Doanh nghiệp tôm “chạy đua” cho mục tiêu 3,8 tỷ USD

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Theo số liệu thống kê của VASEP, sau khi giảm mạnh vào tháng 8, 9, xuất khẩu tôm tháng 10 đã hồi phục hồi và đạt kim ngạch 425 triệu USD. Các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu tôm đang tận dụng cơ hội từ thị trường Mỹ, EU, “chạy đua” cho mục tiêu xuất khẩu tôm năm 2021 đạt 3,8 tỷ USD.

Thị trường Mỹ khá ưa chuộng sản phẩm tôm cỡ lớn, tôm thịt tươi/đông lạnh (PD) của Việt Nam. Trong đợt dịch thứ 4 tại Việt Nam, xuất khẩu tôm sang Mỹ chỉ giảm trong tháng 8 và nhanh chóng phục hồi trở lại trong tháng 9. Hiện, nhu cầu nhập khẩu tôm của Mỹ từ Việt Nam khá ổn định kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát trên thế giới. Theo đó, trong tháng 10, xuất khẩu tôm sang Mỹ đạt 118 triệu USD, tăng 19% so tháng 10/2020. Lũy kế 10 tháng, xuất khẩu tôm sang thị trường này đạt 893 triệu USD, tăng 22% so cùng kỳ năm ngoái. VASEP dự báo từ nay đến cuối năm, xuất khẩu tôm sang Mỹ sẽ tiến triển tích cực, đà tăng trưởng này sẽ kéo dài đến quý I/2022.

Còn tại thị trường EU, đứng trước áp lực cạnh tranh từ các đối thủ ngày một lớn, doanh nghiệp Việt Nam, dù đang gặp rất nhiều khó khăn sau thời gian giãn cách phải dồn mọi nguồn lực để khôi phục sản xuất, tận dụng thời cơ hiện nay để củng cố và phát triển thị phần tại đây. Từ đầu năm đến nay, xuất khẩu tôm sang EU ghi nhận tốc độ tăng trưởng khá tốt; nhu cầu nhập khẩu tôm của EU trong những tháng cuối năm nay dự kiến sẽ tiếp tục tăng. Lũy kế 10 tháng đầu năm, xuất khẩu tôm sang thị trường này đạt gần 482 triệu USD, tăng 10% so cùng kỳ năm 2020. Được biết, để khôi phục kinh tế hậu COVID-19, EU đã kích hoạt nhiều gói hỗ trợ, giải ngân các quỹ khôi phục sản xuất nhằm xây dựng lại các chuỗi cung ứng hàng hóa. Những tháng cuối năm nay, EU rất khan hiếm hàng hóa bởi nhiều đối tác cung ứng cho EU đang phải chống chọi với dịch COVID-19, cộng với áp lực về giá cước vận tải biển tăng cao trong khi nhu cầu tiêu dùng những tháng cuối năm của người dân EU tăng. Đây là lợi thế cho các nhà cung cấp của Việt Nam sang EU.

Ảnh minh họa

Theo VASEP, người tiêu dùng ở nhiều thị trường vẫn đang tiếp tục xu hướng ưa chuộng thực phẩm chế biến sâu, tích hợp nhiều tiện ích, thuận lợi trong việc chế biến món ăn nhanh nhất. Chế biến sâu lại là lợi thế cạnh tranh của ngành tôm Việt Nam, với nhiều nhà máy có hệ thống trang thiết bị hiện đại, đảm bảo các yêu cầu cao về an toàn thực phẩm và đội ngũ công nhân lành nghề. Do đó, khi đi vào phân khúc sản phẩm tôm chế biến sâu, ngành tôm Việt Nam sẽ tránh được sự cạnh tranh đang ngày càng mạnh mẽ từ Ấn Độ và Ecuador, hai quốc gia vốn có thế mạnh về xuất khẩu tôm thô hoặc tôm sơ chế nhờ vào nguồn tôm nguyên liệu dồi dào và giá rẻ. Như vậy, nhu cầu của thị trường hiện nay cũng đã tạo điều kiện nhất định cho ngành tôm Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh chế biến sâu, qua đó tiếp tục giữ được thị trường, thị phần của mình ở những thị trường quan trọng.

Để tận dụng tốt cơ hội cho xuất khẩu tôm cuối năm, nhiều doanh nghiệp đã có những bước chuẩn bị bài bản điển hình như Công ty CP Tập đoàn Thủy sản Minh Phú và Công ty CP Thủy sản Sao Ta. Từ giữa tháng 10, Công ty CP Thủy sản Minh Phú đã hoạt động kinh doanh sôi động trở lại. Minh Phú đã khởi công chuỗi 3 nhà máy chế biến thủy sản, gồm Minh Phát, Minh Quý và Minh Phú có cùng công suất 18.000 tấn/năm và Nhà máy Bao bì Quang Minh có công suất 5.000 tấn/năm. Bước vào quý IV/2021, Minh Phú được cho là tiếp tục hưởng lợi từ diễn biến giá bán tăng trong bối cảnh nhu cầu tiêu thụ tôm cuối năm tiếp tục tăng cao. Tập đoàn đã tiếp nhận hơn 3.200 lao động trong và ngoài tỉnh Hậu Giang trở lại làm việc từ giữa tháng 10; điều này sẽ giúp Minh Phú tăng năng suất, đáp ứng đơn hàng của khách, là động lực tăng trưởng trong giai đoạn này. Còn với Sao Ta, trong năm 2021, Công ty đã nâng diện tích vùng nuôi từ 270 ha lên 370 ha. Hai nhà máy mới gồm Nhà máy thủy sản Sao Ta (công suất 15.000 tấn/năm); nhà máy chế biến tôm Tam An (công suất 5.000 tấn/năm) đang được triển khai đúng tiến độ và kỳ vọng vận hành từ quý II/2022, qua đó nâng tổng công suất thêm 20.000 tấn/năm, tăng khoảng 70% năng lực hiện tại.

Dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp ở một số tỉnh khu vực ĐBSCL (vùng sản xuất tôm trọng điểm của cả nước) từ giữa tháng 10 đến nay, nhưng các doanh nghiệp tôm đang cố gắng giữ vững thành trì, quyết tâm không để gãy đổ chuỗi sản xuất. Cùng đó, các nhà đầu tư kỳ vọng doanh nghiệp tôm đã bước qua khó khăn để tăng tốc trong mùa kinh doanh cuối năm.

Hải Lý

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!