Nuôi ếch trái vụ đang mang lại lợi nhuận cao cho người nuôi, nhưng để tìm được nguồn giống thì quả là vấn đề gian nan. Bởi, ếch chỉ sinh sản 1 lần vào mùa mưa…
5 năm qua, anh Nguyễn Văn Hiệp, chủ trại ếch Hiệp Nga (ấp Hưng Thạnh, xã Hưng Lộc, Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai) đã thành công trong việc cho ếch sinh sản trái vụ. Ếch giống từ trang trại Hiệp Nga khá dồi dào nên đã đáp ứng nhu cầu đối với người nuôi ếch trong và ngoài huyện.
Anh Hiệp kiểm tra ếch nuôi. (Ảnh: Bá Trực)
Trại nuôi ếch của anh Hiệp có diện tích 500 m2, được phân làm 3 khu vực khác nhau gồm: chuồng nuôi ếch hậu bị, nơi ở cho ếch bố mẹ và vùng ếch giống. Trong các khu vực này, anh Hiệp cho xây dựng các chuồng nuôi rộng từ 6 – 12 m2 bên dưới được trải bạt, bên trên che lưới để hạn chế nước mưa. Mỗi điểm nuôi ếch được thiết kế khác nhau, nhằm phù hợp với từng loại. Theo anh Hiệp, ếch tự nhiên sinh sản vào đầu mùa mưa và chỉ đẻ một lần (vào cuối tháng tư âm lịch). Ngoài thời điểm trên, ếch bố mẹ rất khó sinh sản. Tuy khó, nhưng cơ sở Hiệp Nga vẫn chủ động sản xuất giống, gần như quanh năm mà không phụ thuộc vào thời tiết cũng như mùa sinh sản của ếch. Trong trang trại của anh Hiệp hiện có 50 ngàn ếch giống đủ các lứa tuổi, đây là số ếch anh Hiệp thực hiện theo đơn đặt hàng của các hộ nuôi ếch thương phẩm. Về bí quyết nuôi ếch sinh sản trái mùa, anh Hiệp cho biết khá đơn giản, nhưng phải có kinh nghiệm thì mới có thể làm được. Theo anh Hiệp, muốn cho ếch sinh sản theo ý muốn, phải “đánh lừa” ếch bố mẹ bằng cách bố trí chỗ nuôi gần giống như sinh cảnh tự nhiên. Bên cạnh đó, tạo mưa nhân tạo và duy trì nhiệt độ nước khoảng 26 độ C. Ngoài ra, chế độ dinh dưỡng cho ếch bố mẹ cũng rất quan trọng, phải cho ăn đầy đủ chất dinh dưỡng, đặc biệt là các loại thức ăn có tác dụng tốt cho sinh sản, giàu vitamin E; chủ động cho sinh sản bằng cách sử dụng kích dục tố với cách làm tương tự như cá…
Nói về quá trình nuôi ếch của mình, anh Hiệp tâm sự: năm 2006 anh khăn gói xuống tận Bà Rịa – Vũng Tàu để “tầm sư” học nghề. Sau 8 tháng nắm được những kiến thức, kỹ thuật nuôi ếch sinh sản, anh Hiệp mua 5 cặp giống bố mẹ để gây dựng. Nhờ áp dụng tốt những kiến thức đã học hỏi được, nên ngay lần đầu tiên cho ếch sinh sản, anh Hiệp đã thành công với trên 5 ngàn con ếch giống. Với bước đầu khá thuận lợi đó, anh Hiệp tiếp tục đầu tư, gây dựng cơ sở kinh doanh và tạo dựng thương hiệu Hiệp Nga. Hiện cơ sở của anh Hiệp luôn duy trì 500 cặp ếch bố mẹ, mỗi năm sinh sản hơn 150 ngàn con giống. Ếch giống sau 45 ngày tuổi được bán với giá từ 1.000 – 1.300 đồng/con.
Để duy trì đàn ếch sinh sản theo ý muốn là một vấn đề rất khó. Bên cạnh đó, thời kỳ nuôi ếch con đến khi xuất chuồng bán cho người nuôi kinh doanh mà tỷ lệ hao hụt thấp cũng là vấn đề hết sức quan trọng. Theo anh Hiệp, đối với ếch con thì môi trường sống là yếu tố quan trọng nhất. Do đó, nước nuôi ếch phải có độ pH từ 5,5 – 7,5 để tạo ra các tổ hợp sinh vật có ích bằng các chế phẩm sinh học; thường xuyên vệ sinh chuồng trại bằng thuốc sát khuẩn.
Hiện nay, ngoài việc cung cấp giống cho các hộ gia đình chăn nuôi ếch, anh Hiệp còn bao tiêu sản sản phẩm cho những hộ chăn nuôi ếch thịt. Mỗi năm, trang trại Hiệp Nga thu nhập trên 200 triệu đồng.
Bá Trực
Theo Báo Đồng Nai