Với việc kết luận Mỹ đã áp dụng các biện pháp không đúng trong cách tính thuế chống bán phá giá với tôm Việt Nam, Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) cho thấy các nước nhỏ hoàn toàn có thể thắng trong các vụ kiện chống bán phá giá nếu biết chuẩn bị kỹ lưỡng và chủ động khởi kiện.
Tín hiệu tốt
Ngày 17/11 vừa qua, Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) đã chính thức công bố các phán quyết cuối cùng của Ban hội thẩm (Panel) đối với các khiếu kiện của Việt Nam liên quan đến việc Mỹ áp thuế chống phá giá lên mặt hàng tôm đông lạnh của Việt Nam.
Vụ kiện được bắt đầu từ 16/2/2012, khi Việt Nam đệ đơn khiếu kiện Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) về cách tính thuế chống bán phá giá đối với tôm nước ấm đông lạnh của Việt Nam xuất vào thị trường Mỹ.
Theo như phán quyết này, WTO xác định Mỹ đã vi phạm nghĩa vụ thành viên WTO trong việc áp dụng biện pháp zeroing khi tính biên độ phá giá đối với các nhà sản xuất, xuất khẩu tôm của Việt Nam, trong việc áp mức thuế toàn quốc ở mức cao, và trong việc bác bỏ một cách không thỏa đáng một số yêu cầu của các nhà sản xuất, xuất khẩu Việt Nam theo đó muốn phía Mỹ rút lại các biện pháp tính thuế sai.
Tôm Việt Nam đang gặp khó ở thị trường Mỹ – Ảnh: Lê Hoàng Vũ
“Phán quyết vừa qua của WTO đối với các khiếu kiện của Việt Nam đối với việc Mỹ áp thuế chống bán phá giá lên mặt hàng tôm nước ấm đông lạnh của Việt Nam là một tín hiệu tích cực, tạo động lực cho ngành nuôi trồng, sản xuất, chế biến và xuất khẩu mặt hàng tôm đông lạnh của Việt Nam” – Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình khẳng định tại cuộc họp báo ngày 20/11 vừa qua.
Chủ động khởi kiện
Theo ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam thì phán quyết mà WTO đưa ra hôm 17/11 không phải là lần đầu tiên Việt Nam thắng kiện Mỹ tại WTO. Trước đó, tháng 7/2011, WTO cũng ra phán quyết với nội dung tương tự trong vụ kiện của Việt Nam khởi xướng vào đầu năm 2010 với cách tính thuế chống bán phá giá vô lý mà Mỹ áp dụng với tôm Việt Nam. Theo đó, WTO ủng hộ khiếu kiện của Việt Nam về phương pháp “quy về 0” mà Mỹ áp dụng trong các điều tra rà soát hành chính. Ban hội thẩm WTO kết luận phương pháp này của Mỹ (áp dụng trong các rà soát lệnh áp thuế chống bán phá giá đối với tôm Việt Nam) là vi phạm điều 2.4 và 9.3 Hiệp định về chống bán phá giá của WTO. Kết luận này phù hợp với kết luận trong nhiều tranh chấp trước đây của WTO về vấn đề tương tự. Theo phán quyết này, Mỹ phải bỏ cách tính “quy về 0” trong các đợt xem xét thuế chống bán phá giá với tôm của Việt Nam.
Từ các đợt xem xét hành chính lần thứ 5 (POR5) trở về sau, Mỹ đã bỏ cách tính “quy về 0” theo quy định của WTO.
“Như vậy, với kết quả mà ban hội thẩm WTO đưa ra ngày 17/11 vừa qua, nhiều khả năng thuế chống bán phá giá trong giai đoạn POR4 đối với tôm của Việt Nam sẽ quy về 0 như hai lần trước đó, và như vậy không có lý do gì để Mỹ có thể tiếp tục kiện Việt Nam bán phá giá tôm vào thị trường Mỹ” – ông Hòe cho hay.
Theo một số chuyên gia, để chủ động trong việc đối phó với các vụ kiện chống bán phá giá thì trong bối cảnh hội nhập càng ngày càng sâu và rộng như hiện nay, về nguyên tắc, doanh nghiệp hay hiệp hội không phải là người khởi xướng vụ kiện mà Chính phủ phải đứng ra kiện, đưa vụ việc ra WTO để giải quyết tranh chấp tới cùng. Với các vụ kiện thời gian qua, Việt Nam đã có nhiều kinh nghiệm làm việc với các bên và luật sư, cũng như trong chuẩn bị các nguồn lực cần thiết để tiến hành khởi kiện. Và sự chuẩn bị của các doanh nghiệp và hiệp hội là rất quan trọng, không chỉ khi xảy ra vụ kiện và còn ở việc có thể phòng tránh các vụ kiện chống bán phá giá.
>> Theo thủ tục giải quyết tranh chấp của WTO, các bên tham gia vụ kiện có quyền kháng cáo trong vòng 60 ngày kể từ ngày ra phán quyết. Trong trường hợp không có kháng cáo thì quyết định của Ủy ban sẽ được Cơ quan Giải quyết Khiếu nại của WTO (DSB) thông qua và sau đó sẽ có giá trị ràng buộc pháp lý. |