Kể từ ngày 1/1/2013, QĐ 857/QĐ-NHNN sẽ hết hiệu lực, đồng nghĩa với việc các DN XK nói chung và DN XK nông sản nói riêng sẽ không còn được vay vốn ngắn hạn bằng ngoại tệ. Điều này sẽ gây khó khăn lớn cho các DN XK nông lâm thủy sản trong năm 2013. Vì thế, hàng loạt Hiệp hội, DN nông lâm thủy sản đã kiến nghị NHNN gia hạn thời gian cho vay vốn ngắn hạn bằng ngoại tệ đến hết năm 2013.
Khi QĐ 857 hết hiệu lực, cũng là lúc Thông tư 03/2012/TT-NHNN sẽ được thực thi. Theo ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký VASEP, nhờ đang được vay ngoại tệ với lãi suất thấp, các DN XK thủy sản đã có thể cân đối được nguồn tài chính, có khả năng thanh toán được nợ ngân hàng, có vốn phục vụ sản xuất xuất khẩu, giảm giá thành, tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm…
Nhưng khi Thông tư 03 có hiệu lực, DN XK thủy sản sẽ mất cơ hội được vay ngoại tệ với lãi suất thấp, do đó các DN sẽ gặp thêm nhiều khó khăn hơn nữa trong bối cảnh nền kinh tế thế giới chưa có dấu hiệu khả quan nào cho đến hết quý 2/2013, tình hình cạnh tranh trên thị trường thủy sản thế giới dự báo sẽ tiếp tục gay gắt do ảnh hưởng của suy giảm kinh tế ở các thị trường tiêu thụ quan trọng.
Chế biến, XK thủy sản trong năm tới sẽ gặp khó nếu không được vay ngoại tệ
Vì thế, VASEP đã gửi văn bản kiến nghị NHNN xem xét, tiếp tục cho các DN chế biến, XK thủy sản (ngành chế biến thủy sản được nằm trong nhóm ưu tiên) vay ngoại tệ phục vụ cho sản xuất và xuất khẩu bằng cách kéo dài thêm thời hạn áp dụng QĐ 857 cho đến hết năm 2013; kiến nghị NHNN cho lùi thời gian áp dụng Thông tư 03 cho đến khi khu vực châu Âu bắt đầu khắc phục được hậu quả khủng hoảng kinh tế và các DN XK thủy sản của Việt Nam bắt đầu hoạt động ổn định trở lại. Hoặc khi lãi suất VND được hạ xuống còn 8-10%/năm, tức là khoảng cách chênh lệch về lãi suất giữ VND với ngoại tệ không còn nhiều (lãi vay ngoại tệ mà các ngân hàng đang áp dụng là từ 6,5-7,5%/năm), thì áp dụng Thông tư 03 sẽ hợp lý hơn.
Theo Hiệp hội Chế biến gỗ Bình Dương (BIFA), các DN gỗ nội địa đang cạnh tranh rất khó khăn với các DN 100% vốn nước ngoài (FDI). Nguyên nhân chủ yếu là do các doanh nghiệp FDI chịu lãi suất ngân hàng khá thấp. Hiện nay, các DN FDI có thể vay từ các ngân hàng nước ngoài với lãi suất chỉ khoảng 3-4%/năm. Trong khi đó, dù lãi vay bằng nội tệ đối với các DN đồ gỗ trong nước, dù đã giảm, nhưng vẫn còn có khoảng cách khá xa so với mức lãi vay nói trên và còn khá cao so với các các nước trong khu vực đang cạnh tranh gay gắt với Việt Nam trên thị trường đồ gỗ thế giới như Trung Quốc, Thái Lan, Indonesia, Malaysia…
Bởi thế, ông Huỳnh Quang Thanh, Chủ tịch BIFA, cho biết, các DN ngành gỗ vẫn đang rất cần các chính sách nới lỏng tiền tệ, hỗ trợ về vốn, nhất là tiếp cận với nguồn vốn vay ngoại tệ, lãi suất thấp. Đặc biệt, theo ông Huỳnh Quang Thanh, ngành gỗ Việt Nam đang có cơ hội lớn trong việc đầu tư máy móc hiện đại với chi phí thấp. Bởi hàng loạt DN gỗ ở Đức, Ý… đang bị phá sản và rao bán máy móc với giá rất rẻ, chỉ khoảng 1/10 so với giá gốc. Vì thế, NHNN nên xem xét, tạo điều kiện cho DN ngành gỗ được vay vốn để mua sắm máy móc, nhất là những nguồn vốn lãi suất thấp.
Trong buổi làm việc mới đây giữa Bộ Công thương với các Hiệp hội ngành hàng (Hiệp hội Lương thực Việt Nam, Hiệp hội Hồ tiêu, Hiệp hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP HCM, Hiệp hội Cao su, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản, Hiệp hội Da giày và Túi xách), đại diện các Hiệp hội đều đồng loạt đề nghị Bộ Công thương sớm có văn bản gửi NHNN kiến nghị về việc kéo dài thời gian cho vay ngoại tệ đối với các DN xuất khẩu đến hết năm 2013.
Ông Phan Văn Chinh, Vụ trưởng Vụ XNK (Bộ Công thương) đã đồng tình với đề nghị của các Hiệp hội, bởi trong khi chưa thể giảm lãi vay VND xuống thấp hơn nữa thì nên tiếp tục giữ cho DN vay ngoại tệ để giảm chi phí sản xuất, tăng khả năng cạnh tranh trong xuất khẩu. Mặt khác, cũng do lãi suất VND còn khá cao, nên trong cùng lĩnh vực XK, trong khi các DN FDI có mức tăng trưởng tới mấy chục %, thì DN nội địa chỉ tăng được vài %. Vì thế, vào ngày 7/12 vừa rồi, Bộ Công thương cũng đã có văn bản gửi NHNN về vấn đề này.
Theo đó, Bộ Công thương kiến nghị NHNN xem xét gia hạn thêm thời gian áp dụng QĐ 857 đến hết năm 2013 nhằm tạo điều kiện cho các DN có khả năng tạo ra nguồn ngoại tệ trả nợ vay, được tiếp cận nguồn vốn tín dụng với lãi suất hợp lý, giúp giảm giá thành, tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường thế giới. Đồng thời, Bộ Công thương cũng đề nghị NHNN có các chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp sản xuất được vay vốn với lãi suất ưu đãi ngành nông nghiệp (cà phê, gạo, hạt tiêu, điều, thủy sản…) nhằm phục vụ cho sản xuất và xuất khẩu.