(TSVN) – Trong khuôn khổ Hội nghị “Nâng cao hiệu quả hoạt động của Tổ chức quản lý cảng cá” do Hội Thủy sản Việt Nam phối hợp với Cục Thủy sản và Kiểm ngư tổ chức (ngày 25 – 26/4) tại Hà Nội, nhiều nội dung quan trọng về đồng quản lý, khai thác thủy sản bền vững và ứng dụng công nghệ trong quản lý cảng cá đã được thảo luận sôi nổi.
Các đại biểu tham dự Hội nghị sáng 26/4 tại Hà Nội. Ảnh: Thùy Khánh
Phát biểu tại Hội nghị, ông Vũ Duyên Hải, Phó Cục trưởng Cục Thủy sản và Kiểm ngư cho biết, thời gian qua, nhiều địa phương đã có những giải pháp rất linh hoạt nhằm giám sát đội tàu hoạt động trên biển và các cảng cá. Dữ liệu tàu cá hoạt động trên các vùng biển được thu thập, cập nhật hàng ngày; những trường hợp vi phạm sẽ được chuyển ngay về địa phương để lực lượng thực thi pháp luật xử lý kịp thời. Theo ông Hải, đồng quản lý cảng cá không chỉ giúp tăng hiệu quả giám sát mà còn nâng cao dịch vụ cảng cá, đưa nơi đây thành điểm đến hấp dẫn, như những mô hình thành công mà Nhật Bản đã xây dựng.
Ông Vũ Duyên Hải, Phó Cục trưởng Cục Thủy sản và Kiểm ngư phát biểu. Ảnh: Thùy Khánh
Tại Hội nghị, các đại biểu đã được nghe ông Patrick Mcgrath, Phó Chủ tịch Công ty NAVCAST giới thiệu phần mềm quản lý nghề cá ven biển ALON. Phần mềm ALON sở hữu nhiều tính năng nổi bật nhằm chống khai thác bất hợp pháp (IUU), truy xuất nguồn gốc thủy sản, hỗ trợ ngư dân và lực lượng chức năng trong quá trình giám sát tàu cá.
Thiết bị này khi lắp đặt chạy bằng năng lượng mặt trời và không phụ thuộc vào nguồn điện của tàu hoặc các hệ thống phụ khác để cung cấp điện, không cho phép người dùng ngắt kết nối/tắt nguồn.
Ông Patrick Mcgrath, Phó Chủ tịch Công ty NAVCAST giới thiệu phần mềm quản lý nghề cá ven biển ALON. Ảnh: Thùy Khánh
Đặc biệt, thiết bị của NAVCAST sử dụng năng lượng mặt trời, hoàn toàn độc lập với nguồn điện tàu, không cho phép ngắt kết nối, và tích hợp các tính năng cảnh báo khẩn cấp như SOS, báo lật tàu, cảnh báo thời tiết. Điều này mang lại độ an toàn cao cho ngư dân và đảm bảo tính liên tục trong giám sát tàu thuyền. Trong 5 năm gần đây, NAVCAST tập trung phát triển các thị trường trên toàn cầu, chủ yếu vào việc bảo tồn nghề cá ven biển.
Ông Nguyễn Hữu Dũng, Tổng Thư ký Hội Thủy sản Việt Nam, đánh giá cao những đóng góp của công nghệ vào quản lý nghề cá, đặc biệt trong việc kiểm soát hành trình ngư trường, minh bạch nhật ký khai thác. Tuy nhiên, ông cũng lưu ý rằng, công nghệ áp dụng cần đảm bảo độ tin cậy, dễ sử dụng cho cả cán bộ quản lý địa phương và ngư dân, đồng thời hỗ trợ cho việc cấp chứng nhận truy xuất nguồn gốc.
Tổng Thư ký Hội Thủy sản Việt Nam Nguyễn Hữu Dũng phát biểu. Ảnh: Thùy Khánh
Hiện nay tồn tại nhiều phần mềm quản lý khác nhau, gây khó khăn trong vận hành và tổng hợp dữ liệu. Vì vậy, các địa phương kiến nghị cần lựa chọn một phần mềm tốt nhất, thống nhất hệ thống cập nhật dữ liệu ra vào cảng cá, từ đó đảm bảo truy xuất nguồn gốc sản lượng thủy sản, nâng cao giá trị sản phẩm sau khai thác.
Ông Lê Tấn Bản, Phó chủ tịch Hội Nghề cá Việt Nam, Chủ tịch Hội Nghề cá tỉnh Khánh Hòa nêu ý kiến. Ảnh: Thùy Khánh
Ông Lê Tấn Bản, Phó Chủ tịch Hội Thủy sản Việt Nam, Chủ tịch Hội Nghề cá tỉnh Khánh Hòa cũng đồng tình rằng, trong số 9 phần mềm đang thử nghiệm, cần sớm lựa chọn giải pháp tối ưu nhất, thân thiện với người dùng, góp phần đẩy nhanh quá trình gỡ “thẻ vàng” IUU của EC đối với thủy sản Việt Nam.
Ghi nhận những ý kiến thực tiễn từ các hội nghề cá và ban quản lý cảng cá địa phương, Chủ tịch Hội Thủy sản Việt Nam, ông Nguyễn Việt Thắng, cho biết Hội sẽ có văn bản kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Môi trường cho phép thực hiện thí điểm mô hình đồng quản lý cảng cá và bảo vệ nguồn lợi thủy sản.
Ông Nguyễn Việt Thắng, Chủ tịch Hội Thủy sản Việt Nam kết luận Hội nghị. Ảnh: Thùy Khánh
Mục tiêu của đồng quản lý là huy động sự tham gia chủ động của cộng đồng ngư dân, chính quyền địa phương và các tổ chức xã hội trong công tác quản lý, bảo vệ nguồn lợi và xây dựng cảng cá hiện đại, minh bạch.
Ông Thắng nhấn mạnh: “Cảng cá tốt không chỉ hỗ trợ ngư dân thuận tiện trong việc chứng nhận nguồn gốc thủy sản, chống khai thác IUU, mà còn góp phần xây dựng nghề đánh cá ven biển thực sự phồn vinh, bền vững”.
Hội nghị đã mở ra một hướng đi rõ ràng cho việc nâng cao hiệu quả quản lý cảng cá và nghề cá ven biển thông qua đồng quản lý và ứng dụng công nghệ tiên tiến. Đây không chỉ là giải pháp cấp bách để gỡ “thẻ vàng” cho ngành thủy sản, mà còn là nền tảng để phát triển nghề cá ven biển của Việt Nam theo hướng hiện đại, trách nhiệm và bền vững trong tương lai.
Thùy Khánh
Theo Quy hoạch hệ thống Cảng cá và Khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đến năm 2030, toàn quốc có 173 cảng cá, gồm: 39 cảng cá loại 1; 80 cảng cá loại 2; 54 cảng cá loại 3. Hệ thống cảng cá đảm bảo thông qua khoảng 2,98 triệu tấn thủy sản mỗi năm; đảm bảo thực hiện công tác quản lý nghề cá, đáp ứng yêu cầu truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác, ngăn chặn các hoạt động khai thác thủy sản bất hợp pháp.
Trong đất liền, sẽ có 141 cảng cá đáp ứng tổng lượng thủy sản qua cảng khoảng 2,75 triệu tấn/năm. Tại các đảo, có 32 cảng cá đáp ứng tổng lượng thủy sản qua cảng khoảng 233 ngàn tấn/năm. Thời kỳ 2021- 2030, sẽ đầu tư 5 Trung tâm nghề cá lớn đồng bộ trong hệ thống các cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá, kết cấu hạ tầng và dịch vụ hậu cần thủy sản tại các vùng biển.