“Đói” nguyên liệu – Căn bệnh trầm kha (Kỳ 2)

Chưa có đánh giá về bài viết

(Thủy sản Việt Nam) – Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), nguyên nhân dẫn đến các doanh nghiệp thiếu nguyên liệu thủy sản là do nguồn lợi cạn kiệt, hậu quả từ việc đánh bắt vô tổ chức, giá xăng dầu tăng cao khiến ngư dân “bỏ biển”. Và nhiều nguyên nhân nhân khác nữa làm cho tình trạng thiếu nguyên liệu ngày càng trở nên trầm trọng.

Kỳ I: Doanh nghiệp lao đao, công nhân mất việc

Kỳ II: Đi tìm nguyên nhân

Tỷ lệ cá tạp chiếm 70%

Anh Nguyễn Ngọc Minh Phương, chủ tàu cá BV 5488 TS, ấp Tân Lập, xã Phước Tỉnh, huyện Long Điền (Bà Rịa – Vũng Tàu), một trong những ngư dân gắn bó lâu năm với nghề biển cho biết, 10 năm trước, mỗi chuyến đánh bắt xa bờ tài công cho tàu chạy ra biển khoảng chừng 20 hải lý là có thể quăng lưới. Còn bây giờ phải chạy đến 200 hải lý mà vẫn không có cá. Theo kinh nghiệm của nhiều ngư dân, nguồn hải sản biển đang giảm mạnh, đã vậy tỷ lệ cá tạp trong một mẻ lưới chiếm đến hơn 70%. Một số loài hải sản có giá trị cao như: cá thu, cá mú, tôm hùm, mực… đã trở nên khan hiếm.

Phương thức bảo quản sản phẩm sau khai thác của ngư dân chưa đáp ứng được yêu cầu, đây là nguyên nhân làm cho tỷ lệ hao hụt lớn, chất lượng nguyên liệu kém. Theo ông Đào Quốc Tuấn, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty TNHH TMDV và Sản xuất Tứ Hải, việc bảo quản nguyên liệu trên các tàu cá có tính chất quyết định, ảnh hưởng tới chất lượng thủy sản cho các doanh nghiệp xuất khẩu. Trong khi đó, hiện nay công nghệ bảo quản hải sản sau khai thác của bà con ngư dân còn quá sơ sài, chủ yếu là dùng đá ướp lạnh nên chỉ có 20-30% sản lượng khai thác đáp ứng nhu cầu xuất khẩu, số còn lại chủ yếu để chế biến surimi, hoặc phơi cá phân dùng chế biến bột cá làm thức ăn gia súc.

Ông Phạm Bạn, chủ tàu cá BV 93288 TS (Bà Rịa – Vũng Tàu) cho biết, chuyến biển vừa qua, tàu cá của ông trúng lớn, sản lượng đạt gần 90 tấn, nhưng có tới gần 50 tấn cá phân nên tính ra hiệu quả kinh tế vẫn thấp. Ông Bạn cũng như nhiều ngư dân khác ao ước có hệ thống cấp đông để bảo quản sản phẩm tốt hơn nhưng trong điều kiện hiện nay điều này là vô cùng khó khăn.  “Bởi để đầu tư một giàn cấp đông ngư dân phải bỏ ra từ 500-700 triệu đồng/cặp tàu, đó là chưa kể số tiền đầu tư nâng cấp, cải hoán tàu cho phù hợp. Hơn nữa, để vận hành tốt hệ thống cấp đông này, bà con ngư dân phải được tập huấn hướng dẫn kỹ thuật”, ông Bạn nói.

 

Chưa có sự liên kết

 Mấy năm qua, ngành chế biến thủy sản phát triển mạnh, số lượng các doanh nghiệp chế biến hải sản ngày càng tăng, trong khi sản lượng khai thác, nuôi trồng thủy sản ngày càng giảm. Bên cạnh đó, chuỗi liên kết trong khai thác, cung ứng, sử dụng nguyên liệu giữa ngư dân và doanh nghiệp còn rất rời rạc. Từ trước tới nay, ngư dân chủ yếu vẫn phải bán sản phẩm qua các đầu nậu, khâu trung gian nên lợi nhuận bị giảm đáng kể. Ngoài ra, ngư dân cũng không biết nhà máy chế biến cần loại nguyên liệu gì, kích cỡ bao nhiêu, chất lượng thế nào. Chính vì thế mới có tình trạng, sản lượng hải sản khai thác sử dụng lãng phí vào việc chế biến bột cá, thức ăn gia súc, trong khi nguồn lợi hải sản đang có nguy cơ cạn kiệt.

Ông Nguyễn Văn Nhân, ngư dân phường 5, TP. Vũng Tàu cho biết, đánh bắt kém hiệu quả, nhiều tàu cá nằm bờ cũng là nguyên nhân làm cho các nhà máy chế biến thiếu hụt nguyên liệu trầm trọng. Số tàu cá chống chọi được để bám biển thì lúc nào cũng thấp thỏm nỗi lo “trúng biển, rớt giá”. “Thật sự chúng tôi cũng chẳng biết ai là người quyết định giá hải sản trên thị trường, chỉ thấy rằng khi hải sản khan hiếm thì giá tăng, còn biển được mùa thì lập tức giá rớt xuống ngay”, ông Nguyễn Văn Nhân buồn rầu nói.

Do thiếu sự liên kết giữa doanh nghiệp và ngư dân nên chưa có cơ chế nào khuyến khích ngư dân bảo quản sản phẩm tốt. Một ngư dân tính toán, một lô cá đánh bắt trong vòng 10 ngày về bến cũng được các nậu vựa mua với giá ngang với lô cá của các tàu đánh bắt từ 30-45 ngày/chuyến. Vì thế, nhiều tàu cá thay vì cần 2.000 cây đá cho 1 chuyến biển thì họ chỉ lấy khoảng 1.500 cây để giảm chi phí. Rõ ràng, cách thu mua hải sản theo kiểu “vàng thau lẫn lộn” của các nậu vựa đã khiến cho bà con ngư dân càng không quan tâm tới việc bảo quản sản phẩm.

 “Vì vậy, để bà con ngư dân yên tâm bám biển thì các doanh nghiệp phải có các giải pháp hỗ trợ cho ngư dân như: bao tiêu sản phẩm và ổn định giá cả và phân loại giá cả theo chất lượng sản phẩm để ngư dân có ý thức bảo quản sản phẩm được tốt hơn” – ông Phạm Tính, Chủ tịch Hội Nông dân xã Phước Tỉnh nói. 

Một vấn đề cũng cần được xem xét về phía các doanh nghiệp chế biến hải sản, đó là công nghệ chế biến hải sản cũ kỹ, lạc hậu, đa phần sản phẩm sau chế biến vẫn ở dạng thô hoặc chỉ là bán thành phẩm. Đây là nguyên nhân gây tiêu tốn nguồn nguyên liệu rất lớn, giá trị xuất khẩu thấp dẫn đến giá thu mua nguyên liệu đầu vào thấp, khiến cho bà con ngư dân thua lỗ, không có động lực ra khơi.

>> Ông Trần Xuân Nhật, Giám đốc Công ty TNHH Đông Hải: Đánh bắt hải sản ngày càng khó khăn, do nguồn lợi hải sản cạn kiệt, do vậy việc khai thác chọn lọc và bảo đảm chất lượng sản phẩm là giải pháp quan trọng trong việc bảo đảm nguồn nguyên liệu. Để làm tốt việc này, doanh nghiệp và ngư dân cần có “tiếng nói chung”.

THANH NGA

                Kỳ III: Phương thuốc nào chữa dứt bệnh?

 

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!