T2, 06/07/2020 09:49

Động đất Nhật Bản, thủy sản lao đao

Chưa có đánh giá về bài viết

(Thủy sản Việt Nam) – Sau thảm họa động đất và sóng thần ngày 11/3/2011, nguy cơ rò rỉ phóng xạ tại các nhà máy điện hạt nhân lại xảy ra khiến nền kinh tế Nhật Bản “chao đảo” và ngành thủy sản Nhật Bản cũng đang phải hứng chịu những “dư chấn”.

Thủy sản Nhật Bản cũng chao đảo

Theo các thống kê sơ bộ mới được công bố, hàng trăm tàu thuyền đánh cá cũng như nhiều diện tích nuôi trồng thủy sản của ngư dân ven biển khu vực phía Bắc và Đông Bắc Nhật Bản đã bị phá hủy hoàn toàn.

Ở phía Bắc Nhật Bản, thiệt hại trực tiếp đối với ngành thủy sản đã vượt qua con số 1,3 tỷ USD, đặc biệt là đối với ngành hàu và điệp. Theo báo cáo điều tra của chính quyền quận Hokkaido, 15 hợp tác xã thủy sản trong đó chủ yếu là các cơ sở nuôi hàu đã hoàn toàn bị phá hủy, thiệt hại lên đến khoảng 16,6 tỉ Yên. Bên cạnh đó, thiệt hại về các cảng cá và cơ sở nuôi trồng thủy sản ở Hokkaido ước tính tại thời điểm này cũng đã lên đến 33,3 tỷ Yên. Tại thị trường thủy sản bờ biển phía Đông Bắc nước Nhật – khu vực khai thác thủy sản lớn của Nhật Bản bị ảnh hưởng nặng nề nhất, nhiều làng chài đã bị cuốn trôi, hàng loạt các cảng như Kushiro, Hachinohe, Ishinomaki và Kashima đã bị sóng thần tàn phá nên hoạt động chế biến và nhập khẩu thủy sản của nước này sẽ bị đình trệ trong thời gian sắp tới… Nghiêm trọng hơn cả, các nhà máy chế biến thủy hải sản phải dừng hoạt động do tình trạng thiếu điện vì các nhà máy điện hạt nhân phải tạm ngừng hoạt động trước nguy cơ rò rỉ phóng xạ. Theo dự báo, tình trạng thiếu điện sẽ vẫn tiếp tục diễn ra ít nhất là trong 6 tháng tới.

Cá nhám biển được đánh bắt ở Nhật Bản                (Ảnh: Pangeassed.com)

 

Vẫn còn “dư chấn”

Do người tiêu dùng lo ngại nguy cơ nhiễm phóng xạ cũng như nguồn cung thủy sản bị gián đoạn ở Nhật Bản nên Hàn Quốc, Hồng Kông, Indonesia, Australia, Bulgaria… đã từ chối nhập khẩu các lô hàng thủy hải sản có nguồn gốc xuất xứ từ Nhật Bản.

Cục Hải quan Hàn Quốc cho biết, trước khi xảy ra vụ động đất 8,9 độ Richter ngày 11/3, giá trị nhập khẩu thủy sản từ Nhật Bản của Hàn Quốc đạt trung bình 3,4 triệu USD/ngày. Tuy nhiên, từ ngày 14 – 18/3/2011, con số này đã giảm xuống chỉ còn 2,78 triệu USD. Các nhà bán lẻ của Hàn Quốc cho biết, họ sẽ ngừng nhập khẩu một số hàng hóa và thực phẩm từ Nhật đầu tuần tới.

Không chỉ có Hàn Quốc mà mới đây nhất, cả Hồng Kông cũng đã tuyên bố ngừng nhập khẩu thực phẩm từ 5 quận của Nhật Bản là Fukushima, Ibaraki, Tochigi, Gunma và Chiba. Lệnh cấm này có hiệu lực kể từ ngày 24/3/2011, áp dụng cho sữa, thịt, rau quả và thủy sản được thu hoạch, chế biến và đóng gói.

Tại Indonesia, ngay cả khi chưa có lệnh cấm chính thức được ban hành nhưng các nhà hàng và cơ sở thực phẩm ở Indonesia đã đưa những loại thực phẩm, trong đó có thủy hải sản từ Nhật Bản ra khỏi thực đơn. Tổng giám đốc Chế biến và Tiếp thị sản phẩm thủy sản, Victor Nikijuluw cho biết, mặc dù chưa có lệnh cấm ban hành chính thức, nhưng các nhà nhập khẩu, đặc biệt là các nhà hàng, khách sạn ở Indonesia đã tự nguyện ngừng nhập khẩu các sản phẩm thủy hải sản từ Nhật Bản theo khuyến cáo của BPOM (Cơ quan giám sát thực phẩm và dược phẩm Indonesia).

Bản đồ các khu vực chịu tác động của động đất và sóng thần ngày 11/3/2011

Đâu là “đáp án”?

Theo Bộ NN&PTNT, năm 2010, kim ngạch xuất khẩu sang Nhật đạt 1,5 tỷ USD, trong đó riêng thủy sản đạt đến 900 triệu USD. Và năm 2011, Nhật vẫn được đánh giá là thị trường chủ lực của thủy sản Việt Nam. Tuy nhiên, sau thảm họa, khó khăn về kinh tế ở Nhật đang là mối quan tâm của không ít doanh nghiệp thường xuyên xuất hàng sang thị trường này, bởi người dân Nhật có thể sẽ thắt chặt hầu bao để khôi phục nền kinh tế đất nước. Do đó, nhu cầu dùng thủy hải sản cũng có khả năng bị thu hẹp. Nhưng một câu hỏi lớn được đặt ra, chính là liệu việc nhiều thị trường từ chối nhập khẩu thủy sản từ Nhật Bản và những tổn thất nặng nề mà ngành thủy sản Nhật Bản phải hứng chịu sau thảm họa có tạo điều kiện cho các quốc gia khác, trong đó có Việt Nam mở rộng xuất khẩu sang thị trường này và nhiều thị trường khác như Hàn Quốc, Hồng Kông, Indonesia… hay không?

Theo ông Lê Văn Quang – Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty CP Thủy hải sản Minh Phú, những ngày qua các đơn hàng vẫn xuất sang Nhật đều đặn, thị trường tiêu thụ vẫn chưa có vấn đề gì. Rất nhiều nhà máy chế biến thủy sản phía Bắc và Đông Bắc của Nhật có khả năng phải đóng cửa. Đó chính là cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam.

Kim ngạch xuất khẩu thủy sản sang Nhật tăng hay giảm đều hoàn toàn có thể xảy ra, dù tăng hay giảm thì thách thức này đồng thời cũng được xem là cơ hội cho các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản Việt Nam.

Hồng Thắm

Việt Nam không cấm nhập khẩu thực phẩm từ Nhật Bản

Bộ NN&PTNT cho biết, mặc dù hiện nay đã có nhiều nước trên thế giới cấm nhập khẩu thủy sản của Nhật Bản nhưng Việt Nam vẫn không chủ trương cấm tất cả các mặt hàng thực phẩm như sản phẩm nông nghiệp, thủy sản từ Nhật. Những mặt hàng mà nước ta nhập khẩu từ Nhật trong thời gian qua vẫn được nhập khẩu bình thường. Tuy nhiên, trước khi nhập vào Việt Nam phải được các cơ quan chức năng cấp giấy chứng nhận an toàn về nồng độ nhiễm xạ.        

Vũ Hạ   

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!