T2, 01/04/2024 11:19

Đồng quản lý bảo vệ nguồn lợi thủy sản – Giải pháp hữu hiệu chống khai thác IUU

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Có thể thấy, để quản lý tài nguyên, nguồn lợi thủy sản và các hệ sinh thái bền vững không thể chỉ trông chờ vào quản lý của Nhà nước mà phải dựa vào cộng đồng, chia sẻ trách nhiệm quản lý trên cơ sở hài hòa lợi ích giữa các bên nhằm quản lý, khai thác nguồn lợi thủy sản một cách có trách nhiệm. Năm 2024 cũng được Bộ NN&PTNT xác định là năm tăng cường thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản ở Việt Nam. Vì vậy, hoạt động này đã và đang được các địa phương tích cực triển khai.

Tính tất yếu của đồng quản lý

Theo ông Lê Trần Nguyên Hùng, Trưởng phòng Bảo vệ và Phát triển nguồn lợi thuỷ sản, Cục Kiểm ngư, ngành thủy sản hiện nay đã và đang đối mặt với một số tồn tại, bất cập như: Chưa kiểm soát được số lượng tàu cá, thất thoát sau thu hoạch trong khai thác còn cao; tình trạng đánh bắt bất hợp pháp vẫn còn diễn ra phổ biến: Sử dụng các nghề xâm hại nguồn lợi như nghề te, xiệp, xung điện, giã cào trong vùng biển ven bờ và vùng lộng; ngư cụ kích thước mắt lưới nhỏ hơn quy định: chụp mực, lừ xếp, đăng, đáy, mành, lưới kéo, sử dụng nguồn sáng có công suất lớn; tình trạng khai thác cá thể chưa đạt thành thục khá phổ biến đối với hầu hết các loài ở vùng biển, đánh bắt vào các vùng cấm, thời gian cấm khai thác. 

Các tổ nhóm tham gia hoạt động truyền thông và giám sát bảo vệ nguồn lợi thủy sản khu vực đồng quản lý thuộc Bãi Dứa xã Nhơn Lý (Bình Định). Ảnh: MCD

Những vấn đề này đã và đang làm suy giảm nguồn lợi thủy sản và hệ sinh thái trên các vùng biển, đặc biệt là vùng biển ven bờ và các vùng nội đồng; chất lượng môi trường có dấu hiệu suy giảm, mâu thuẫn trong nội tại các lĩnh vực sản xuất thủy sản, cũng như với các ngành nghề kinh tế khác như du lịch, công nghiệp… Trong khi, nguồn lực cho quản lý còn hạn chế cả về nhân lực và vật lực. Đây là những thách thức đối với sự phát triển ngành thủy sản.

Chính vì vậy, để phát triển ngành thủy sản bền vững cần sự chung tay, góp sức của cả cộng đồng theo hướng tất cả cùng tham gia quản lý, bảo vệ, khai thác có hiệu quả nguồn lợi nhất là sự tham gia hưởng ứng của ngư dân.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan từng nhận định, đồng quản lý nhằm thúc đẩy sự tham gia của cộng đồng ngư dân địa phương trong công tác quản lý, giám sát và bảo vệ các khu vực biển được giao quyền khai thác, sử dụng để nâng cao chất lượng nguồn lợi thủy sản và đời sống người dân. Đồng quản lý thúc đẩy tự chủ và đóng góp tích cực của cộng đồng người làm nghề cá trong công tác bảo tồn và sử dụng hợp lý nguồn lợi thủy sản. Cùng đó, góp phần nâng cao ý thức và trách nhiệm của người dân địa phương trong hoạt động bảo vệ nguồn lợi thủy sản, từng bước thực hiện chủ trương xã hội hóa; tăng cường vai trò, trách nhiệm của cộng đồng trong quản lý hoạt động bảo vệ nguồn lợi thủy sản là giải pháp hữu hiệu, giảm xung đột lợi ích trong cộng đồng và giúp đưa ngành thủy sản phát triển một cách bền vững.

Luật Thủy sản năm 2017 cũng khẳng định, tổ chức cộng đồng tham gia đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản là tổ chức do các thành viên tự nguyện tham gia, cùng nhau quản lý, chia sẻ lợi ích, bảo vệ nguồn lợi thủy sản tại khu vực địa lý xác định, có tư cách pháp nhân hoặc không có tư cách pháp nhân, được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận và giao quyền tham gia đồng quản lý.

Điển hình tại Bình Thuận

Là một trong những địa phương đầu tiên của cả nước thực hiện công nhận và giao quyền quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản theo Luật Thủy sản 2017; đến nay, toàn tỉnh Bình Thuận có 4 tổ chức cộng đồng tham gia đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản, với 562 hộ gia đình đăng ký (Phước Thể; Thuận Quý; Tân Thành và Tân Thuận). Quá trình thực hiện đồng quản lý cho thấy đã có sự thay đổi rõ rệt trong suy nghĩ, nhận thức, hành động của người dân. Trách nhiệm bảo vệ, phát triển nguồn lợi thủy sản đã có sự chia sẻ và tham gia, hưởng ứng của cộng đồng, các bên liên quan tại địa phương. Cụ thể, một trong những kết quả quan trọng nhất khi triển khai mô hình này tại địa phương đó là các hoạt động bảo vệ, phát triển nguồn lợi thủy sản (ngăn chặn vi phạm về khai thác, thả rạn nhân tạo…), các hành vi đánh bắt IUU được hạn chế, giảm dần; tạo điều kiện cho nguồn lợi thủy sản có cơ hội sinh sôi, phát triển. Nhờ đó, sinh kế của người dân từ hoạt động đánh bắt trong vùng biển đồng quản lý đã khởi sắc, cải thiện hơn do nguồn lợi phục hồi nhanh. 

Bên cạnh đó, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Bình Thuận còn triển khai xây dựng mô hình khuyến ngư trên vùng biển trao quyền đồng quản lý bảo vệ nguồn lợi thủy sản tại huyện Hàm Thuận Nam. Theo đó, trong thời gian qua, các Hội cộng đồng ngư dân trên địa bàn huyện Hàm Thuận Nam được tập huấn, tuyên truyền, hướng dẫn các chính sách pháp luật của Nhà nước rất thường xuyên, qua đó giúp các hội viên nâng cao ý thức hơn trong việc đánh bắt, khai thác thủy sản có chọn lọc…

Cùng chung tay hành động

Bên cạnh những thành công đã được ghi nhận, theo ông Lê Trần Nguyên Hùng còn nhiều vấn đề cũng được đặt ra với cho đồng quản lý trong ngành thủy sản như: Cần phải đánh giá hiệu quả và nhân rộng các mô hình thành công để các địa phương học tập; rà soát, sửa đổi các văn bản qui phạm pháp luật, xây dựng chính sách hỗ trợ phát triển đồng quản lý, cơ chế tài chính bền vững nhằm hỗ trợ thúc đẩy thực hiện đồng quản lý một cách hiệu quả. Tiếp tục tuyên truyền, phổ biến về vai trò, tầm quan trọng và kiến thức pháp luật đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản đến các cấp chính quyền, người dân, các bên hưởng lợi. Cùng đó, tăng cường tập huấn về làm thế nào để thành lập, vận hành, quản lý hiệu quả Tổ đồng quản lý cho lãnh đạo Sở, Chi cục, huyện, xã có đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Thiết lập nhóm chuyên gia để hướng dẫn, hỗ trợ cho các địa phương trong quá trình triển khai thực hiện. Ngoài ra, cần kết nối, huy động sự tham gia của doanh nghiệp, nhà khoa học, nhà quản lý cùng tổ chức cộng đồng tổ chức, phát triển các mô hình sinh kế khép kín theo chuỗi các hoạt động từ nuôi trồng thuỷ sản, khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản, du lịch giải trí gắn với khu vực được giao quyền quản lý.

Còn theo các ngư dân, để mô hình đồng quản lý có thể nhân rộng các vùng biển khác trong toàn tỉnh, hoạt động bền vững hơn và ngày càng phát huy hiệu quả; kiến nghị Trung ương sớm hoàn thiện cơ chế, chính sách trong thực hiện; bố trí vốn hỗ trợ đầu tư cơ sở vật chất, nâng cao hiệu quả hoạt động của các hội cộng đồng ngư dân. Tập trung xây dựng các mô hình sinh kế trong vùng biển đồng quản lý như nuôi biển các loài hải sản bản địa, mô hình du lịch sinh thái (câu cá, lặn biển…) từ nguồn lợi tự nhiên đã được bảo vệ và các di sản văn hóa có sẵn.

>> Theo thống kê của Hội Thủy sản Việt Nam, từ khi triển khai Luật Thủy sản đến nay, mô hình đồng quản lý đã được triển khai tại 7 tỉnh, thành trong cả nước là: Hà Tĩnh, Quảng Nam, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Bình Thuận, Tuyên Quang, với 19 tổ chức cộng đồng được công nhận và giao quyền tham gia đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Đối với Thừa Thiên Huế, đã hình thành 22 chi hội nghề cá tổ chức thực hiện đồng quản lý với 22 khu bảo vệ nguồn lợi thủy sản ở khu vực đầm phá và ven bờ.

Vân Anh

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!