Doanh nghiệp thủy sản vượt khó

Chưa có đánh giá về bài viết

Thiếu nguyên liệu, lãi suất ngân hàng cao, sức mua giảm từ các thị trường truyền thống… là những khó khăn mà các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu thủy sản tại khu vực ĐBSCL đang đối mặt.

Năm 2011, kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 6,1 tỷ USD, kế hoạch trong năm 2012 kim ngạch xuất khẩu sẽ là 6,5 tỷ USD. Theo các doanh nghiệp trong ngành, năm nay vẫn sẽ là một năm nhiều thách thức với ngành thủy sản. Cụ thể là những thị trường truyền thống có thể tiếp tục do sức mua giảm, các rào cản thương mại và rào cản kỹ thuật…

Tăng tốc sớm

Khí thế lao động, sản xuất tại các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu thủy sản ở khu vực ĐBSCL sau Tết thật khẩn trương. Ngay sáng mùng 1 Tết, ở tỉnh Cà Mau có 10 nhà máy chế biến tôm đông lạnh xuất khẩu đã mở cửa sản xuất với gần 3.000 công nhân vào ca. Và đến thời điểm này, 30 nhà máy chế biến tôm đông lạnh xuất khẩu, với gần 30.000 công nhân làm việc đã hoạt động trở lại bình thường.

Nhiều DN chủ động nguồn nguyên liệu, sản xuất ngay đầu năm để chống đỡ với những thách thức đang phải đối mặt.

Mỗi năm các nhà máy này chế biến gần 100.000 tấn sản phẩm xuất khẩu sang 40 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Cà Mau là địa phương xuất khẩu mặt hàng tôm đứng đầu cả nước, với kim ngạch 910 triệu USD trong năm 2011, mục tiêu xuất khẩu tôm năm 2012, các DN tại địa phương này phấn đấu mang về 1 tỷ USD. Theo Sở NN-PTNT Cà Mau, nhiều nhà máy thủy sản lớn được đầu tư công nghệ tiên tiến, đội ngũ cán bộ, kỹ sư giỏi, công nhân lành nghề… đã chế biến ra nhiều sản phẩm chất lượng cao đáp ứng cho những thị trường khó tính.

Không ra quân sớm như Cà Mau nhưng tại các địa phương khác, không khí sản xuất cũng đã khẩn trương, nhộn nhịp từ mùng 6 Tết. Như tại công ty cổ phần chế biến thủy sản Út Xi (Sóc Trăng), với hơn 1.300 công nhân lao động đều vào ca đầy đủ, khẩn trương bắt tay vào việc cho những đơn hàng được đặt trước đó từ mùng 6 tết. Năm 2012, công ty này có kế hoạch tăng doanh thu xuất khẩu từ 66,8 triệu USD lên 85 triệu USD.

Cũng ngày này, Công ty CP thủy sản Gò Đàng (Tiền Giang) đã khai trương sản xuất trở lại. Theo ông Nguyễn Văn Đạo, Tổng giám đốc Công ty CP thủy sản Gò Đàng, mới đầu năm nhưng đơn đặt hàng từ các nước về tới tấp, buộc công ty phải chế biến khẩn trương để kịp giao hàng cho đối tác. Tổng cộng 3 xí nghiệp với hơn 2.100 công nhân đang nỗ lực sản xuất trong tuần đầu tiên, để đạt sản lượng khoảng 30 container loại 40 feet cá tra phi lê để đưa xuống tàu cấp tốc sang châu Âu.

Cùng nhau vượt khó

Theo các doanh nghiệp, năm nay sẽ là năm ngành chế biến, xuất khẩu thủy sản sẽ đối mặt thêm nhiều nỗi lo mới. Ông Nguyễn Tuấn Anh, Tổng giám đốc Công ty CP chế biến thủy sản Út Xi, cho hay, thị trường Nhật Bản, Mỹ và châu Âu là thị trường chủ lực của các doanh nghiệp xuất khẩu tôm. Tuy nhiên, với thị trường Nhật, thời gian gần đây doanh nghiệp bị trả hàng lại quá nhiều vì dư lượng kháng sinh, do trong nước không cấm người nuôi sử dụng kháng sinh mà chỉ khuyến cáo hạn chế sử dụng. Trong khi tại thị trường Nhật, việc kiểm soát kháng sinh rất gắt gao và mức kháng sinh mà các lô hàng của Việt Nam xuất qua dù chỉ ở ngưỡng rất thấp cũng bị phát hiện và trả về.

Ngoài ra, việc đánh thuế môi trường đối với túi ni lông cũng là một gánh nặng đối với doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu thủy sản vì doanh nghiệp sử dụng rất nhiều. Trong khi đó, ông Võ Đông Đức, Tổng giám đốc Công ty CP xuất nhập khẩu thủy sản Cần Thơ (Caseamex), cho rằng, sự phát triển bền vững của doanh nghiệp và người nuôi trồng đều phụ thuộc vào các chính sách của nhà nước về: thuế, lãi suất ngân hàng…

Dù vậy, trong khó khăn, các doanh nghiệp đã tìm những cách ứng phó khác nhau để ổn định sản xuất. Như Công ty Caseamex hiện đã ổn định được nguồn nguyên liệu chế biến nhờ đầu tư vùng nguyên liệu 200 ha nuôi cá tra. Nhờ vậy dù có thời điểm khan hiếm cá tra, công ty vẫn chủ động được nguồn hàng và đảm bảo giao đúng hợp đồng cho đối tác. Đối với mặt hàng cá tra xuất khẩu, “liên kết chuỗi giá trị trong sản xuất cá tra” lần đầu tiên được tiến hành đồng bộ với 24 thành viên, tổng diện tích nuôi tham gia trên 28 ha tại An Giang và TP Cần Thơ, do Công ty TNHH sản xuất thương mại – dịch vụ Thuận An thí điểm cũng đạt nhiều kết quả tốt. Mô hình liên kết với chuỗi giá trị khép kín gồm các thành viên như doanh nghiệp cung ứng thuốc, hóa chất – doanh nghiệp sản xuất, cung ứng thức ăn chăn nuôi – cơ sở ương, nuôi giống – cơ sở nuôi cá thịt – doanh nghiệp chế biến xuất khẩu – nhà nhập khẩu. Đây được xem là mô hình chuỗi liên kết khá chặt chẽ, đảm bảo truy suất nguồn gốc, hạ giá thành sản xuất và nhất là giải quyết bài toán ép giá, tranh mua, tranh bán cá tra thời gian qua.

Trong khi đó, Công ty CP chế biến thủy sản xuất khẩu Âu Vững (Bạc Liêu), bên cạnh các thị trường truyền thống, đã chủ động tìm và khai thác thị trường mới tại các nước Hồi giáo, Thụy Điển, Australia,… Ngoài ra công ty còn đầu tư công nghệ sản xuất mới để chế biến thêm nhiều mặt hàng thủy sản khác, nhằm đa dạng sản phẩm phù hợp với túi tiền người tiêu dùng.

Trung Dân

Theo Báo Đất Việt

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!