Đổi mới nghề cá ở Bà Rịa – Vũng Tàu

Chưa có đánh giá về bài viết

Trong hoàn cảnh nhiều khó khăn nhưng lãnh đạo và hội viên Hội Nghề cá Bà Rịa – Vũng Tàu vẫn có nhiều hoạt động thúc đẩy sự phát triển của ngành thủy sản tại địa phương.

Nhiều chính sách phù hợp

Ông Cao Xuân Tiều, Phó Chủ tịch Hội cho biết: Xác định nhóm nhiệm vụ trọng tâm, góp phần phát triển sản xuất, kinh doanh và hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch ngành thủy sản tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu năm 2014, Hội Nghề cá đã đề xuất nhiều giải pháp đóng góp trực tiếp. Theo đó, Hội đã phân công hội viên trong Ban thường vụ, Ban chấp hành phụ trách các huyện, thành phố và lĩnh vực khai thác, nuôi trồng, chế biến, dịch vụ hậu cần thủy sản; kịp thời giải quyết các vấn đề nảy sinh, nhằm giúp hội viên cũng như ngư dân trong quá trình sản xuất, kinh doanh thủy sản.

Ảnh: Xuân Trường

Ngoài ra, còn tham gia giới thiệu, quảng bá thương hiệu ngành thủy sản tỉnh, với các hoạt động tổ chức gian hàng giới thiệu quá trình hình thành và phát triển của ngành. Hội đã cùng Sở NN&PTNT tham gia gian hàng triển lãm “Chủ quyền biển đảo và Kinh tế biển”. Đã trưng bày hơn 30 mặt hàng thủy sản xuất khẩu tiêu biểu, có thế mạnh của tỉnh… Đồng thời, kêu gọi ngư dân tham gia xây dựng các mô hình đồng quản lý nghề cá ven bờ quy mô nhỏ, góp phần khai thác tốt tiềm năng thế mạnh của tỉnh một cách bền vững. Bởi nhận thức đồng quản lý nghề cá là một cách có hiệu quả đem lại nhiều lợi ích cho cộng đồng ngư dân (giảm xung đột giữa những ngư dân; tăng sản lượng đánh bắt và tăng thu nhập; duy trì và tạo sinh kế; cung cấp thông tin và cải thiện kỹ năng ra quyết định hiệu quả hơn; tăng cường quyền hợp pháp trong quản lý nghề cá…).

 

Hoàn thành nhiệm vụ năm 2014

Từ nay đến cuối năm, Hội tiếp tục tổ chức hội nghị góp ý kiến về chuyên môn cho các hội viên, hoặc giao cho từng hội viên có chuyên môn phù hợp trực tiếp góp ý. Vận động hội viên, nông ngư dân, doanh nghiệp ủng hộ công sức, kinh phí để bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống nghề cá (Lễ Nghinh ông, tôn tạo Lăng Ông, xây dựng Bảo tàng nghề cá tại thị trấn Phước Hải, huyện Đất Đỏ…). Song song đó là nhiệm vụ bảo vệ quyền lợi chính đáng cho hội viên và ngư dân. Hội sẽ tập hợp, đề xuất ý kiến đến các cơ quan quản lý nhà nước về cơ chế, chính sách khuyến khích ngư dân, doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh thủy sản, nâng cao đời sống. Vận động, tuyên truyền, phổ biến các tiến bộ khoa học, kỹ thuật và quản lý nghề cá đạt hiệu quả, bền vững. Có tiếng nói kịp thời đối với các hành vi của nước ngoài xâm phạm quyền lợi của ngư dân và chủ quyền Việt Nam…

Cùng đó, phối hợp với các đơn vị thuộc Sở NN&PTNT tỉnh tổ chức 10 lớp tuyên truyền, tập huấn, vận động nông ngư dân tự nguyện tham gia tổ chức Hội, hướng dẫn hội viên khi gặp khó khăn về kỹ thuật, khoa học công nghệ, thủ tục hành chính sẽ liên hệ với Văn phòng Hội để được trả lời, hướng dẫn.

Trong hoạt động khai thác và nuôi trồng, các hội viên tiếp tục phát triển nuôi trồng thủy sản trên diện tích nước ngọt, lợ và mặn, tăng năng suất, chất lượng và giá trị, đảm bảo phát triển nuôi trồng thủy hải sản hiệu quả và bền vững; Tổ chức lại nghề cá gần bờ theo hướng chuyển đổi nghề nghiệp hợp lý, nâng cao năng suất, sản lượng khai thác phải gắn chặt với việc bảo vệ nguồn lợi và tổ chức quản lý cộng đồng nghề cá ven bờ.

>> Hội Nghề cá Bà Rịa – Vũng Tàu được thành lập ngày 31/5/2010. Đến nay, có 110 hội viên hoạt động trong các lĩnh vực khai thác, nuôi trồng, chế biến thủy sản; các cán bộ quản lý nhà nước về thủy sản ở cấp tỉnh, huyện và các cán bộ hưu trí.

Minh Dương

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!