Bộ Tài chính vừa họp với Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam cùng các doanh nghiệp trong ngành để tháo gỡ khó khăn về việc kê khai, khấu trừ và hoàn thuế GTGT.
Ông Đỗ Hoàng Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ Tài chính, cho biết theo tổng hợp từ các địa phương, hiện một số doanh nghiệp (DN) đang lợi dụng chính sách khấu trừ, hoàn thuế GTGT để chiếm đoạt tiền thuế GTGT bằng cách thực hiện mua bán hàng hóa qua nhiều khâu trung gian và nhiều địa phương. Nhiều DN thủy sản bị đọng và không được hoàn thuế lên tới hàng chục tỉ đồng.
Bất thường
Theo ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), 2 khó khăn lớn mà DN thủy sản đang gặp phải dẫn đến tình trạng bị thiếu vốn là khó khăn trong thực hiện thủ tục hoàn thuế GTGT khi mua nguyên liệu để sản xuất hàng xuất khẩu và khó khăn khi phải đóng thuế nhập khẩu và thuế GTGT đối với lô hàng bị trả về trước khi thông quan.
Tổng hợp báo cáo kết quả và tình hình hoàn thuế 6 tháng đầu năm 2013 tại các cục thuế cho thấy tại một số tỉnh, số DN có tiền thuế GTGT đã hoàn tăng cao và có dấu hiệu bất thường. Nhiều DN sử dụng hóa đơn bất hợp pháp nhằm kê khai khấu trừ, hoàn thuế GTGT để chiếm đoạt tiền thuế GTGT của nhà nước.
Doanh nghiệp thủy sản gặp khó khăn trong việc kê khai khấu trừ, hoàn thuế GTGT
Nhằm tăng cường công tác quản lý hoàn thuế, tránh gian lận hoàn thuế, chống thất thu ngân sách, Bộ Tài chính yêu cầu các cục thuế tập trung công tác thanh tra, kiểm tra đối với các DN rủi ro cao về thuế. Các DN xuất khẩu nông, lâm, thủy sản nếu mua trực tiếp của người sản xuất hoặc chỉ qua một khâu trung gian thì được hoàn thuế theo quy định. Nếu mua hàng hóa qua nhiều khâu trung gian thì phải kiểm tra các khâu trung gian trước.
Khó cho doanh nghiệp
Theo ông Hòe, đối với hầu hết các DN xuất khẩu tôm không có vùng nuôi và buộc phải thu mua qua từ 3 – 4 khâu trung gian thì DN mua hàng không thể biết được mình đang mua qua trung gian thứ mấy và cũng không có quyền cũng như khả năng xem xét các khâu trung gian trước đã kê khai và nộp thuế GTGT theo đúng quy định hay chưa. Do không quy định rõ thời gian tối đa để cơ quan thuế thực hiện việc xác minh nên DN phải “dài cổ” chờ đợi kết quả hoàn thuế và không biết bao giờ mới được hoàn.
Các lô hàng thủy sản xuất khẩu được sản xuất từ nguyên liệu trong nước bị trả về do rào cản thương mại, lỗi bao gói, do khách hàng nợ hợp đồng, DN phải đóng thuế nhập khẩu và thuế GTGT trước thông quan là không hợp lý. Hàng trả về cũng giống như hàng tồn kho, không thể áp thuế GTGT đối với hàng tồn kho mặc dù số thuế GTGT của hàng trả về này sẽ được xem như thuế GTGT đầu vào để DN làm thủ tục hoàn trong thời gian tới. Như vậy, DN cũng phải chịu một khoản nợ đọng khoảng 2 tháng và khó có đủ tiền để nộp ngay và quay vòng vốn.
Ông Tuấn yêu cầu Tổng cục Thuế sửa đổi và có công văn hướng dẫn cho phù hợp với Luật Quản lý thuế sửa đổi, bổ sung sao cho vừa đạt được mục tiêu quản lý chặt chẽ, tránh gian lận vừa tạo thuận lợi cho DN xuất khẩu. Cần kiểm soát chặt khâu trung gian vì đây là khâu hưởng lợi nhiều nhất.
>> Xuất khẩu thủy sản tăng Theo VASEP, quý III/2013, xuất khẩu thủy sản cả nước đạt 1,8 tỉ USD, tăng 12,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Xuất khẩu tôm liên tục tăng trưởng từ quý II, trong khi xuất khẩu cá tra chững lại từ quý III. Tổng xuất khẩu thủy sản 3 quý đầu năm đạt 4,7 tỉ USD, tăng 4,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Xuất khẩu tôm trong quý III tăng trưởng 45,5% – 65,5% qua các tháng so với cùng kỳ năm ngoái. |