Đồng Nai: Tích cực xử lý gần 200 tấn cá chết trắng hồ Sông Mây

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Tình trạng nắng nóng kéo dài trong nhiều ngày liền cộng thêm với hoạt động cải tạo lòng hồ Sông Mây thuộc huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai đã khiến cho khoảng 200 tấn cá bị chết nổi trên mặt hồ bốc mùi khó chịu, ảnh hưởng đến cuộc sống của nhiều hộ dân khu vực lân cận.

Nhiều ngày qua, nắng nóng kéo dài, hồ Sông Mây cạn trơ đáy, diện tích mặt nước giảm từ 196 ha chỉ còn khoảng 2 ha, mực nước nơi sâu nhất chỉ khoảng 1m. Điều đáng lo ngại là gần 2 tuần nay, lượng cá chết trong hồ rất nhiều, chủ yếu là cá tra, cá chép, rô phi, cá mè, cá trắm… Trước đó, hoạt động nuôi trồng thủy sản trên hồ Sông Mây được thực hiện theo hợp đồng giữa Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Đồng Nai và Công ty TNHH Khai thác công trình thủy lợi tỉnh Đồng Nai. Số cá chết dịp này là lượng cá còn tồn lại từ năm 2023.

Cá chết nổi trắng trên mặt hồ Sông Mây (Đồng Nai) gây thiệt hại lớn về tài sản và ô nhiễm môi trường. Ảnh: Hà Anh Chiến

Thượng úy Lê Minh Tấn, Quản lý Đội nuôi trồng thủy sản, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Đồng Nai, đơn vị được giao nhiệm vụ nuôi thủy sản trên hồ Sông Mây cho biết: Nguyên nhân khiến cá chết hàng loạt là do sửa chữa đập và nạo vét đáy hồ Sông Mây. Đơn vị thi công cải tạo hồ xả nước về hạ nguồn, khiến hồ trơ đáy, cùng với tình trạng nắng nóng kéo dài làm cho mực nước trong hồ xuống thấp, cá thiếu ôxy dẫn đến chết hàng loạt. Cũng theo Thượng úy Tấn, đơn vị thiệt hại gần 200 tấn cá, hiện toàn bộ lực lượng của Đội quản lý nuôi trồng thủy sản hồ Sông Mây đã xử lý cá chết, tập trung vớt lên xe để chở đi, đồng thời khẩn trương xử lý mùi hôi gây ảnh hưởng đến người dân. Được biết, tổ nuôi trồng thủy sản của Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Đồng Nai đã phải làm việc xuyên kỳ nghỉ lễ 30/4 và 1/5, thậm chí tăng cường cả ca đêm để xử lý sự cố cá chết. 

Hồ Sông Mây có diện tích hơn 300 ha. Từ năm 1994, ngành chức năng tỉnh Đồng Nai giao Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh nuôi trồng thủy sản trên diện tích mặt nước. Đây cũng là hồ chứa nước tưới tiêu cho khu vực huyện Trảng Bom và huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai nhưng hiện tại đã cạn trơ đáy, đất dưới lòng hồ khô cằn, nứt nẻ. Từ tháng 1/2024, Công ty Trách nhiệm hữu hạn khai thác công trình thủy lợi tỉnh Đồng Nai bắt đầu cải tạo, sửa chữa hồ Sông Mây nên phải hạ mực nước. Đơn vị thi công vẫn đang nỗ lực đẩy nhanh tiến độ để sớm hoàn trả hiện trạng cho hồ trước khi mùa mua bắt đầu. 

Minh Khuê

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!