Đối phó hiện tượng tôm chết hàng loạt

Chưa có đánh giá về bài viết

Thời điểm này, hầu hết các địa phương đã bước vào nuôi tôm vụ hai, ba. Tuy nhiên, dịch bệnh vẫn đeo bám, gây thiệt hại cho người nuôi, nhất là ở Trà Vinh, Sóc Trăng, Cà Mau…

Cả bệnh lạ lẫn bệnh quen

Đang thời điểm xuống giống tôm nuôi vụ hai, nhưng hàng ngàn hộ nuôi tôm ở huyện Kim Sơn (Ninh Bình) đang lo lắng bởi tôm nuôi đang chết bởi bệnh lạ, chưa rõ nguyên nhân. Ông Hoàng Văn Cường, chủ một hộ nuôi tôm ở xã Kim Trung cho biết: “Ban đầu tôm chết rải rác nhưng sau đó chết rất nhanh”. Các chủ đầm tôm đang lo lắng, bởi năm nay tôm chết không có những biểu hiện của các loại bệnh thường gặp; kiểm tra tôm thấy phần phụ còn nguyên, vỏ không bị ăn mòn, đuôi không phồng, gan tụy bình thường.

  Người nuôi tôm thực hiện đúng quy trình vệ sinh ao đầm, xử lý nước… nhưng chỉ trong thời gian ngắn tôm đã bị nhiễm bệnh; đặc biệt các mẫu bệnh được xét nghiệm lại cho kết quả âm tính với các bệnh như đốm trắng, đầu vàng, Taura, nên người dân càng lo.

Dịch bệnh trên tôm vẫn tiếp diễn ở nhiều địa phương – Ảnh: Thanh Ngân

Hiện tượng tôm chết hàng loạt tháng 8 vừa qua tại một số xã thuộc các huyện Kỳ Anh, Nghi Xuân (Hà Tĩnh) được xác định là do dịch bệnh đốm trắng và hội chứng gan tụy. Hội chứng gan tụy cũng được cho là nguyên nhân chính làm chết tôm nuôi lấp vụ tại nhiều vùng nuôi tôm của Trà Vinh; giữa tháng 8 đã có trên 1.000 ha tôm nuôi lấp vụ bị thiệt hại, đến nay hiện tượng tôm chết vẫn chưa dừng.

                          

Vẫn là ẩn số

Theo TS Nguyễn Văn Hảo – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản II, hiện vẫn chưa tìm ra giải pháp hữu hiệu nhất nhằm khắc phục hiện tượng tôm chết. Trong khi chưa rõ nguyên nhân tôm chết hàng loạt, người dân chỉ biết thực hiện theo khuyến cáo của các cơ quan chức năng, như: tuân thủ việc giảm mật độ nuôi; giảm vụ (từ 3 – 4 vụ xuống còn 1 – 2 vụ/năm); giãn vụ ít nhất là 30 ngày để đủ thời gian vệ sinh; tăng cường dùng chế phẩm sinh học trong quá trình nuôi… Tuy nhiên, thực tế thời gian qua cho thấy ngoài yếu tố bất lợi về thời tiết thì việc xử lý triệt để các ổ dịch cũ vẫn chưa được thực hiện tốt, đặc biệt là chất lượng con giống chưa đảm bảo… vẫn là những nguyên nhân chính khiến tôm bị nhiễm bệnh, chết hàng loạt.

Trước khó khăn hiện nay, nhiều hộ nuôi tôm đã hạn chế diện tích thả nuôi; nhiều địa phương còn mạnh dạn thay đổi đối tượng nuôi trong vùng dịch (như nuôi tôm càng xanh, cua biển, nuôi tôm thẻ chân trắng tiến tới thay thế tôm sú). Theo nhiều hộ nuôi, đấy mới chỉ là giải pháp tạm thời…

>> Trước những thiệt hại do “Hội chứng chết sớm” và “Hội chứng hoại tử gan tụy cấp”, tháng 8 vừa qua tại Bangkok (Thái Lan) đã diễn ra cuộc họp khẩn cấp khu vực Châu Á – Thái Bình Dương về “Hội chứng chết sớm ở tôm”, để chia sẻ kinh nghiệm phòng ngừa, đối phó dịch bệnh ở tầm khu vực.

Thanh Thủy

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!