T4, 18/12/2024 02:58

Doanh nghiệp và nông dân: Gắn kết vì nông nghiệp bền vững

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Sáng nay (ngày 18/12) tại Hà Nội, Tổng hội Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam tổ chức Diễn đàn Doanh nghiệp đồng hành cùng nhà nông và phát triển bền vững năm 2024.

Đây là dịp để các doanh nghiệp ngành nông nghiệp, các doanh nghiệp đang hoạt động tại khu vực nông thôn có nhiều cơ hội đối thoại đến các cơ quan chức năng, qua đó kịp thời điều chỉnh cơ chế, chính sách phù hợp với thực tiễn hiện nay, cùng chung tay xây dựng nền nông nghiệp phát triển xanh, bền vững. 

Các đại biểu tham dự Diễn đàn Doanh nghiệp đồng hành cùng nông dân sáng ngày 18/12

Phát biểu tại lễ khai mạc Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến nhấn mạnh, Diễn đàn là cơ hội quan trọng để lắng nghe ý kiến đóng góp từ các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và người nông dân. Qua đó, Bộ NN&PTNT sẽ đưa ra những chỉ đạo phù hợp, sát với thực tiễn hơn trong công tác quản lý thời gian tới.

Thứ trưởng cũng bày tỏ sự tin tưởng rằng với sự đồng hành tích cực của doanh nghiệp, đại biểu và nỗ lực không ngừng của bà con nông dân, các giải pháp hiệu quả sẽ được đề xuất, thúc đẩy một nền nông nghiệp bền vững và hiệu quả. Điều này không chỉ đáp ứng nhu cầu trong nước mà còn nâng cao vị thế của nông nghiệp Việt Nam trên trường quốc tế.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến phát biểu khai mạc Diễn đàn

Theo báo cáo tại Diễn đàn, những con số tích cực về sản xuất nông nghiệp tháng 11 và 11 tháng năm 2024 của Tổng cục Thống kê đã và đang là những tín hiệu lạc quan cho mục tiêu phát triển chung của ngành nông nghiệp. Xét theo mặt hàng cụ thể, ước tính 11 tháng năm 2024, Việt Nam có 7 mặt hàng nông lâm thủy sản có thặng dư thương mại đạt trên 1 tỷ USD; trong đó tôm 3,19 tỷ USD, tăng 20,5%; cá tra 1,72 tỷ USD, tăng 10,1%. 

Để có được kết quả đó, doanh nghiệp đã và đang đóng vai trò hết sức quan trọng trong chuỗi giá trị ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn. Tuy nhiên, trên thực tế số lượng doanh nghiệp đầu tư vào khu vực này vẫn còn khá khiêm tốn do cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp tham gia vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn không đủ mạnh, cách huy động, kêu gọi, tạo điều kiện cho doanh nghiệp chưa thật sự tốt nên vẫn chưa có sức hấp dẫn, cuốn hút doanh nghiệp. Sự gắn kết giữa doanh nghiệp với nhà nông còn chưa thật sự tốt, người nông dân vẫn bị động từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm.

Ông Lê Văn Quang, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Thuỷ sản Minh Phú cho rằng, cần sự liên kết từ nhiều phía để tạo đà đưa ngành nông nghiệp phát triển bền vững

Tại Diễn đàn, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Thủy sản Minh Phú, ông Lê Văn Quang, đã chia sẻ những giải pháp sáng tạo trong việc liên kết với nông dân để phát triển bền vững ngành thủy sản. Hiện, Minh Phú đang triển khai hai mô hình điển hình tại Cà Mau: “Lúa thơm – Tôm sạch”“Tôm rừng mangrove-carbon zero (cây đước)”. Những mô hình này không chỉ giúp cải thiện đời sống người nông dân mà còn tạo ra chuỗi giá trị bền vững trong sản xuất thủy sản.

Ông Lê Văn Quang cũng cho biết, khảo sát thực tế cho thấy việc canh tác tôm rừng và tôm lúa tại Cà Mau vẫn còn nhiều bất cập. Hoạt động nuôi trồng nhỏ lẻ, manh mún với diện tích mặt nước thấp, cùng quy trình sản xuất thủ công chưa cơ giới hóa dẫn đến năng suất và sản lượng thấp. Điều này cũng làm gia tăng nguy cơ dịch bệnh, trong khi chi phí sản xuất lại ở mức cao, ảnh hưởng đến lợi nhuận của nông dân.

Để giải bài toán này, Minh Phú đã triển khai mô hình liên kết với các hộ dân nhằm quy hoạch lại các khu nuôi trồng thành ao lớn có diện tích khoảng 10 ha/ao, thay vì 2 – 3 ha như trước đây. Việc này không chỉ cải thiện năng suất mà còn đơn giản hóa quy trình truy xuất nguồn gốc thủy sản. Hơn nữa, mô hình này tạo điều kiện thuận lợi để đạt được các chứng nhận quốc tế về sinh thái và hữu cơ, mở rộng thị trường tiêu thụ cho sản phẩm tôm Việt Nam.

Đặc biệt, ông Quang còn chia sẻ tiềm năng lớn từ việc phát triển tín chỉ carbon trong mô hình nuôi tôm rừng. “Nếu chúng ta khai thác tín chỉ carbon từ hệ sinh thái rừng đước gắn liền với nuôi tôm, giá trị của mô hình không chỉ tăng lên đáng kể mà còn góp phần tích cực vào việc bảo vệ môi trường,” ông Quang nhấn mạnh.

Để mô hình liên kết thành công, ông Quang cho rằng cần có sự hỗ trợ từ chính quyền địa phương và các tổ chức xã hội, không chỉ trong việc quy hoạch sản xuất mà còn ở khâu tổ chức và đào tạo kỹ thuật cho nông dân. Sự phối hợp chặt chẽ giữa doanh nghiệp, người dân và chính quyền sẽ là nền tảng để phát triển nền nông nghiệp xanh và bền vững.

Tập đoàn Thuỷ sản Minh Phú nhận bằng khen từ Tổng hội Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam

Tuy nhiên, theo kinh nghiệm của một doanh nghiệp hàng đầu trong ngành thủy sản, ông Quang cho rằng, để doanh nghiệp và người dân cùng đồng hành đó là cả một quá trình lâu dài với sự chung tay của mọi thành phần, các tổ chức xã hội, đặc biệt là chính quyền địa phương cần tham gia cùng với người nông dân giúp họ làm giàu. 

Thùy Khánh

 

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!