Động lực tăng trưởng xuất khẩu từ các FTA

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Có thể thấy, việc khai thác các FTA thời gian qua đã giúp doanh nghiệp Việt Nam mở rộng, đa dạng hóa thị trường và đẩy mạnh xuất khẩu, tham gia sâu hơn vào chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu. Nhưng, hiệu quả khai thác các ưu đãi từ FTA chưa như kỳ vọng, xuất, nhập khẩu hàng hóa vẫn phụ thuộc nhiều vào một số thị trường lớn. Giải pháp nào cho vấn đề này được nhiều bộ, ngành, doanh nghiệp đặc biệt quan tâm.

Thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu

Theo Bộ Công thương, xuất khẩu hàng hóa cả nước trong 5 tháng đầu năm 2024 ước đạt 156,5 tỷ USD, tăng 15% so với cùng kỳ năm trước. Xuất khẩu phục hồi ở cả khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và khu vực doanh nghiệp 100% vốn trong nước. Trong đó, nhóm doanh nghiệp trong nước có tốc độ tăng trưởng cao hơn (tăng 22,8% cùng kỳ, cao hơn tốc độ tăng 12,4% của nhóm doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài). Thị trường xuất khẩu được đa dạng hóa, tăng trưởng tại nhiều thị trường mới như châu Phi, Bắc Âu, Tây Á trong năm 2023. Các thị trường phục hồi tốt như: ASEAN tăng 10,5%; Nhật Bản tăng 3,3%, Hàn Quốc tăng 8,6%, EU tăng 15,1%, Australia tăng 22,6%; Trung Quốc, tăng 12,8%; Mỹ tăng 21,2%. 

Đóng góp quan trọng vào kết quả xuất khẩu các ngành hàng thời gian qua là việc triển khai nhiều giải pháp nhằm khai thác tối đa các cơ hội từ các FTA mà Việt Nam tham gia ký kết. Đến nay, Việt Nam đã ký kết và cơ bản kết thúc đàm phán 17 Hiệp định FTA với trên 60 quốc gia, vùng lãnh thổ; đang đàm phán, chuẩn bị khởi động đàm phán 3 Hiệp định và 1 khung khổ kinh tế (Khung khổ kinh tế Ấn Độ – Thái Bình Dương (IPEF)). Tổng kim ngạch xuất khẩu sang các nước đối tác tham gia các FTA chiếm khoảng 65% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Trong đó, tổng kim ngạch xuất khẩu được hưởng thuế nhập khẩu ưu đãi năm 2023 đạt trên 86 tỷ USD, tăng 9,2% so với năm 2022, chưa kể kim ngạch xuất khẩu sang các thị trường đối tác tham gia các FTA đã xóa bỏ thuế quan về 0%.

Các FTA mà Việt Nam đã tham gia. Nguồn: Bộ Công thương

Theo bà Phạm Thị Hồng Yến, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, trước bối cảnh tình hình thế giới tiếp tục biến động phức tạp, khó lường, Việt Nam vẫn xác định ưu tiên cho tăng trưởng và phục hồi phát triển kinh tế – xã hội, chính vì vậy việc tiếp tục tìm kiếm các giải pháp đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu, thúc đẩy việc thực hiện các FTA và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp là một trong những vấn đề thuộc lĩnh vực công thương được đặc biệt quan tâm.

Tuy nhiên, hoạt động xuất khẩu và khai thác ưu đãi từ các FTA theo bà Phạm Thị Hồng Yến còn hạn chế, chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh, cụ thể như: Xuất khẩu tuy phục hồi nhưng chưa bền vững vì chịu ảnh hưởng mạnh từ các yếu tố bất ổn về chuỗi cung ứng và nhu cầu thị trường thế giới thay đổi và chưa phục hồi như kỳ vọng; xuất khẩu còn phụ thuộc lớn vào một số nền thị trường lớn; các doanh nghiệp FDI còn chiếm tỷ trọng lớn trong tổng kim ngạch xuất khẩu (khoảng 73% năm 2023); hiệu quả khai thác các ưu đãi từ các FTA chưa cao như kỳ vọng…

Khai thác lợi thế

Trả lời những chất vấn của đại biểu quốc hội, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho rằng, để khai thác hiệu quả các FTA vấn đề quan trọng vẫn là con người. Do đó, đề nghị mỗi ngành, mỗi địa phương có kế hoạch, chiến lược tuyển dụng, đào tạo, đào tạo lại đội ngũ cán bộ về kỹ năng đàm phán và hiểu được các quy định của pháp luật nói chung, nhất là pháp luật quốc tế, cũng như các hiệp định thương mại tự do. 

FTA góp phần khẳng định vị thế của Việt Nam trên “sân chơi” kinh tế toàn cầu. Nguồn: Bộ Công thương

Cùng với đó, Bộ Công thương sẽ tập trung hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh thông qua việc khẳng định chất lượng hàng hóa và giá cả phù hợp. Hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực tiếp cận thị trường thông qua các hoạt động xúc tiến thương mại đa dạng. Đẩy mạnh tiến độ đàm phán ký kết các hiệp định liên kết thương mại và khai mở thị trường. Hỗ trợ doanh nghiệp phát triển thương hiệu, cập nhật thông tin để có phản ứng phù hợp…

Về giải pháp để khắc phục những khó khăn của doanh nghiệp xuất khẩu liên quan đến tỷ giá ngoại tệ có xu hướng bất lợi, chi phí vận tải biển cao…; Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, trong bối cảnh này, Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về điều hành linh hoạt chính sách tiền tệ, tỷ giá, kết hợp với chính sách tài khóa phù hợp đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế trong những năm qua, đặc biệt là “rất ngoạn mục” trong 5 tháng đầu năm 2024.

Một trong những giải pháp được Bộ Công thương đã và đang tích cực phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp triển khai đó là nâng cao năng lực cạnh tranh, xuất khẩu các ngành hàng. Trong đó, với nhóm hàng nông, lâm, thủy sản: Hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận thông tin, nâng cao năng lực đáp ứng các quy định, tiêu chuẩn tại các thị trường xuất khẩu về chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, tiêu chuẩn trách nhiệm xã hội, môi trường nhằm đẩy mạnh xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp, lâm, thủy sản chế biến sâu; chú trọng thúc đẩy xuất khẩu các sản phẩm kinh tế xanh, thân thiện với môi trường; không khuyến khích phát triển sản xuất, xuất khẩu các mặt hàng thâm dụng tài nguyên, gây ô nhiễm môi trường.

Bà Hồng Yến cũng đưa ra một số giải pháp cho vấn đề tận dụng và khai thác hiệu quả các FTA. Cụ thể như:  Các bộ, ngành trong đó Bộ Công thương, NN&PTNT, Ngoại giao tiếp tục chủ trì, phối hợp để đàm phán mở cửa thị trường xuất khẩu. Cần có giải pháp để hỗ trợ và thúc đẩy nâng cao năng lực sản xuất, xuất khẩu của doanh nghiệp trong nước; hỗ trợ, kết nối các doanh nghiệp trong nước với các tập đoàn đa quốc gia, với các doanh nghiệp FDI để nâng cao khả năng tham gia chuỗi cung ứng, xuất khẩu của doanh nghiệp trong nước; tăng cường sự tham gia của các doanh nghiệp và nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến xuất khẩu… Ngoài ra, tăng cường hơn nữa vai trò và tiếng nói của các hiệp hội ngành hàng trong nắm bắt khó khăn, vướng mắc, về sản xuất, xuất khẩu hàng hóa của các doanh nghiệp, từ đó giúp các cấp, các ngành kịp thời giải quyết theo thẩm quyền hoặc tổng hợp, báo cáo cấp có thẩm quyền phục vụ công tác chỉ đạo kịp thời, điều hành linh hoạt các giải pháp có liên quan.

Đồng thời, tăng cường cảnh báo sớm các vụ kiện phòng vệ thương mại; hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp cách ứng phó với các vụ kiện; kịp thời thông tin cho doanh nghiệp, hiệp hội về thông tin, nhu cầu, quy định mới của các thị trường nhập khẩu của Việt Nam.

Không chỉ vậy, theo bà Yến cần có giải pháp điều tiết, nâng cao tốc độ thông quan tại các cửa khẩu biên giới, khuyến cáo doanh nghiệp, thúc đẩy chuyển sang thương mại chính ngạch; triển khai vận hành tốt hệ thống cấp Giấy chứng nhận xuất xứ qua Internet và cơ chế Tự chứng nhận xuất xứ; rà soát, đơn giản hóa quy trình cấp C/O; áp dụng khai báo C/O điện tử, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp xuất khẩu khi làm thủ tục đề nghị cấp C/O…

Hải Lý

Trong giai đoạn 10 năm (từ 2013 - 2022), mức tăng trưởng bình quân kim ngạch xuất khẩu có sử dụng ưu đãi thuế quan theo các FTA là 12,7%/năm, cao hơn mức tăng bình quân tổng kim ngạch xuất khẩu (12,5%/năm giai đoạn 2013 - 2022). Việc thực thi các FTA thời gian qua đã mở ra cơ hội rất lớn cho Việt Nam trong phần đưa nền kinh tế Việt Nam duy trì mức tăng trưởng cao từ 6 - 7%/năm.

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!