Đồng lòng giữ biển

Chưa có đánh giá về bài viết

(Thủy sản Việt Nam) – Thời gian qua, ngư dân gặp không ít những khó khăn trên biển như thời tiết bất lợi cùng chi phí cho các nhu yếu phẩm phục vụ ra khơi tăng cao, đặc biệt là nạn tàu lạ tấn công cướp ngư trường và tài sản, song bà con ngư dân luôn đoàn kết vượt qua khó khăn, giữ biển, vươn lên làm giàu từ nghề đi biển.

Giúp ngư dân giữ biển không chỉ là vấn đề của Nhà nước, sự quan tâm của các cấp chính quyền mà còn là sự đồng lòng, quyết tâm giữ vững ngư trường khai thác cũng như bảo vệ chủ quyền Tổ quốc. Quyết tâm giữ biển cũng là điều mà các cấp, các ngành, các địa phương và ngư dân đều đồng thuận hưởng ứng.

 

Ông Trần Cao Mưu, Tổng thư ký Hội Nghề cá Việt Nam

 

Sự có mặt của ngư dân là việc khẳng định chủ quyền tốt nhất

Ngư dân đánh bắt ngoài khơi không chỉ đơn thuần là việc đảm bảo một cuộc sống no đủ, phát triển kinh tế xã hội mà còn góp phần rất quan trọng trong bảo vệ chủ quyền lãnh thổ. Vì vậy, việc hỗ trợ ngư dân phát triển lực lượng vùng biển, phát triển tổ, đội sản xuất, một mặt nhằm tăng cường sức mạnh tập thể để khai thác đạt hiệu quả, giảm thiểu khó khăn và rủi ro, đồng thời tăng cường khẳng định chủ quyền biển, đảo một cách hiệu quả nhất.

 

Ngư dân sửa lưới chuẩn bị mẻ lưới mới         Ảnh: Phan Thanh Cường

 

Ông Cao Tuy, Chủ tịch Hội Nghề cá Quảng Ninh

 

Tăng cường công tác quản lý phối hợp

Chúng ta cần phải có những chính sách hỗ trợ thích hợp cho lực lượng đánh bắt xa bờ. Tạo mọi điều kiện cho ngư dân đánh cá, giúp lực lượng ngoài khơi trở lên hùng hậu, tương xứng với các nước khác. Bên cạnh đó, với tình hình hiện nay, phải tăng cường khâu quản lý phối hợp các ban, ngành có liên quan như Hải quân, Không quân, Bộ đội Biên phòng… cần xử lý, bắt giữ những tàu thuyền vi phạm trên lãnh hải Việt Nam. Hiện, Hội Nghề cá tỉnh Quảng Ninh kết hợp với Sở NN&PTNT tỉnh đã chuẩn bị có những chính sách thiết thực như cung cấp xăng, dầu… hỗ trợ ngư dân đánh bắt xa bờ.

 

Ông Võ Thiên Lăng, Phó Chủ tịch Hội Nghề cá Việt Nam, Chủ tịch Hội Nghề cá Khánh Hòa

 

Nhân rộng mô hình “tàu mẹ – tàu con”

Để giúp ngư dân giữ biển thì phải giúp ngư dân liên kết và thành lập quốc doanh nghề cá. Hiện nay, hai ngư đội ở vùng biển Trường Sa đang khai thác ở vùng biển Nam Yết có hiệu quả lớn, thì ngư dân mới giữ biển như vậy. Trước đây, các địa phương đều có đội tàu quốc doanh, riêng ở Khánh Hòa có đến 70 – 80 chiếc, lớn nhất 400 CV, nhỏ nhất cũng 90 CV. Thế nhưng, do cách quản lý, nên các tàu này làm ăn lỗ và đã giải thể. Hiện, cần phải chuyển từ nghề cá nhân dân sang nghề cá hiện đại: trang bị tàu có công suất lớn, trang bị nhiều thiết bị hàng hải hiện đại để đánh bắt hiệu quả, đội tàu quốc doanh phải làm nòng cốt bởi lực lượng này rất dễ huy động, sẽ hỗ trợ ngư dân trong cứu nạn, cứu hộ và các nhiệm vụ khác. Vì vậy, cần hỗ trợ ngư dân vay vốn, tập trung công tác đào tạo thuyền trưởng, thuyền viên, phát triển theo mô hình “tàu mẹ – tàu con”.

 

Thiếu tá Trần Công Thành, Phó tham mưu trưởng Bộ đội Biên phòng Đà Nẵng

 

Đẩy mạnh tuyên truyền tới ngư dân

Tích cực giữ biển tại ngư trường xa bờ là giải pháp tốt nhất để bảo vệ lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc. Hiện, đơn vị đang đẩy mạnh việc tuyên truyền động viên ngư dân, phối hợp với Sở NN&PTNT củng cố các đội đánh bắt, tăng cường hướng dẫn ngư dân thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật…

 

 

Đại tá Trương Minh Cường, Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng, tỉnh Bình Định

 

Sát cánh cùng ngư dân giữ ngư trường

Bà con ngư dân cứ yên tâm đánh bắt trên vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam, Bộ đội Biên phòng và các cơ quan chức năng trong tỉnh luôn sát cánh cùng bà con. Bộ Quốc phòng cũng đã chỉ đạo cho các lực lượng Hải quân, Không quân Việt Nam… tăng cường bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc, giúp bà con ngư dân đánh bắt trên vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam. Khi ra khơi, bà con cần đoàn kết để tạo thành sức mạnh, đối phó với sự uy hiếp, chèn ép của Trung Quốc. Nếu gặp khó khăn, bà con hãy liên lạc với Bộ đội Biên phòng, chúng tôi luôn sẵn sàng giúp đỡ bà con.

 

Thuyền trưởng Nguyễn Đình Nhã, chủ tàu PY 92591, TP. Tuy Hòa, Phú Yên

 

“Yêu biển, yêu nghề nên sống chết với nghề”

Tôi làm nghề “ăn sóng nói gió” này đã hơn 20 năm nay, gần đây thấy ngày càng khó. Nhưng mình sinh ra ở biển, yêu biển, yêu nghề nên phải sống chết với nghề thôi. Tuy nhiên, việc xâm nhập ngư trường bất hợp pháp của các tàu nước ngoài… gây khó khăn, thách thức, ảnh hưởng đến việc khai thác của ngư dân Việt Nam là điều cần phải sớm chấm dứt. Ngư dân chúng tôi rất mong cấp trên đấu tranh cương quyết với nước ngoài, bảo vệ toàn vẹn chủ quyền vùng biển của Tổ quốc. Hải quân Việt Nam cũng nên có mặt ở những ngư trường thuộc chủ quyền để vừa khẳng định chủ quyền, bảo vệ ngư dân Việt Nam, vừa cùng chúng tôi ngăn những tàu đánh cá nước ngoài xâm nhập vùng biển nước ngoài xâm nhập vùng biển của mình, ngăn chặn những hành vi vi phạm trên vùng biển nước ta.

 

Ngư dân Nguyễn Minh Đức, Tổ trưởng Tổ đoàn kết số 1, thôn Thắng Lộc, xã Ngư Lộc, Thanh Hóa

 

Đoàn kết, hỗ trợ nhau đi biển

Chúng tôi có nghe đài, báo nói về chuyện tàu Trung Quốc xâm phạm vùng biển và uy hiếp tàu của ta, nhưng chúng tôi không thấy lo lắng và sợ gì cả. Đời đi biển chúng tôi có gì là chưa gặp nữa đâu, chúng tôi luôn chấp hành đúng pháp luật còn sợ gì nữa. Hơn nữa, thời gian gần đây chúng tôi có các tổ tàu đoàn kết, anh em tàu luôn hỗ trợ nhau nên cũng yên tâm. Chúng tôi sẽ không bao giờ bỏ nghề.

 

>> Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát: Tổ chức sản xuất trên biển là yếu tố quan trọng trong việc phát triển khai thác hải sản kết hợp với bảo vệ chủ quyền an ninh trên biển. Trong thời gian tới, các Sở NN&PTNT, Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản tiếp tục phối hợp với chính quyền địa phương để tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia xây dựng tổ, đội trong khai thác hải sản. Đồng thời nhân rộng các điển hình kiên kết sản xuất đạt hiệu quả ở các địa phương.

 

 

Vũ Mưa

 

            (Thực hiện)

 

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!