Đối phó kiện “chống bán phá giá”: Lời giải trong tay doanh nghiệp

Chưa có đánh giá về bài viết

Bộ Thương mại Mỹ (DOC) áp thuế chống bán phá giá (CBPG) tăng 25 – 45 lần với cá tra Việt Nam, là một quyết định có phần khiên cưỡng, nhằm bảo hộ sản phẩm trong nước; doanh nghiệp Việt Nam có thể khởi kiện. Tuy nhiên, các chuyên gia khuyến cáo, doanh nghiệp Việt Nam phải chủ động có kế hoạch đối phó.

Một lần “trừng phạt”, thiệt hại 10 năm…

Ngày 14/3/2013, DOC thông báo quyết định cuối cùng của đợt rà soát hành chính lần thứ 8 (POR8) đối với fillet đông lạnh cá tra Việt Nam, từ 1/8/2010 đến 31/7/2011. Bằng quyết định này, thuế suất đánh vào cá tra, cá basa fillet đông lạnh của Việt Nam tăng cao đột ngột so với kỳ POR7, trái ngược mức thuế sơ bộ rất thấp hoặc bằng 0, được công bố ngày 12/9/2012. Theo đó, Công ty CP Vĩnh Hoàn vốn được hưởng thuế suất 0%, sẽ phải chịu thuế 0,19 USD/kg; 16 doanh nghiệp (DN) khác (gồm Bình An, Hùng Vương, Cadovimex, Anvifish, Docifish…) cùng xuất khẩu mặt hàng tương tự, sẽ phải chịu thuế 0,77 – 3,87 USD/kg.

Quyết định của DOC khiến DN thủy sản Việt Nam khó càng thêm khó. Lãnh đạo Công ty CP Nam Việt (An Giang) cho rằng nếu mức thuế quá cao lần này không thay đổi thì làn sóng DN thủy sản rời bỏ thị trường Mỹ sẽ rất lớn; không loại trừ đối tác nước ngoài lợi dụng cơ hội này để ép giá cá tra Việt Nam…

Dẫu biết đây là quyết định có phần khiên cưỡng của DOC, nhằm bảo hộ hơn 69.000 ha cá da trơn đang nuôi tại Mỹ, nhưng để theo kiện thành công, thoát khỏi mức thuế “trừng phạt” này, các DN cũng sẽ tốn không ít thời gian, tiền bạc.

Nhớ lại vụ kiện chống bán phá giá (CBPG) lần đầu của Mỹ đối với cá da trơn Việt Nam tháng 6/2002, mức thuế áp dụng 36,8 – 63,88%, sau đó DN Việt Nam phải mất 10 năm mới đưa được về 0%. VASEP thừa nhận tác động vụ kiện này rất lớn. Xuất khẩu cá tra, basa trong nước giảm mạnh trong thời gian bị áp thuế CBPG. Các DN khi theo đuổi các vụ kiện cũng phải chịu hàng loạt loại chi phí (từ tiền thuê luật sư, thuế, tiền thế chân, có loại đến 80 – 100% giá trị xuất khẩu của DN vào thị trường bị kiện…).

Cần trả lại công bằng cho cá tra Việt Nam – Ảnh: Ngọc Trinh

Đến nay, qua 6 lần xem xét hành chính hằng năm, cùng với nhiều nỗ lực đấu tranh của VASEP và các DN, mức thuế CBPG này đã dần giảm về 0 đối với đa phần các DN bị đơn Việt Nam tại POR7.

Tuy nhiên, niềm vui được hưởng thuế suất 0% của các DN vừa nhen lên đã nhanh chóng bị dập tắt bởi quyết định tại POR8. Các cơ quan chức năng đã vào cuộc phản đối quyết định của DOC, thậm chí chúng ta khẳng định sẽ quyết tâm theo kiện đến cùng để trả lại sự công bằng cho cá tra trong nước. Nhưng, kinh nghiệm cho thấy, để vụ kiện đi đến hồi kết, và dù có thắng thì thiệt hại về thời gian và tiền bạc của các DN cũng rất lớn.

 

Doanh nghiệp phải chủ động

Ngay khi quyết định của DOC được công bố, rất nhiều cuộc họp các ban ngành đã được triệu tập, nhiều hội thảo đã được tổ chức với mục đích tìm giải pháp để cá tra Việt Nam thoát khỏi các vụ kiện CBPG từ thị trường nhập khẩu, nhất là Mỹ.

Đối với phán quyết tại POR8 lần này, nhiều ý kiến cho rằng, bên cạnh việc khởi kiện ra toà án Liên bang Mỹ, các DN Việt Nam cần liên kết chặt chẽ hơn nữa để tránh bị các nhà nhập khẩu tại thị trường này ép giá, vừa bảo vệ được nông dân nuôi cá, vừa tránh bị áp thuế CBPG vốn là nguy cơ luôn rình rập.

Có nên tăng giá bán để tránh bị kiện vì “bán phá giá” hay không, cũng đang là vấn đề được bàn thảo nhiều. Thực chất, với ưu thế gần như độc quyền, cá tra Việt Nam hoàn toàn có thể chủ động về giá, vừa đảm bảo lợi nhuận cho người nuôi và DN trong nước, vừa tránh được các vụ kiện CBPG. Tuy nhiên, điểm yếu của ngành cá tra Việt Nam vẫn ở chỗ các DN thiếu liên kết; tranh mua tranh bán, cạnh tranh không lành mạnh bằng cách giảm giá thành, dẫn đến thiệt hại đủ đường.

Tại hội thảo “Đối phó các vụ kiện phòng vệ thương mại và tự vệ trước hàng nhập khẩu gây thiệt hại” mới đây, ông Nguyễn Duy Khiên, Vụ trưởng Thị trường châu Mỹ, Bộ Công thương, chỉ ra nguyên nhân DN nước ta thua kiện CBPG, trợ cấp là do DN che giấu thông tin, tài liệu kế toán, lưu trữ số liệu không cụ thể, rõ ràng. Theo ông Khiên, để chủ động đối phó các vụ kiện, trước hết DN cần kiểm tra chính xác tài liệu kế toán, số liệu lưu trữ. Những thông tin về giá bán, số lượng bán, ngày tháng xuất bán, chi phí tàu biển, điều chỉnh giá là phần phải có số liệu rõ ràng nhất. Thông tin về các chi phí trong sản xuất, chi phí khác phải tách bạch…

Luật sư Matthew McConkey, phụ trách bộ phận thương mại toàn cầu Công ty Luật Mayer Brown tại châu Á – đơn vị nhiều năm đại diện các DN XK Việt Nam trong cả hai vụ kiện cá tra và tôm khuyến cáo, các DN cần bỏ hết mọi tài khoản có tên “trợ cấp” hoặc từ đồng nghĩa với nó trong sổ sách và hồ sơ kế toán. “Hình như Việt Nam thích dùng những từ này trong chính sách kinh tế, nếu không cẩn trọng thì có khi DN chưa được hưởng lợi nhưng Mỹ lại có cớ kiện chống trợ cấp”.

Nút thắt ở DN và người gỡ cũng là DN. Bên cạnh sự hỗ trợ về chủ trương chính sách từ Chính phủ và các ban ngành, DN Việt Nam cần chủ động hơn trong việc đối phó những vụ kiện thương mại, nhất là kiện CBPG đang ngày càng gia tăng. Việc tuân thủ nguyên tắc thị trường, cạnh tranh lành mạnh, hoạt động minh bạch cũng chính là chìa khoá giúp DN tránh khỏi những rủi ro không đáng có.

>>  Minh bạch thông tin, cẩn trọng khi cung cấp thông tin cho “đối tác lạ”, nâng giá bán cao hơn…, là cách các DN xuất khẩu cá tra Việt Nam có thể làm để tự phòng vệ, tránh những vụ kiện CBPG đang là cái bẫy” khó lường trong xuất khẩu thủy sản.

Hoàng Lan

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!