Từ khi thành lập đến nay, Agribank Khánh Hòa luôn dành nguồn vốn tín dụng chủ lực cho vay đầu tư phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn.
Nuôi trồng thủy sản tại Bình Ba (xã Cam Bình, TP. Cam Ranh).
Phát huy hiệu quả đồng vốn
Năm 2012, ngoài số vốn tích lũy hơn 100 triệu đồng, ông Nguyễn Hữu Nghĩa (thôn Bình Ba Tây, xã Cam Bình, TP. Cam Ranh) vay thêm 30 triệu đồng của Agribank Cam Ranh để khởi nghiệp với 4 lồng nuôi tôm hùm. Số vốn tích lũy được đã đầu tư hết vào lồng bè và con giống nên số tiền vay ngân hàng ông để mua thức ăn nuôi tôm. Nhờ có lãi, ông Nghĩa liên tục tăng diện tích nuôi hiệu quả. Từ 4 lồng ban đầu, đến nay, ông đã mở rộng lên gần 70 lồng, hiện nay chuẩn bị xuất bán 3.000 con tôm hùm bông, 5.000 con tôm hùm xanh và vừa bỏ thêm 1,2 tỷ đồng cho số tôm giống mới thả nuôi. Ông Nghĩa cho biết, từ khi tập trung vào nuôi trồng thủy sản đến nay, gia đình ông luôn có sự hỗ trợ vốn của Agribank. Vốn tích lũy của gia đình đầu tư lồng bè và con giống nên vay vốn ngân hàng chủ yếu để trang trải thức ăn nuôi tôm. Cứ trả hết nợ khi có nhu cầu gia đình lại vay tiếp. Hiện nay, dư nợ của ông tại ngân hàng gần 300 triệu đồng. Gia đình ông luôn sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay của ngân hàng.
Theo ông Võ Ngọc Linh – Phó Chủ tịch UBND xã Cam Bình, người dân địa phương chủ yếu làm nghề nuôi trồng thủy sản, nguồn vốn ngân hàng cho vay tăng dần qua từng năm đã hỗ trợ hiệu quả cho bà con đầu tư nuôi tôm và mở rộng diện tích nuôi. Hiện nay, dư nợ cho vay của Agribank trên toàn xã hơn 40 tỷ đồng. Trong đó, nguồn vốn vay do Hội Nông dân xã quản lý gần 12 tỷ đồng, còn lại người dân vay trực tiếp với ngân hàng không thông qua tổ vay vốn. Đến năm 2017, toàn xã Cam Bình có hơn 6.000 lồng nuôi, sản lượng tôm hàng năm từ 250 đến 300 tấn.
Ông Nguyễn Tấn Hải (thôn Quảng Phúc, xã Cam Thành Nam, TP. Cam Ranh) đầu tư vốn rất lớn cho chăn nuôi. Trước đây, gia đình ông nuôi 10.000 con gà. Từ năm 2012 đến nay, gia đình chuyển sang tập trung nuôi heo. Nguồn vốn vay 1,4 tỷ đồng của Agribank Cam Ranh đã hỗ trợ một phần để gia đình đầu tư trang trại heo theo mô hình phòng lạnh khép kín, nuôi gia công cho Công ty Cổ phần Chăn nuôi CP Việt Nam với quy mô hiện nay là 3.600 con, sản phẩm do công ty bao tiêu toàn bộ.
Theo ông Huỳnh Tấn Quang – Giám đốc Agribank Cam Ranh, chi nhánh đã thực hiện nghiêm túc, hiệu quả những chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn. Đến cuối năm 2017, dư nợ cho vay đạt 928,7 tỷ đồng; trong đó, dư nợ cho vay phục vụ nông nghiệp, nông thôn đạt 435 tỷ đồng, riêng lĩnh vực thủy sản 315 tỷ đồng.
Vốn vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn chiếm tỷ trọng lớn
Ông Nguyễn Đình Cường – Phó Giám đốc Agribank Khánh Hòa đánh giá, trong suốt quá trình phát triển 30 năm qua, Agribank Khánh Hòa luôn là ngân hàng đi đầu, thực hiện tích cực và có hiệu quả các chương trình chuyển đổi cây trồng vật nuôi, phát triển nuôi trồng thủy sản, xây dựng nông thôn mới, phát triển các ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương, nâng cao năng lực khai thác, đánh bắt thủy hải sản, phát triển kinh tế vườn, kinh tế trang trại… Agribank Khánh Hòa đã cùng đồng hành chương trình mía đường, tham gia đầu tư xây dựng 2 nhà máy đường tại Ninh Hòa và Cam Ranh, hỗ trợ vốn lưu động để các nhà máy này đầu tư dây chuyền thiết bị tiên tiến, hiện đại theo chuẩn quốc tế; đầu tư vốn lưu động cho nông dân để phát triển vùng nguyên liệu mía đường phục vụ cho 2 nhà máy. Nguồn vốn của ngân hàng đầu tư vào chương trình mía đường đã góp phần phát triển kinh tế nông nghiệp, đổi thay bộ mặt nông thôn, tạo điều kiện cho hàng chục ngàn hộ nông dân giảm nghèo và nâng cao đời sống.
Bên cạnh đó, nguồn vốn ngân hàng đã góp phần tích cực cho việc phát triển mạnh mẽ của ngành nuôi trồng thủy sản tại địa phương. Có thời điểm, tổng diện tích đìa nuôi tôm lên đến 4.500ha. Chi nhánh cũng đã đầu tư vốn cho các hộ để đưa nghề nuôi tôm hùm lồng từ chỗ thử nghiệm lên phát triển ổn định với số lượng tăng dần qua các năm tại những địa phương: Vạn Ninh, Cam Ranh, Nha Trang với gần 15.000 lồng bè, đóng góp cho lĩnh vực xuất khẩu, tăng thêm nguồn thu ngoại tệ cho địa phương. Chung tay thực hiện chương trình giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, Agribank Khánh Hòa đã hợp tác chặt chẽ với các tổ chức hội, đoàn thể tại địa phương để đẩy dòng vốn tín dụng của ngân hàng đến với nông dân. Đến ngày 31-12-2017, toàn tỉnh có hơn 750 tổ vay vốn đang hoạt động với hơn 18.000 thành viên tham gia, với tổng dư nợ cho vay thông qua tổ vay vốn đạt 826 tỷ đồng. Có thể nói, Agribank đã mở ra cơ hội thoát nghèo và tạo cơ hội làm giàu cho nhiều nông dân, góp phần quan trọng vào quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở địa phương, để chính sách “tam nông” thực sự là đòn bẩy hiệu quả trong phát triển nông nghiệp, nông thôn và xây dựng nông thôn mới.