Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) với lợi thế và tiềm năng lớn trong phát triển thủy sản đã đóng góp quan trọng trong sản xuất và xuất khẩu thủy sản chung của cả nước.
Sản lượng nuôi trồng, khai thác thủy sản của vùng liên tục tăng trong nhiều năm qua. Trong đó, sản lượng nuôi trồng chiếm 65% tổng lượng thủy sản nuôi của cả nước. Tuy nhiên, các địa phương trong vùng chưa phát huy hết thế mạnh và thiếu sự hỗ trợ phối hợp giữa các địa phương. Hình thành Trung tâm nghề cá tại TP Cần Thơ tạo cơ sở kết nối tất cả các địa phương trong vùng, khai thác triệt để thế mạnh của tất cả các địa phương, thu hút đầu tư trong và ngoài nước, phát triển toàn diện ngành thủy sản vùng ĐBSCL là một ý tưởng tốt, cần nhanh chóng triển khai thực hiện.
Phát triển thủy sản: Còn nhiều thách thức
Theo đánh giá của các nhà chuyên môn, tốc độ tăng trưởng thủy sản của vùng ĐBSCL cao nhưng chưa bền vững. Cụ thể, số lượng tàu thuyền đánh cá tăng nhanh ngoài tầm kiểm soát, cơ khí tàu thuyền, dịch vụ hậu cần còn nhiều yếu kém. Nuôi trồng thủy sản vẫn tiềm ẩn rủi ro, chưa kiểm soát tốt vấn đề thức ăn, con giống, dịch bệnh, ô nhiễm môi trường… Bên cạnh đó, giá cả các mặt hàng thủy sản biến động bất lợi và khó lường. Một trong các nguyên nhân gây nên hiện tượng này là do thiếu tính liên kết vùng trong sản xuất nguyên liệu, chế biến tiêu thụ và không gian quy hoạch, đặc biệt là lĩnh vực thủy sản. Các địa phương đầu tư dàn trải, manh mún và thiếu sự hỗ trợ phối hợp.
Mặt khác, nhu cầu đầu tư trong lĩnh vực thủy sản rất lớn và lĩnh vực này có nhiều khả năng thu hút các nguồn đầu tư nước ngoài ngoài ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, trong bức tranh tổng thể về đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI nói chung tại Việt Nam, việc thu hút vốn đầu tư vào lĩnh vực nông, lâm nghiệp và thủy sản giữ vị trí rất khiêm tốn. Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, giai đoạn 1998 – 2009, FDI vào lĩnh vực nông, lâm, thủy sản là 945 dự án với tổng số vốn gần 4,8 tỉ USD; trong đó, lĩnh vực thủy sản có 139 dự án với tổng vốn đầu tư 357 triệu USD. Điều đáng quan tâm, trong 10 năm trở lại đây, tỷ trọng đầu tư FDI vào lĩnh vực nông nghiệp nói chung đã giảm đáng kể so với giai đoạn trước đó, từ 8% năm 2001 xuống 5,2% vào năm 2007 và chỉ còn hơn 1% trong năm 2011. Trong đó, lĩnh vực thủy sản chỉ thu hút được 310 triệu USD so với con số 357 triệu USD ở giai đoạn 1998 – 2009. Đến nay, FDI trong lĩnh vực thủy sản mới chỉ có khoảng 70 dự án với hơn 310 triệu USD vốn đăng ký tập trung vào các ngành nuôi trồng, chế biến thủy sản, thức ăn, giống… Hầu hết là các dự án có quy mô nhỏ, bình quân chỉ hơn 4,4 triệu USD/dự án.
Trên cơ sở hình thành Trung tâm nghề cá, góp phần thu hút đầu tư, thúc đẩy sự phát triển của ngành thủy sản ĐBSCL. Ảnh: CTV
Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Vũ Văn Tám, những năm gần đây, nguồn vốn đầu tư cho thủy sản có tăng nhưng chưa tương xứng với sự phát triển của ngành. Trong đó, nguồn vốn từ ngân sách nhà nước chủ yếu tập trung vào hạng mục mang tính chất đầu mối, hạ tầng về nuôi trồng và đánh bắt thủy sản. Để ngành thủy sản phát triển, ngoài nguồn vốn từ ngân sách nhà nước cần kêu gọi đầu tư từ các nguồn vốn FDI, ODA, các tổ chức cá nhân trong và ngoài nước.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thanh Phương, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Cần Thơ, cho rằng: Các sản phẩm xuất khẩu thủy sản hiện tập trung nhiều nhất vào đông lạnh, các dạng sản phẩm khác có nhưng sản lượng không đáng kể. Nếu tập trung vào các sản phẩm này, giá trị xuất khẩu không cao. Vì vậy, cần nghiên cứu sản xuất ra nhiều sản phẩm từ nguồn nguyên liệu thủy sản mà giá trị chất lượng, thương hiệu cao, có thể bán giá cao ra thị trường nâng cao giá trị ngành hàng thủy sản…
Đòn bẩy cho ngành thủy sản ĐBSCL phát triển
Để phát huy tối đa những tiềm năng và lợi thế của thủy sản ĐBSCL, cần có những giải pháp căn cơ để đưa ngành thủy sản trong vùng phát triển theo hướng bền vững. Tư duy mới trong cách tiếp cận về việc xây dựng các chính sách đột phá trong thu hút và quản lý đầu tư nước ngoài sẽ là chìa khóa đánh thức tiềm năng thủy sản của vùng. Theo quy hoạch tổng thể phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030, quy hoạch hình thành 6 trung tâm nghề cá lớn gắn với các ngư trường trọng điểm, các vùng sản xuất nguyên liệu tập trung, các cụm công nghiệp chế biến thủy sản, dịch vụ hậu cần hiện đại. Trong đó có Trung tâm Phát triển thủy sản Cần Thơ gắn với phát triển nuôi trồng thủy sản vùng ĐBSCL.
Tại hội thảo xúc tiến đầu tư trong lĩnh vực thủy hải sản tại khu vực phía Nam (diễn ra tại TP Cần Thơ), Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thanh Phương, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Cần Thơ, cho rằng: Mỗi địa phương trong khu vực ĐBSCL đều có thế mạnh riêng về phát triển thủy sản. Tuy nhiên, để phát triển thủy sản bền vững đòi hỏi nhiều yếu tố từ khâu sản xuất nguyên liệu, chế biến, xuất khẩu, thị trường. Qua phân tích từng địa phương, TP Cần Thơ hội tụ cả nhiều yếu tố trở thành trung tâm nghề cá của vùng. Trong đó, Cần Thơ giữ vai trò đầu mối, đóng vai trò thúc đẩy phát triển thủy sản trong khu vực dưới sự hỗ trợ của 4 cụm vệ tinh: cụm Kiên Giang – Cà Mau lợi thế về nuôi và giống hải sản, dịch vụ hậu cần nghề cá; cụm An Giang – Đồng Tháp – Vĩnh Long nuôi giống, chế biến thủy sản nước ngọt và các nguyên liệu đầu vào; Tiền Giang – Bến Tre mạnh về nuôi tôm; Trà Vinh – Bạc Liêu – Sóc Trăng thế mạnh về nuôi tôm, chế biến, dịch vụ hậu cần nghề cá. Việc xây dựng trung tâm nghề cá sẽ giúp cho ngành thủy sản ở ĐBSCL phát triển năng động và bền vững, nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh, tạo ra thị trường thủy sản có sức hút trong khu vực…
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Vũ Văn Tám nhận định: Ý tưởng đưa ra là hình thành trung tâm phát triển nghề cá ĐBSCL, trong đó, TP Cần Thơ là trung tâm đầu mối kết nối và hỗ trợ các địa phương về mặt khoa học công nghệ, giao thông, đào tạo nhân lực… Đây là ý tưởng phù hợp chỉ đạo của Chính phủ và mong muốn của địa phương. Trên cơ sở quy hoạch, tổ chức lại trong sản xuất, chế biến và xuất khẩu có sự phân công và phối hợp giữa các địa phương và TP Cần Thơ, có định hướng kêu gọi đầu tư. Hiện nay, chúng ta làm chủ khu giống, quy trình nuôi, một phần chủ động về kỹ thuật công nghệ, trong đó có thức ăn. Mong muốn kêu gọi đầu tư là đầu tư vào hạ tầng; trong đó, quan trọng là kêu gọi đầu tư cảng nước sâu tại Cái Cui đã được quy hoạch trong hệ thống cảng biển của Việt Nam. Có đến 65% sản lượng nuôi trồng thủy sản và các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu nằm ở ĐBSCL. Nhưng, để xuất khẩu thủy sản, các doanh nghiệp phải vận chuyển container lên TP Hồ Chí Minh, chi phí cho giao thông rất lớn. Khi có cảng trực tiếp tại Cần Thơ sẽ rút ngắn thời gian và chi phí cho các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản. Bên cạnh đó, cũng cần kêu gọi đầu tư cho các cơ sở nghiên cứu, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, xây dựng một hội chợ quốc tế thường kỳ về thủy sản ĐBSCL…
Hiện nay, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã làm việc với nhiều đối tác Hàn Quốc, Singapore, Nhật Bản và một số quốc gia có lợi thế về biển và thủy sản và đề án xây dựng trung tâm nghề cá đang được các quốc gia quan tâm. Khi đề án được Chính phủ chính thức phê duyệt quy hoạch và các địa phương triển khai thực hiện, các quốc gia này sẽ tham gia đầu tư.
>> Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thanh Phương, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Cần Thơ, cho biết: Nguồn nhân lực đóng vai trò quan trọng trong hình thành trung tâm nghề cá và hiện nay đã có bước chuẩn bị. Trường Đại học Cần Thơ đã nhận thức và bắt đầu đi vào hướng đào tạo chất lượng cao, nhập chương trình đào tạo từ Mỹ và vận dụng đào tạo cho sinh viên thủy sản bằng tiếng Anh; liên kiết với Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 2 TP Hồ Chí Minh, Trung tâm Nghiên cứu thủy sản cá nước ngọt ở Cái Bè… tạo mối liên kết trong nghiên cứu phát triển thủy sản… |