(Thủy sản Việt Nam) – Khi việc tìm kiếm thị trường xuất khẩu không còn khó đối với các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu thủy sản, thì những năm gần đây, việc thiếu đói nguyên liệu đã trở thành bài toán nan giải, khiến các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu thủy sản “toát mồ hôi”. Giải bài toán khó này chính là điều kiện sống còn đối với các doanh nghiệp hiện nay.
Kỳ I: Doanh nghiệp lao đao, công nhân mất việc
Thiếu triền miên
Đang vào vụ đánh bắt thủy sản thuận lợi nhất trong năm, nhưng nhiều doanh nghiệp chế biến thủy sản vẫn phải “kêu trời” vì thiếu nguyên liệu. Ông Đào Quốc Tuấn, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty TNHH TMDV và Sản xuất Tứ Hải cho biết, Công ty cần từ 9-10 tấn nguyên liệu/ngày, nhưng chỉ thu mua được từ 2-3 tấn, thậm chí cả ngày không có hàng để sản xuất. Mặc dù, đã có nhiều biện pháp chủ động thu mua nguyên liệu như tổ chức mạng lưới thu mua từ tỉnh Kiên Giang, bố trí lực lượng thu mua và sơ chế nguyên liệu tại chỗ trước khi vận chuyển về công ty, nhưng hiện Công ty CP Chế biến và Xuất nhập khẩu thủy sản Bà Rịa – Vũng Tàu (Baseafood) cũng chỉ thu mua được từ 70-80% nguồn nguyên liệu để sản xuất.
Ông Lê Văn Kháng, Tổng Giám đốc Công ty CP Thủy sản và XNK Côn Đảo (Coimex) cho biết, từ ngày 1/4, Công ty gần như không có nguyên liệu để làm. Công ty đã hỗ trợ ngư dân bằng việc cam kết tăng giá mua, nhưng vẫn không đủ. Lượng nguyên liệu thu mua của Công ty đã giảm từ 100 tấn cá/ngày trước đây xuống còn 20 – 30 tấn/ngày.
Theo báo cáo của Sở NN&PTNT Bà Rịa – Vũng Tàu, toàn tỉnh hiện có khoảng 169 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực chế biến và xuất khẩu thủy sản. Theo đó, nhu cầu sử dụng nguyên liệu khoảng 1 triệu tấn/năm, trong khi sản lượng khai thác của bà con ngư dân chỉ được khoảng hơn 200 ngàn tấn/năm, đáp ứng được khoảng 22% nhu cầu sản xuất.
Thiếu nguyên liệu sản xuất đang là nỗi ảm ảnh của các danh nghiệp chế biến thủy sản xuất khẩu
Và những hệ lụy
Hiện nay, nhiều doanh nghiệp lao đao vì đến thời hạn giao hàng cho đối tác nhưng không có nguyên liệu sản xuất. “Trước đây, doanh nghiệp chúng tôi thường chủ động ký hợp đồng xuất khẩu cho cả năm, nhưng bây giờ chỉ dám ký từng tháng hoặc từng quý một, vậy mà nhiều khi còn bị “đền” hợp đồng. Chưa kể việc không dám chủ động ký hợp đồng trước nên đành ngậm ngùi mất khách hàng” – ông Đào Quốc Tuấn cho biết.
Do nguồn nguyên liệu khan hiếm nên tình trạng các doanh nghiệp cạnh tranh nhau trong việc thu mua nguyên liệu diễn ra là điều khó tránh khỏi. Nhiều doanh nghiệp đã tự “đẩy” giá cao, trong khi đầu ra không thể tăng nhiều khiến doanh nghiệp bị lỗ vì không thể xuất khẩu với giá cao.
Năm nay, có thời điểm giá nguyên liệu xuất khẩu thu mua trong nước tăng từ 30-60% so với cùng kỳ năm ngoái, cá biệt có loại tăng 90%. Cụ thể, giá bạch tuộc tăng từ 50.000 đồng/kg lên 90.000 đồng/kg, nhưng vẫn không có nguồn hàng để sản xuất.
Theo thống kê, toàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu hiện có hơn 64.000 lao động sống bằng nghề chế biến hải sản. Doanh nghiệp thiếu nguyên liệu chế biến, kéo theo hàng ngàn lao động trong nghề cá bị ảnh hưởng. Chủ một doanh nghiệp chế biến hải sản cho biết, do “đói” nguyên liệu, nhà máy buộc phải giảm công suất 50% nên đành phải cho một số công nhân hợp đồng thời vụ nghỉ việc, số công nhân còn lại chi trả theo chế độ bảo hiểm, thu nhập thấp nên nhiều người xin nghỉ việc về quê.
Nguồn nguyên liệu không ổn định, khiến các doanh nghiệp “dở khóc dở cười” vì khi có nguyên liệu để sản xuất thì nhà máy thiếu công nhân, còn khi lực lượng công nhân đầy đủ lại không có nguyên liệu để làm.
>> Bà Rịa – Vũng Tàu hiện có khoảng 172 doanh nghiệp chế biến thủy sản, với tổng công suất thiết kế hơn 200.000 tấn thành phẩm/năm (tương đương với khoảng 400.000 tấn nguyên liệu). Trong khi năng lực khai thác và nuôi trồng thủy sản trong tỉnh chỉ đạt khoảng hơn 200 ngàn tấn nguyên liệu/năm.
Thanh Nga