Xã Trưng Vương nằm ở phía đông thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ, toàn xã có tới hơn 280 hộ dân làm nghề nuôi trồng thủy sản. Nhiều mô hình đã được triển khai và mang lại hiệu quả, tiêu biểu trong số đó là mô hình ương cá chim giống qua đông của ông Đỗ Mạnh Chinh tại xóm Nội.
Vượt lên khó khăn
Xuất thân từ một gia đình làm nông nghiệp nghèo, không được học đầy đủ như các bạn cùng trang lứa, từ nhỏ ông Đỗ Mạnh Chinh đã theo phụ giúp bố mẹ làm nông và nuôi cá cho đến khi lớn lên, lập gia đình rồi hai đứa con của ông ra đời đến tuổi ăn tuổi học. Hàng ngày, ngoài việc làm nông ra ông còn làm nhiều việc khác nữa nhưng vẫn không cải thiện được cuộc sống.
Năm 1988, một tai nạn lao động đã lấy đi cánh tay trái của ông. Nhưng không vì thế mà ông nản lòng, với bản chất cần cù, chăm chỉ, siêng năng, ông động viên vợ phải cố gắng vượt qua những khó khăn ban đầu quyết tâm lao động làm giàu trên mảnh đất quê hương. Nung nấu với suy nghĩ đó, ông quyết tâm tự mình mày mò học hỏi kinh nghiệm ở khắp nơi, những lúc rảnh rỗi ông ngồi trao đổi kinh nghiệm của các hộ dân nuôi cá ở quanh làng, ai cho tài liệu nuôi ông cũng xin về đọc và vận dụng vào với thực tế của nhà mình.
Năm 2003, ông mạnh dạn bàn với vợ thầu khoán 3 mẫu ruộng trồng lúa kém hiệu quả chuyển đổi thành 3 ao nuôi. Qua giới thiệu của người dân trong xã, ông mua khoảng 210.000 con cá chim bột của Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản I (tỉnh Bắc Ninh) về thả ương nuôi thử, tỷ lệ sống bước đầu chỉ đạt được 20%.
Ông Đỗ Mạnh Chinh cho cá chim giống ăn – Ảnh: Quy Nho
Bước đầu đã có kinh nghiệm trong sản xuất, nên các năm tiếp theo ông tiếp tục đưa bột cá chim vào ương nuôi áp dụng nhiều kỹ thuật từ sách vở, truyền hình, nhưng ông thấy giống cá chim tỷ lệ sống vẫn thấp. Thậm chí năm 2007 thời tiết rét đậm rét hại xuống đến 100C, 10 chén cá bột chim ông ương nuôi đến cỡ 150 con/kg bị xóa sổ hết, ông thu về phơi trắng sân nhà.
Ông tâm sự: “Gian nan nhiều lắm, chết cả tấn/ngày cũng có, chết 5 tạ/ngày cũng có, những lúc như thế thần kinh mà không vững không có vợ động viên về tinh thần có khi cũng bỏ rồi đấy”; nghĩ lại thì “cá chim giống tỷ lệ sống thấp giá bán chỉ 500 đồng/con với cỡ 100 con/kg nhưng so với giá cá trôi, mè thì vẫn thích hơn”.
Không nản, ông quyết định thế chấp cả đất đai của bố mẹ để lại vay thêm vốn đầu tư trang thiết bị (máy sục khí, xây thêm bể, khoan thêm 2 giếng…). Những năm tiếp theo, ông vẫn tiếp tục ương cá chim giống, dần dần ông đứng vững và có kinh nghiệm dày dặn, vượt khó vươn lên ổn định cuộc sống trong nghề ương nuôi cá chim giống qua đông. Ông nói: “Giờ có rét đậm, rét hại như năm 2007 tôi vẫn ương được cá chim giống qua đông, tỷ lệ sống từ cá bột lên cá hương đạt 60 – 65%, từ cá hương lên cá giống đạt 90% thậm chí 100%”.
Chia sẻ kinh nghiệm
Cứ vào tháng 10 âm lịch hàng năm, ông bắt đầu thả cá chim bột thì ra Tết là có cá chim giống cung ứng cho dân, giá bán ngay từ đầu vụ nuôi khoảng 700 – 1.000 đồng/con, lúc hiếm, giá giống có thể lên tới 1.200 đồng/con.
Hàng năm, ông cung ứng cho bà con 0,7 – 0,8 triệu con giống. Ngoài bán cho các hộ dân quanh xã ông còn cung ứng con giống đi khắp các địa phương như Bắc Ninh, Hà Nội, Hải Dương…; doanh thu từ ương nuôi đạt 300 – 400 triệu đồng/năm; thu lãi 150 – 200 triệu đồng, đem lại cuộc sống ổn định, khá giả cho gia đình.
Năm 2013, cơ sở ương nuôi của ông được Chi cục Thủy sản Phú Thọ cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Hiện tại, cơ sở ương nuôi của ông có 2 tấn cá chim giống cỡ 100 – 150 con/kg và tiếp tục cung ứng cho người nuôi trên địa bàn.
Không chỉ chú tâm phát triển niềm đam mê con cá chim, ông Chinh còn tham gia các hoạt động xã hội do địa phương tổ chức, là hội viên Hội Nông dân xã Trưng Vương, được bà con lối xóm yêu quý.
>> Theo ông Đỗ Mạnh Chinh, mô hình ương cá chim trắng qua đông tuy khó nhưng hiệu quả kinh tế cao đồng thời giúp người nuôi trồng thủy sản chủ động được nguồn con giống, đẩy mạnh thâm canh, tăng vụ, góp phần nâng cao năng suất và hiệu quả nuôi trồng. |