Doanh nghiệp thủy sản sẽ thêm áp lực nếu giá điện tăng

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) cho rằng: “Nếu việc tăng giá điện là khó tránh khỏi, cộng đồng doanh nghiệp mong cơ quan chức năng, ngành điện tính toán mức tăng hợp lý, minh bạch thông tin”.

Liên quan đến thông tin giá điện có khả năng sẽ tăng trong thời gian tới, VASEP cho rằng: Giá điện tác động trên diện rộng đối với các ngành sản xuất. Điện là chi phí nhiên liệu đầu vào trong sản xuất của doanh nghiệp nên giá điện tăng sẽ kéo mọi chi phí sản xuất khác tăng theo, giảm khả năng cạnh tranh và ảnh hưởng trực tiếp đến lợi nhuận của doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp thủy sản sử dụng nhiều điện để hoạt động cấp đông, trữ đông…

Cũng theo VASEP, từ cuối năm 2022, nhiều doanh nghiệp phải đối mặt với tình trạng nhu cầu thị trường sụt giảm, thiếu đơn hàng, thiếu vốn, khó tiếp cận vốn tín dụng và lãi suất còn duy trì ở mức cao. Việt Nam với độ mở của nền kinh tế sẽ vẫn tiếp tục đối mặt với rủi ro từ diễn biến khó lường ở bên ngoài.

Doanh nghiệp thủy sản sẽ gia tăng áp lực nếu ngành điện tăng giá. Ảnh: ST

“Nếu việc tăng giá điện là khó tránh khỏi, cộng đồng doanh nghiệp mong cơ quan chức năng, ngành điện tính toán mức tăng hợp lý, minh bạch thông tin. Mức tăng và lộ trình phải bảo đảm tác động nhỏ nhất tới các đối tượng chịu tác động khi điều chỉnh giá, đảm mục tiêu điều hành kinh tế vĩ mô, duy trì ổn định hoạt động của doanh nghiệp, cần phân nhóm khách hàng hợp lý, quy định bậc cụ thể cho từng đối tượng, và chọn thời điểm tăng hợp lý. Năm 2023 được dự báo khó khăn, thách thức lớn hơn nhiều, cũng cần tránh tạo cú sốc về giá điện cho các doanh nghiệp sản xuất”, đại diện VASEP đề xuất.

Ngày 3/2/2023, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đã ký Quyết định 02/2023/QĐ-TTg về khung giá bán lẻ điện bình quân. Cụ thể, mức giá bán lẻ điện bình quân (chưa bao gồm thuế GTGT) tối thiểu là 1.826,22 đồng/kWh và tối đa là 2.444,09 đồng/kWh. Quyết định này được ban hành sẽ thay thế cho Quyết định 34/2017 của Thủ tướng về khung giá bán lẻ điện bình quân giai đoạn 2016 – 2020. So với Quyết định 34/2017 thì giá bán lẻ điện bình quân tối thiểu tăng 220 đồng, tối đa tăng 538 đồng/kWh, tương đương tỷ lệ tăng lần lượt là 13,7% và 28,2%.

Việc ban hành khung giá bán lẻ điện bình quân mới không đồng nghĩa với việc tăng giá bán lẻ điện ngay lập tức. Khung giá này là căn cứ để cơ quan chức năng tính toán giá bán lẻ điện bình quân cho từng thời điểm. Sau khi có giá bán lẻ điện bình quân mới, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và các đơn vị phân phối điện sẽ công bố mức giá bán lẻ điện cụ thể áp dụng cho từng đối tượng khách hàng. 

Hiện tại, giá bán lẻ điện bình quân vẫn ở mức 1.864,44 đồng/kWh, áp dụng từ 3/2019 đến nay. EVN cho biết, nguyên nhân của việc điều chỉnh giá điện là do giá nhiên liệu toàn cầu tăng cao như: Giá than nhập, giá than pha trộn, giá khí, giá dầu thế giới, chi phí của các nhà máy sản xuất điện tăng mạnh, làm tăng chi phí mua điện trên thị trường điện của EVN, mặc cho những nỗ lực tiết giảm chi phí của Tập đoàn. Năm 2023, nếu giá bán lẻ điện giữ nguyên theo giá điện hiện hành, thì EVN dự kiến lỗ lên đến 64.941 tỷ đồng.

Nhiều chuyên gia kinh tế nhìn nhận, việc tăng giá điện sẽ làm tăng chi phí sản xuất, tăng giá thành sản phẩm, làm giảm năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp. Do đó, Chính phủ và bộ, ngành cần cân nhắc, tính toán kỹ, đánh giá các yếu tố tác động trước khi đưa ra quyết định về giá điện.

Trước đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng lưu ý, giá điện của Việt Nam không thể giống nước phát triển, giá quá cao thì người dân, doanh nghiệp và nền kinh tế không chịu được. Người đứng đầu Chính phủ đề nghị Bộ Công thương phải “suy nghĩ thấu đáo” vấn đề này theo tinh thần lợi ích hài hòa, khó khăn và rủi ro chia sẻ giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người dân, tránh điều hành “giật cục”.

Ngày 15/2/2023, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên và ông Nguyễn Hoàng Anh, Chủ tịch Ủy ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, đồng chủ trì buổi làm việc với Lãnh đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) về đầu tư xây dựng các dự án nguồn điện và lưới điện, tình hình cân đối tài chính của EVN năm 2022 – 2023 và xây dựng phương án giá bán lẻ điện bình quân năm 2023.

Đối với việc xây dựng các phương án điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân năm 2023, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên yêu cầu EVN cần bám sát, tuân thủ quy trình thực hiện theo quy định tại Quyết định số 24/2017/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ quy định về cơ chế điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân. Theo ông Nguyễn Hồng Diên, việc điều chỉnh giá điện cần phải được tính toán, đánh giá, cân nhắc đầy đủ tác động đến lạm phát, đời sống người dân và điều hành kinh tế vĩ mô của Chính phủ.

Thảo Nguyên

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!