(Thủy sản Việt Nam) – Tuy mới đầu vụ thả nuôi tôm sú 2011, nhưng nhiều vùng nuôi tôm ven biển ĐBSCL: Trà Vinh, Bến Tre, Sóc Trăng… đã có hàng ngàn ha tôm nuôi bị chết. Tôm chết bất thường do diễn biến thời tiết phức tạp, thiếu nguồn giống chất lượng, hạ tầng thủy lợi phục vụ cho vùng nuôi tôm còn nhiều bất cập… là những thách thức bất lợi mùa tôm mới.
Sức hút thị trường
Chỉ mới đầu mùa tôm mà nhiều đồng tôm tỉnh Trà Vinh đã có hơn 1.839 ha diện tích tôm nuôi của 1.706 hộ nuôi tại Duyên Hải, Châu Thành, Cầu Ngang và Trà Cú bị chết. Trong số 85 triệu con giống thả nuôi bị chết, phần lớn do bệnh đỏ thân, đầu vàng… Tôm chết chủ yếu ở giai đoạn 30 – 40 ngày tuổi, nhiều nhất là ở các hình thức nuôi quảng canh và quảng canh cải tiến. Ông Lê Văn Nhiên, ấp Tân Lập, xã Long Sơn, huyện Cầu Ngang, than thở: “Năm 2010, tôi thả nuôi 30.000 con giống trên diện tích 7000m2, cuối vụ lãi ròng hơn 100 triệu đồng. Từ đầu vụ đến nay, tuy chỉ mới 2 tháng mà tôi đã 3 lần thả giống. Chỉ tính tiền con giống, cải tạo ao hồ 3 lần đã lên hơn 20 triệu đồng. Năm nay thời tiết khắc nghiệt quá, toàn ấp hơn 80% hộ nuôi tôm bị chết, bà con lo lắm, nuôi không khéo vỡ nợ như chơi”.
Không chỉ tại vùng tôm ở huyện Cầu Ngang mà tại vùng tôm huyện Duyên Hải, Trà Cú tôm nuôi cũng chết trên diện rộng. Ông Trần Văn Công, xã Đông Hải (Duyên Hải), cho biết: “Do giá tôm đang ở mức cao nên nông dân xé rào thả nuôi trước thời vụ. Năm nay thời tiết bất thường, đa số tôm nuôi trước thời vụ đều chết. Tôm chết thì chết nhưng phải thả nuôi tiếp. Lỗ tôm phải lấy tôm mà gỡ…”.
Tính từ đầu vụ đến nay tỉnh Trà Vinh có 13.683 hộ thả 812 triệu con tôm sú giống, diện tích 13.553 ha, hơn 1.800 ha bị chết. Chỉ tính giá tôm dao động từ 50 đến 55 đồng/con, số lượng 85 triệu con giống thả nuôi bị chết lên hơn 4,2 tỷ đồng.
Hơn 1.800 ha tôm nuôi trái vụ ở Trà Vinh phải thu hoạch non Ảnh: Đình Cảnh
Tại Sóc Trăng, theo Chi cục Nuôi trồng thủy sản tỉnh cho biết, đến nay người dân các huyện thả nuôi được 14.000 ha tôm, trong đó đã có hơn 1.100 ha tôm chết chưa rõ nguyên nhân. Tương tự tại Kiên Giang, diện tích tôm chết ở các huyện Vĩnh Thuận, Gò Quao trên 1.000 ha.
Rào cản môi trường
Thạc sĩ Quách Thị Thanh Bình, Chi cục phó Chi cục Nuôi trồng thủy sản Sóc Trăng, phân tích: “Kết quả kiểm tra bước đầu cho thấy, tôm chết nhiều là do thời tiết thay đổi quá đột ngột, ban ngày nắng nóng, đêm lạnh. Đặc biệt, mưa trái mùa thường xuyên và kéo dài trong nhiều giờ liền làm môi trường đảo lộn gây bất lợi cho tôm. Cụ thể, lúc đầu ngành chuyên môn dự báo trong tháng 3 thời tiết ổn định nên khuyến cáo bà con vào vụ. Cuối cùng gặp mưa đã làm đảo lộn tất cả. Không chỉ tôm nuôi chết mà nhiều trại sản xuất giống cũng bị thiệt hại do điều kiện không thuận”. Ông Đào Văn Bé Ba, xã Dân Thành, huyện Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh than thở: “Do tôm giá cao, nhiều bà con thả nuôi trái vụ. Nuôi tôm trái vụ vẫn biết rủi ro cao nhưng thường bán được giá nên bà con “xé rào”. Khổ nỗi, tôm nuôi trái vụ chết là hiểm họa rình rập, nguy cơ lây lan cho những hộ nuôi sau, vì vậy các ngành chức năng, chính quyền địa phương cần có biện pháp quản lý chặt chẽ thực trạng này”. Nuôi tôm trái vụ nông dân lợi gì? Rõ ràng, chỉ có các cơ sở kinh doanh con giống thu vào lợi nhuận tiền tỉ, còn phần thiệt luôn thuộc về nông dân. Bởi lẽ, trong điều kiện môi trường thời tiết chưa thích hợp thả nuôi, thì việc bất chấp khuyến cáo của nhà khoa học, ngành chuyên môn sẽ dẫn tới nông dân “tiền mất tật mang”. Đây là căn bệnh cũ ở mỗi mùa tôm mới mà nhiều năm qua người nuôi tôm ĐBSCL luôn “gặt” trái đắng!
Và giải pháp
Tại hội nghị sơ kết tình hình nuôi thủy sản tháng 3 và kế hoạch tháng 4 năm 2011, ông Lâm Thanh Bình, Giám đốc Sở NN&PTNT Trà Vinh, cho biết: “Tôm nuôi chết đầu vụ ngoài yếu tố thời tiết, nông dân nuôi trái vụ… còn do yếu tố con giống kém chất lượng. Mới vào đầu vụ thả nuôi mà đã đối mặt với nỗi lo thiếu giống, giá giống tăng cao. Để có nguồn giống cung cấp cho người nuôi tôm trong tỉnh, ngành khuyến khích các trại sản xuất tôm giống trên địa bàn tăng cường sản xuất giống có chất lượng, sạch bệnh, tạo mọi điều kiện cho các doanh nghiệp chuyên sản xuất và cung cấp tôm giống cho nông dân. Đẩy mạnh chương trình khuyến ngư, khuyến cáo nông dân nuôi tôm đúng khoa học, nuôi tôm sạch để an toàn trong chế biến và xuất khẩu.
Còn theo ông Nguyễn Vũ Phương – Chi cục phó Chi cục Nguồn lợi thủy sản Trà Vinh: Nguyên nhân tôm chết trên diện rộng do thời tiết thay đổi đột ngột và những cơn mưa trái mùa liên tục làm môi trường thay đổi, cộng với chất lượng con giống kém dẫn đến tôm bị nhiễm bệnh và chết hàng loạt. Để ngăn chặn tình trạng tôm sú nuôi bị chết lan rộng, ngành nông nghiệp tỉnh lấy mẫu tôm xét nghiệm, hướng dẫn người nuôi tôm quản lý tốt môi trường ao nuôi. Đồng thời, thành lập đoàn kiểm tra các cơ sở sản xuất giống tôm sú trên địa bàn tỉnh và tôm giống nhập vào tỉnh, ngăn chặn tình trạng tôm giống kém chất lượng bán ra thị trường.
Diễn biến thời tiết, môi trường ngày càng khó lường và nghề nuôi tôm sú đang đối mặt với nhiều rủi ro. Để xóa bỏ tập quán sản xuất tự phát, nâng cao ý thức người nuôi, ý thức cộng đồng trong quản lý bảo vệ môi trường và cao hơn nữa để nghề nuôi tôm phát triển bền vững, khoa học, đúng định hướng, xem ra vai trò liên kết “4 nhà” là yếu tố sống còn hiện nay.
Đình Cảnh – Phước Lợi