“Đói” nguyên liệu – căn bệnh trầm kha (Kỳ cuối)

Chưa có đánh giá về bài viết

(Thủy sản Việt Nam) – Tình trạng thiếu nguyên liệu đã diễn ra trong nhiều năm qua và ngày càng gay gắt hơn, trở thành căn bệnh trầm kha của ngành thủy sản. Tuy nhiên, các giải pháp khắc phục tình trạng thiếu nguyên liệu hiện nay của các doanh nghiệp còn mang tính tạm thời.

Kỳ I: Doanh nghiệp lao đao, công nhân mất việc

Kỳ II: Đi tìm nguyên nhân

Kỳ cuối: Phương thuốc chữa dứt bệnh?

 

Nhập nguyên liệu

Nhằm khắc phục tình trạng thiếu nguyên liệu, thời gian qua nhiều doanh nghiệp đã chủ động nhập nguồn nguyên liệu từ nước ngoài để ổn định sản xuất. Ông Trần Văn Dũng, Tổng Giám đốc Công ty CP Chế biến – Xuất nhập khẩu thủy sản Bà Rịa – Vũng Tàu (Baseafood) cho biết, để chủ động nguồn nguyên liệu, mấy năm qua Công ty tăng cường nhập khẩu từ 20-30% sản lượng từ các nước như: Chile, Ấn Độ, Pakistan, Sri Lanca, Thái Lan, Trung Quốc… với mức giá cao hơn khoảng 5% so với giá trong nước.

Theo đánh giá của các doanh nghiệp, việc nhập khẩu nguyên liệu tuy giá cao nhưng bảo đảm chất lượng, giúp doanh nghiệp chủ động sản xuất. Tuy nhiên, đây không phải giải pháp ổn định lâu dài, bởi có những mặt hàng nhập khẩu không có và có những doanh nghiệp không thể sử dụng mặt hàng nhập khẩu để dùng trong chế biến như các nhà máy sản xuất surimi. Hơn nữa, việc nhập khẩu đòi hỏi doanh nghiệp phải có tiềm lực tài chính mạnh để thu mua nguồn nguyên liệu dự trữ và đầu tư kho lạnh bảo quản sản phẩm. Mặt khác, doanh nghiệp này cũng phải có nguồn khách hàng và thị trường tiêu thụ ổn định, tính toán hợp lý. Vì vậy, theo ông Phạm Thành Ý, Giám đốc Công ty PHAMFOOD (TP Vũng Tàu), việc nhập khẩu nguyên liệu chưa phải là giải pháp tối ưu khi chúng ta vẫn đủ điều kiện để phát triển vùng nguyên liệu đáp ứng nhu cầu chế biến.

Để giải quyết tình trạng thiếu nguyên liệu như hiện nay, Nhà nước cần đẩy mạnh hợp tác mở rộng ngư trường khai thác, hỗ trợ cho ngư dân về kỹ thuật bảo quản nguyên liệu; Bộ NN&PTNT cần có giải pháp hạn chế các loại nghề khai thác làm tổn hại đến ngư trường; đồng thời cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án nuôi tập trung đang xây dựng, có kế hoạch cụ thể nâng cấp cơ sở hạ tầng vùng nuôi. Cần hình thành mối liên kết giữa các doanh nghiệp với ngư dân và người nuôi trồng thủy sản bằng cách triển khai hình thức bao tiêu sản phẩm trong và ngoài tỉnh cho ngư dân; đa dạng hóa sản phẩm theo hướng tăng các mặt hàng tinh chế, sử dụng ít nguyên liệu và sản phẩm ngày càng có giá trị gia tăng cao…

Xây dựng vùng nguyên liệu thủy sản ổn định, bền vững là yêu cầu cấp thiết        Ảnh: Duy Khương

 

Đẩy mạnh sản xuất mặt hàng tinh chế

Từ đầu năm đến nay, các doanh nghiệp chế biến thủy sản chỉ hoạt động từ 50-60% công suất do thiếu nguyên liệu. Tuy nhiên, thực tế vẫn có khoảng 10% doanh nghiệp đủ khả năng bảo đảm nguồn nguyên liệu hoạt động là nhờ chế biến các sản phẩm tinh, tạo ra giá trị gia tăng cao hơn. Một trong những doanh nghiệp dẫn đầu về sản xuất các mặt hàng tinh chế là Công ty CP Hải Việt (Havico) và Công ty Baseafood. Từ năm 1995, Công ty Havico đã bắt đầu sản xuất các mặt hàng tinh chế, ăn liền cao cấp như: sushi, sashimi, chả giò cao cấp… xuất khẩu chủ yếu sang thị trường Nhật Bản. Hiện, Công ty có khoảng 300 mặt hàng tinh chế, dạng hàng siêu thị ăn liền được sản xuất từ dây chuyền công nghệ mới, hiện đại chủ yếu cung cấp cho các thị trường: Nhật Bản, Hàn Quốc, EU, Mỹ, Úc và các nước châu Á.

Ông Huỳnh Minh Tường, Phó Tổng giám đốc Công ty Baseafood cho biết, do tình hình khó khăn về nguyên liệu, thời gian qua, Công ty đẩy mạnh sản xuất các mặt hàng tinh chế, nâng giá trị gia tăng sản phẩm, nhờ vậy sản lượng hàng xuất khẩu tuy giảm, nhưng kim ngạch thu về vẫn tăng. Hiện nay, những mặt hàng chế biến sẵn như seafood mix (từ mực, bạch tuộc, tôm), hàng đông lạnh (mực nút nguyên con làm sạch, mực ống nguyên con làm sạch, mực nang sashimi, râu bạch tuộc cắt, bạch tuộc, surimi, cá lưỡi trâu rán bột, cá trích tẩm cốm), hàng khô (cá chỉ vàng fillet, cá đổng, cá trích) của Công ty được tiêu thụ mạnh tại Nhật Bản, Hàn Quốc, Israel, Đài Loan, Thái Lan, Singapore, Malaysia, Hồng Kông, Tây Ban Nha, Nga, Đức, Italia, Mexico, Úc, Mỹ và các nước Trung Đông.

               

Xây dựng vùng nguyên liệu

Cùng với việc đẩy mạnh sản xuất mặt hàng tinh chế, nhiều doanh nghiệp cho rằng, cần chủ động gắn kết công tác chế biến với vùng nguyên liệu, đẩy mạnh liên kết theo hợp đồng giữa nhà máy với người khai thác, nuôi trồng thủy sản.

Tuy nhiên, để xây dựng được mạng lưới cung ứng nguyên liệu cho các nhà máy chế biến thủy sản là một vấn đề phức tạp. Thực tế, lâu nay cũng đã có một số doanh nghiệp lớn trực tiếp đứng ra thu mua và ký hợp đồng với ngư dân tiêu thụ sản phẩm, nhưng việc này không tồn tại được lâu vì nảy sinh những vấn đề bất cập, chẳng hạn như ngư dân không đáp ứng được các điều khoản đã cam kết, giá cả không ổn định…

Do vậy, cần sự vào cuộc của ngành chức năng, cụ thể là ngành nông nghiệp và các tổ chức hiệp hội nhằm gắn kết các bên, tránh tình trạng mạnh ai nấy làm như lâu nay. Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp phải kết hợp với các địa phương tạo điều kiện thuận lợi và làm cầu nối để doanh nghiệp – ngư dân liên kết với nhau trong nuôi trồng thủy sản, xây dựng vùng nguyên liệu ổn định, bền vững, phục vụ chế biến xuất khẩu. 

>> Theo tính toán của các doanh nghiệp, sản xuất mặt hàng tinh chế có thể tiết kiệm 50% lượng nguyên liệu, giá bán cũng cao hơn từ 30-40% nên lợi nhuận thu về lớn hơn so với sản xuất thô. Đồng thời, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

THANH NGA

 

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!