì việc mua bán cổ phiếu giữa các công ty, doanh nghiệp, nhà đầu tư thực chất không ảnh hưởng gì đến doanh nghiệp, đến kinh tế nhưng tại sao khi thị trường chứng khoán mất điểm, hay sụp đổ thì kéo theo sự khó khăn cho các nền kinh tế. Đơn giản vì các ngân hàng ngoài mục đích hoạt động kinh doanh cho vay tiền cũng đã đầu tư vào kênh chứng khoán. Kết quả, chứng khoán mất điểm, ngân hàng mất tiền, khi ngân hàng hết tiền thì hệ lụy của nó là khiến cho nền kinh tế bị ảnh hưởng.

Chính vì lẽ đó mà nhiều ngân hàng, công ty chứng khoán tìm cách bán cổ phần cho các công ty đầu tư tài chính, các ngân hàng khác để huy động thêm nguồn vốn. Tháng 2/2011, Công ty CP Chứng khoán Dầu khí (PSI) đã bán 14,9% vốn điều lệ cho Công ty chứng khoán Nikko Cordial Securities Inc (Nhật Bản) để Nikko Cordial chính thức trở thành cổ đông và là đối tác chiến lược nước ngoài đầu tiên của PSI.

Còn Ngân hàng TMCP Phương Nam (PNB) sau khi bán 20% vốn điều lệ cho cổ đông chiến lược United Overseas Bank (OUB) để tăng vốn điều lệ từ 3.049 tỉ đồng lên hơn 3.212 tỉ đồng; Ngân hàng TMAP Quốc tế Việt Nam (VIB) cũng được Ngân hàng Nhà nước cho phép bán 20% vốn điều lệ cho Commonwealth Bank of Australia (CBA) để nâng vốn điều lệ  từ 4.000 tỉ đồng lên 4.250 tỉ đồng.

Mới đây, Tổng công ty Bảo hiểm Dầu khí (PVI Holdings) đã bán 25% cổ phần trong tổng số vốn cổ phần tăng thêm cho Tập đoàn Bảo hiểm Talanx (Đức). Theo thông cáo báo chí phát đi từ PVI Holdings, thì giá thỏa thuận mà hai bên đạt được là 36.000 đồng/cổ phần, tính ra tổng giá trị mua bán lên đến 1.916,5 tỉ đồng (tương đương 65 triệu euro hoặc 93 triệu USD).

Theo ông Christian Hinsch, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị của Talanx, mức giá 36.000 đồng/cổ phần mà PVI Holdings bán là mức giá cao hơn giá cổ phiếu của PVI trên thị trường ở thời điểm hiện tại, nhưng Talanx chấp nhận vì đánh giá cao tiềm năng tăng trưởng của PVI trong tương lai.

Ngoài ra, còn kể đến những thương vụ đình đám khi Ngân hàng ACB mua Ngân hàng Đại Á, Công ty Kinh Đô mua kem Walls’, Tribeco, Tập đoàn Gạch Đồng Tâm mua Sứ Thiên Thanh. Hay như Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAG) sang Singapore để huy động trái phiếu nhằm mở rộng và duy trì hoạt động kinh doanh của Tập đoàn này vốn sở hữu rất nhiều bất động sản không bán được.

Thực tế, việc mua bán và sáp nhập doanh nghiệp (M&A) là xu thế tất yếu của một nền kinh tế phát triển. Theo Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công thương), hoạt động mua bán và sáp nhập doanh nghiệp sẽ có mức tăng trưởng từ 30-40%/năm trong thời gian tới. Đây cũng là cách để doanh nghiệp huy động nguồn vốn nhằm tránh quá phụ thuộc vào ngân hàng với lãi suất quá cao.

Song, trong tình cảnh kinh tế đang gặp khó khăn như hiện nay, giá trị cổ phiếu của các công ty đang ở mức thấp, nên việc bán cổ phần cho các công ty, tập đoàn tài chính nước ngoài, phần thua thiệt nằm ở công ty trong nước và trong tương lai sẽ còn nhiều doanh nghiệp buộc phải bán cổ phần để tồn tại.

>> Tình cảnh hiện nay, nhiều doanh nghiệp buộc phải bán cổ phần cũng là điều dễ hiểu và chắc chắn phần thua luôn nằm ở doanh nghiệp chào bán, và theo đó, doanh nghiệp sẽ ở cảnh “da” thì của anh hàng thịt nhưng “hồn” lại của anh Trương Ba.

 

Nguyễn Khởi

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!