(Thủy sản Việt Nam) – Đến thời điểm này, ĐBSCL có hơn 30.000 ha diện tích tôm nuôi bị chết, thiệt hại trên 2.500 tỉ đồng (mỗi ha thiệt hại 8 triệu đồng). Theo các nhà chuyên môn, chất lượng tôm sú giống năm nay rất kém, giá tôm giống tăng, người nuôi không nên ham rẻ mua tôm giống trôi nổi khiến “tiền mất tật mang”.
Tràn lan tôm giống rởm
Hàng chục ngàn ha tôm sú nuôi năm 2011 ở Trà Vinh, Bến Tre, Sóc Trăng, Cà Mau… chết trên diện rộng, gây thiệt hại lớn cho nông dân. Tôm chết ngoài nguyên nhân thời tiết bất lợi thì yếu tố con giống chất lượng kém cũng là tác nhân khiến cho hàng ngàn hộ nuôi tôm thả nhiều đợt vẫn trắng tay. Tôm chết trên diện rộng, nhu cầu thả nuôi tiếp để kịp thời vụ đang cấp bách, cung vượt cầu nên tôm giống “sạch bệnh” khan hiếm, giống chất lượng kém tràn lan. Ông Mai Chí Cường, xã Mỹ Long Nam, huyện Cầu Ngang (Trà Vinh) lo lắng: “Cải tạo xong 3 ha nuôi tôm sú công nghiệp nhưng cả tuần nay chưa có giống thả nuôi, trễ 1 tháng so với lịch thời vụ”.
Dịch bệnh tôm tràn lan nên bà con thận trọng hơn trong chọn giống. Giống tại tỉnh không đủ cung cấp, người nuôi phải ra tận Vũng Tàu, các tỉnh miền Trung đặt mua. Khổ nỗi, đâu phải lúc nào cũng có con giống sạch bệnh. Ông Hồ Văn Phục, xã Hiệp Thạnh, huyện Duyên Hải (Trà Vinh), bức xúc: “Thả nuôi đợt 1 hơn 100.000 con giống, tôm chưa qua 40 ngày tuổi đã chết trắng, thiệt hại cả chục triệu đồng. Cả tuần nay cải tạo xong diện tích 2,5 ha để thả lại nhưng vẫn chưa có tôm giống. Mấy ngày qua tôi xuống tận huyện Duyên Hải, đến các trại giống có uy tín đặt mua, nhưng vẫn phải chờ”.
Ông Lê Vũ Phương – Trưởng phòng NN&PTNT huyện Duyên Hải cho biết: Huyện có khoảng 98 cơ sở sản xuất và ương dưỡng giống, nhưng tỉ lệ kiểm dịch chất lượng tôm giống trong từng mẻ xuất rất thấp. Chất lượng con giống không đồng đều, do phụ thuộc rất nhiều vào trình độ tay nghề của người sản xuất, trang thiết bị và quy trình, công nghệ và chất lượng nguồn tôm giống bố mẹ… nên tỉ lệ tôm giống sạch bệnh, chất lượng cao trong từng mẻ sản xuất thường đạt rất thấp. Theo thống kê của ngành Nông nghiệp Trà Vinh, năm 2010 toàn tỉnh có trên 1,62 tỷ con tôm giống thả nuôi, nhưng chỉ có khoảng 300 triệu con giống được kiểm dịch… Vụ tôm năm nay, tình trạng này cũng không được cải thiện. Toàn tỉnh cũng chỉ có 2 phòng kiểm dịch bằng hệ thống PCR. Trong khi các thương lái luôn tìm mọi cách né tránh sự kiểm soát của cán bộ Thanh tra nông nghiệp và Chi cục Bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Lực lượng Thanh tra nông nghiệp và kiểm dịch của Chi cục Bảo vệ nguồn lợi thủy sản thì quá mỏng. Nhiều cơ sở cung cấp giống trong tỉnh cũng né kiểm dịch, chấp nhận nhập tôm không rõ nguồn gốc để bán với giá rẻ bằng 50% giá bán tôm giống đã qua kiểm dịch.
Các cơ sở sản xuất tôm giống tại Trà Vinh không đủ nguồn giống sạch bệnh cung cấp cho người nuôi
Kỹ sư Trần Văn Dũng – Giám đốc Trung tâm Giống thủy sản tỉnh Trà Vinh, nhận định: Mấy ngày qua, giá tôm sú giống tăng mạnh nhưng nguồn cung không đủ cầu. Tôm giống sản xuất tại địa phương (P12-P15) giá 50-65 đồng/con. Giá tôm sú mẹ (tôm biển) có nguồn gốc Cà Mau trọng lượng 180-220gam/con (chất lượng tinh trung bình) giá 3-3,5 triệu đồng/con; loại tôm mẹ tốt từ 4,5 – 5 triệu đồng/con nhưng nguồn cung cũng rất hạn chế. Do vậy, bà con phải cảnh giác chất lượng và nguồn gốc tôm giống…
Bao giờ hết khát giống?
Theo Chi cục Nuôi trồng thủy sản Cà Mau, hiện giá tôm giống từ 60-80 đồng/con, tăng 30% so cùng thời điểm năm 2010, nhưng nguồn tôm giống có chất lượng tốt, sạch bệnh để thả nuôi công nghiệp khan hiếm. Hơn nữa hiện nay, do giá tôm nguyên liệu tăng cao, nhiều diện tích nuôi vụ 1 bị chết nên nhu cầu tôm giống cũng tăng. Tại Hội nghị Tổng kết tình hình hoạt động năm 2010, triển khai kế hoạch năm 2011 của Bộ NN&PTNT, Tổng cục Thủy sản đề ra kế hoạch năm 2011, ĐBSCL đưa hơn 639.000 ha diện tích vào nuôi tôm (25.300 ha tôm thẻ chân trắng), do đó nhu cầu con giống cũng tăng lên từ khoảng 25-30 tỷ con. Tuy nhiên hàng năm, các tỉnh khu vực ĐBSCL chỉ cung cấp khoảng 45-50% con tôm giống, số còn lại phải nhập từ các tỉnh miền Trung, Khánh Hòa, Bà Rịa – Vũng Tàu…
Ông Lâm Thanh Bình – Giám đốc Sở NN&PTNT Trà Vinh, cho biết: “Đang vào chính vụ thả giống, nguồn giống sạch bệnh tại tỉnh đang thiếu trầm trọng. Để có nguồn giống cung cấp cho người nuôi tôm, ngành Nông nghiệp tỉnh chỉ đạo Chi cục Nuôi trồng thủy sản ngoài việc khuyến khích các trại sản xuất tôm giống trong tỉnh tăng cường sản xuất giống có chất lượng, sạch bệnh; tạo mọi điều kiện cho các doanh nghiệp chuyên sản xuất và cung cấp tôm giống như: Tôm giống số 1, tôm giống 3k, Việt – Úc… cung cấp từ 2 – 3 tỷ con tôm sú giống, đảm bảo đủ nhu cầu giống thả nuôi trong tỉnh. Đồng thời, buộc các doanh nghiệp phải cam kết và đảm bảo giống có chất lượng tốt, sạch bệnh… Nếu kiểm tra phát hiện các đàn tôm bị nhiễm bệnh thì doanh nghiệp đó phải hỗ trợ 100% chi phí giống để nông dân khôi phục thả nuôi trở lại…”.
Chuyện khát giống chất lượng cao, thừa tôm giống rởm vào mỗi vụ nuôi tôm ở ĐBSCL không còn là chuyện mới. Để khắc phục tình trạng này, ngành nông nghiệp các tỉnh ĐBSCL cần liên kết lại, tổ chức lại sản xuất. Bộ NN&PTNT sớm có chính sách ưu đãi về vốn, đẩy mạnh chuyển giao công nghệ sản xuất giống sạch bệnh, xã hội hóa công tác giống, khuyến khích các doanh nghiệp trong và ngoài nước phát triển trang trại sản xuất giống cung cấp người nuôi. Đồng thời, sớm ban hành tiêu chuẩn VietGAP trong sản xuất tôm giống và tiến hành kiểm tra cấp giấy chứng nhận các cơ sở đủ điều kiện sản xuất tôm giống để người nuôi “chọn mặt gửi vàng”. Có như vậy người nuôi không phải “mắc cạn” vì con giống rởm, ngành chức năng không phải bỏ hàng chục tỷ mỗi năm để dập dịch. Và người nuôi tôm ĐBSCL không phải lâm cảnh lao đao, khổ sở như hiện nay.
>> Tại Hội nghị “Đánh giá tình hình dịch bệnh tôm, nghêu và triển khai quản lý giám sát, khôi phục sản xuất” tại Bến Tre vừa qua, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Thị Xuân Thu chỉ đạo Tổng cục Thủy sản quy hoạch trung tâm sản xuất tôm giống ở một số tỉnh trọng điểm nuôi tôm vùng ĐBSCL. Dự kiến, từ nay tới 2013, các tỉnh ĐBSCL sẽ sản xuất 36 tỷ con giống tôm sú, trên 3,5 tỷ con giống tôm càng xanh. Các tỉnh Cà Mau, Kiên Giang, Bạc Liêu sẽ xây dựng 3 khu sản xuất giống thủy sản nước lợ, mặn công nghiệp, mỗi khu có từ 200-500 trại giống, mỗi trại có công suất 10 triệu con giống/năm.
Đình Cảnh – Tân Thành