Với giá trị oxy hòa tan trong nước (DO) gần như bằng không, trong thời gian từ năm 2000 – 2009, trên dòng sông Thị Vải (chảy qua và làm ranh giới tự nhiên giữa Đồng Nai và Bà Rịa – Vũng Tàu), hầu hết các loài sinh vật bị tiêu diệt.
10 năm đó, sông Thị Vải được người ta biết đến như một “dòng sông chết.” Nhưng với thời gian cùng nỗ lực của cộng đồng, những con cá chìa vôi, cá hường, tôm tít – những đặc sản của sông Thị Vải lại về cùng con nước trong xanh.
Ngư phủ không còn thất nghiệp
Sau hơn năm năm các cơ quan chức năng phát hiện và xử lý triệt để việc Công ty Vedan xả thải đầu độc dòng sông, trên những bến sông (thuộc các ấp 1A, 1B, 1C xã Phước Thái, huyện Long Thành, Đồng Nai), ghe thuyền tấp nập đi, về.
Tại một vài khoảng đất trống ven sông, cảnh bán, mua diễn ra hối hả. Tôm, cá các ngư phủ bắt về nhanh chóng được thương lái mang đi tiêu thụ.
Ông Nguyễn Văn Tháo (69 tuổi) ở ấp 1A cho biết đời bố mẹ ông, ông, rồi đến các con ông đều gắn bó với dòng sông này.
Trước năm 1990, mỗi ngày ông thả lưới, giăng câu bắt được khoảng 30 – 40kg thủy sản các loại. Sau năm 1990, tôm, cá ít dần. Từ năm 2004 – 2010, do nước sông ô nhiễm, sủi bọt, bốc mùi hôi thối nên các loại cá, tôm chết nổi khắp mặt nước, nguồn thủy sản trên sông bị hủy diệt.
Sông không còn cho con tôm, con cá đồng nghĩa với việc hàng nghìn gia đình sống bằng chài lưới ven sông ở Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu phải bỏ nghề, rơi vào cảnh khốn đốn, nợ nần. Dân vạn chài ầm ào đổ vào các công ty, xí nghiệp.
Dòng sông đã hồi sinh trở lại trong nhọc nhằn. Theo người dân, từ đầu năm 2012, những chiếc ghe sau nhiều năm “nằm ngủ” đã được người dân sửa chữa lại, hàng trăm con người lại ngày đêm giăng lưới trên sông.
(Ảnh minh họa: Đoàn Mạnh Dương/TTXVN.)
Nguồn thủy sản ban đầu còn ít, người may mắn sau một ngày lao động cũng chỉ kiếm được hơn 1kg tôm cá.
Đến năm 2013, ông Trần Văn Thắng (ấp 1A) trở thành người đầu tiên ở xã Phước Thái bắt được cá chìa vôi sau nhiều năm loài cá quý giá này biến mất trên sông Thị Vải. Tiếp theo đó, tôm tít, tôm hùm, cá hường, cá nhám… mắc lưới dân chài ngày một nhiều.
Ông Thắng vui vẻ cho biết cuối cùng thì màu nước sông Thị Vải cũng được trả lại như xưa. Nguồn thủy sản dù chưa được đủ nhiều như trước nhưng người làm nghề như ông mỗi ngày cũng có thể kiếm được 3 – 5kg cá, tôm.
Khoảng hai năm trở lại đây, tôm, cá trên sông ngày một nhiều. Đặc biệt, những loại hải sản quý hiếm như cá chìa vôi (hơn 1,6 triệu đồng/kg), tôm tít (giá khoảng 700.000 đồng/kg), tôm hùm… đã trở về. Ngư dân sau thời gian dài thất nghiệp giờ đã trở lại với nghề.
Nghề nuôi thủy sản hồi sinh
Trong giai đoạn từ năm 2005 – 2010, năm nào ông Nguyễn Văn Lượng (xã Mỹ Xuân A, huyện Tân Thành, Bà Rịa-Vũng Tàu) cũng chứng kiến thủy sản của gia đình mình và các hộ dân khác chết nổi ngập bờ rồi điêu đứng vì nợ nần.
Sau khi Công ty Vedan chấm dứt xả thải không qua xử lý ra sông Thị Vải, nhận tiền đề bù ông Lượng xắn tay làm lại.
Những năm đầu, do tồn dư của chất thải nên năng suất tôm, cá đạt thấp (chỉ khoảng 10% lượng giống sống được đến ngày thu hoạch). Từ đầu năm 2013 đến nay, chất lượng nước tốt lên, tỷ lệ con giống sống đạt trên 50%.
Ông bắt đầu nuôi lại tôm, cua, cá trên toàn bộ diện tích đùng rộng 30ha (đùng là những bãi phù sa dọc theo sông, nơi có cây đước mọc, người dân khoanh vùng lại để nuôi thủy sản).
Ông Lượng cho biết thời gian gần đây, những hộ nuôi thủy sản ở vùng này đã cải tạo lại những đùng bỏ hoang, đầu tư số lượng lớn con giống, thức ăn. Riêng gia đình ông, trong tháng Ba, ông đã mua hơn 100 triệu tiền cá giống thả thêm vào đùng.
Tại các ấp 1B và 1C, xã Phước Thái, hơn một năm qua, đã có gần 80 hộ trở lại làm nghề nuôi thủy sản.Người dân các xã Phước Thiện, Phước An (huyện Long Thành) cũng quay lại nuôi tôm, cua dọc sông Thị Vải.
Theo người dân, từ năm 2013 đến nay, nghề nuôi thủy sản ven sông dù đạt năng suất thấp nhưng tình trạng cá tôm chết hàng loạt đã không còn diễn ra, tỷ lệ con giống cho thu hoạch đạt cao.
Nguồn nước sông Thị Vải trong xanh trở lại, môi trường không khí tốt lên nên người dân cũng không còn bị mắc các bệnh về đường hô hấp như thời gian sông bị ô nhiễm.
Kết quả nhiều lần quan trắc trong năm 2013 của Sở Tài nguyên và Môi trường Đồng Nai cho thấy, chất lượng nước sông Thị Vải và các chi lưu đạt yêu cầu cho bảo tồn động thực vật thủy sinh, nguồn nước tốt.
Dòng Thị Vải đang hồi sinh mang theo hy vọng của biết bao con người. Những số phận gắn bó với sông nước, ngày ngày họ miệt mài cùng các phương tiện bắt con tôm, con cá.
Song bên dòng sông hiền hòa, từng giờ hàng nghìn nhà máy vẫn ầm ào hoạt động. Để sông không thêm một lần bị “bức tử,” ngoài sự trông chờ vào ý thức của những người kinh doanh, các cơ quan chức năng cũng phải tăng cường giám sát, xử lý kịp thời, triệt để những hành vi phá hoại môi trường, để không bao giờ lặp lại một Vedan thứ hai.
>> Tháng 8/2008, các cơ quan chức năng bắt quả tang Công ty cổ phần hữu hạn Vedan Việt Nam (huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai) đấu nối hệ thống đường ống thoát nước để xả nước thải từ các bồn, bể chứa dịch sau lên men chưa qua xử lý ra sông Thị Vải. Sau đó, Vedan bị xử phạt vi phạm bảo vệ môi trường 267 triệu đồng; bị truy thu phí bảo vệ môi trường hơn 127 tỷ đồng. Vedan chấp nhận bồi thường 100% thiệt hại theo yêu cầu cho người dân các địa phương trên với số tiền gần 220 tỷ đồng. |