Đồng Tháp: Bí thư Tỉnh ủy thăm 2 mô hình khởi nghiệp sáng tạo, độc đáo

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Vào một buổi chiều của ngày cuối tháng 8/2023, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp – Lê Quốc Phong cùng Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Tam Nông – Huỳnh Thanh Sơn và Phó Chủ tịch UBND huyện – Châu Văn Bo đã đến thăm hai mô hình nuôi le le, vịt trời của anh Trần Văn Sơn ở xã Phú Thành B và nuôi trai nước ngọt lấy ngọc tại Vườn sinh thái Hoàng Hảo, xã An Hòa.

Thoát nghèo nhờ nuôi le le, vịt trời:

Le le là một loài chim trời thích sống ở bưng biền hoặc những cánh đồng hoang vắng, nơi có nhiều lung, đầm lầy – nhất là các khu rừng tràm yên tĩnh, ít có bóng người lui tới. Còn vịt trời cũng gần giống như le le, cũng thích ở những môi trường như thế. Tận dụng nguồn tài nguyên bản địa ở vùng đệm Vườn Quốc gia Tràm Chim, anh Trần Văn Sơn đã tiên phong khởi nghiệp từ mô hình nuôi le le, vịt trời, đem lại nguồn thu nhập ổn định cho gia đình, vừa thoát khỏi hộ cận nghèo. 

 Bí thư Tỉnh ủy Lê Quốc Phong (giữa) thăm mô hình le le của anh Sơn. Ảnh: Trần Trọng Trung

Vốn cần cù và luôn nung nấu ý chí thoát nghèo, sau khi được Hội Nông dân xã giới thiệu vay vốn 25 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Tam Nông, anh Sơn chọn 2.500 m2 đất quanh nhà, đào ao, bao lưới, lập trang trại để nuôi hai loài động vật hoang dã này. Và đây là cả gia tài được gây dựng từ 20 cặp le le giống 4 tháng tuổi và 60 con vịt trời 2 tháng tuổi ban đầu. 

Anh Sơn “khoe” trứng le le với đoàn tới thăm. Ảnh: Trần Trọng Trung

Đứng kế bên Bí thư Tỉnh Ủy, anh Trần Văn Sơn bày tỏ: “Năm nay là năm thứ hai, em gầy được hơn 300 con le le, với khoảng 300 con vịt trời. Mà vịt trời, em xuất lai rai; cứ 10 bữa, nửa tháng em xuất một lần. Xuất một lần cũng hai, ba chục con tùy theo khách hàng người ta đặt. Vịt trời, em gửi lên Sài Gòn một con hai trăm hai, có chỗ hai trăm ba chục ngàn cũng có. Về con le le thì em đang tăng đàn. Hiện giờ, le le của em được 50 cặp bố mẹ, với hậu bị của em cũng được khoảng 100 con nữa để em sử dụng cho mùa sau đẻ…”

Bên cạnh đó, anh Sơn còn cho le le, vịt trời đẻ trứng và ấp nở để bán con giống. Hai lò ấp trứng đang hoạt động ngày đêm, với công suất ấp mỗi lò từ 300 – 400 trứng. Le le, vịt trời nuôi từ 3 tháng trở lên là xuất bán. Ngoài thức ăn công nghiệp có nhiều độ đạm, anh cũng linh hoạt tìm thêm thức ăn hiện có ở địa phương. 

Đưa trứng le le cho Bí thư Tỉnh ủy xem, anh Trần Văn Sơn cho biết: Mình làm ruộng, mình chừa lúa lại. Tới mùa đẻ, mình kết hợp trộn thức ăn vô thêm để kích thích cho đẻ trứng, trứng dầy… Trong thời gian rãnh, em lấy lục bình, rau hoặc là chuối, em lấy xắt, bằm ra cho vịt, le le ăn để tạo thêm nguồn dinh dưỡng cho nó. Nuôi con le le với con vịt trời này thu nhập cũng ổn định. Nếu mình trừ chi phí, thức ăn lúa ra thì một tháng cũng kiếm được 10 triệu, mười mấy triệu xoay sở trong gia đình.

Anh Sơn đang chăm đàn le le, vịt trời của mình ở ấp Tân Phú. Ảnh: Trần Trọng Trung

Ông Đặng Tấn Lợi – Trưởng Ban nhân dân ấp Phú Hòa – Xã Phú Thành B tiếp lời: “Anh Sơn rất chí thú làm ăn. Trước đây, anh thuộc hộ cận nghèo. Qua hơn 02 năm nay, ảnh làm ăn rất hiệu quả. Sang năm 2021, ảnh cũng xin đề nghị địa phương là cho ảnh ra thoát cảnh hộ cận nghèo. Từ đó, địa phương chấp nhận theo yêu cầu của gia đình anh”.

Ông Lê Bá Linh – Chủ tịch Hội Nông dân xã Phú Thành B cho biết: “Tới đây, Hội Nông dân xã sẽ khuyến khích và hỗ trợ vốn cho anh Sơn để nhân rộng đàn le le, vịt trời ở địa phương. Hội Nông dân xã cũng phối hợp với các ấp để khảo sát những hộ có nhu cầu nuôi le le, vịt trời để Hội Nông dân xã hỗ trợ vốn nhân rộng mô hình trên toàn xã để hội viên nông dân có nguồn thu nhập ổn định, góp phần trong xây dựng xã đạt chuẩn nông thôn mới trong năm 2023”.

Luôn tìm tòi, học hỏi và lao động bằng chính công sức của mình, người nông dân này không chỉ giúp gia đình có cuộc sống ổn định mà còn góp phần phát triển cho địa phương. Anh Sơn cũng rất sẵn lòng chuyển giao kinh nghiệm và kỹ thuật nuôi cho những người có nhu cầu nuôi le le, vịt trời, chuyển đổi cơ cấu vật nuôi phù hợp với thổ nhưỡng và khí hậu từng vùng, cùng nhau làm giàu trên chính quê hương mình.

Thăm mô hình nuôi trai lấy ngọc tại Vườn sinh thái Hoàng Hảo: 

Rời trang trại nuôi le le, vịt trời của anh Sơn, Bí thư Tỉnh ủy – Lê Quốc Phong cùng lãnh đạo huyện Tam Nông đến trải nghiệm mô hình nuôi trai nước ngọt lấy ngọc tại Vườn sinh thái Hoàng Hảo. 

Bí thư Lê Quốc Phong thăm Vườn sinh thái Hoàng Hảo. Ảnh: Trần Trọng Trung

Anh Nguyễn Văn Hảo – Chủ Vườn sinh thái cho biết: Vườn sinh thái Hoàng Hảo rộng 6.000 m2 được đầu tư hơn 3 tỷ đồng và đưa vào hoạt động hơn 8 tháng nay. Du khách đến Vườn sinh thái Hoàng Hảo được vào cổng và có người giữ xe miễn phí; du khách thoải mái tham quan hồ nuôi cá Koi và nuôi trai nước ngọt lấy ngọc rộng 1.700 m2 cho cá Koi ăn mồi thư giãn; tận mắt chiêm ngưỡng, chụp hình, check-in những tiểu cảnh, từng chậu hoa các loại đang nở rộ khoe sắc… 

Bí thư Lê Quốc Phong trải nghiệm chẻ trai lấy ngọc tại Vườn sinh thái Hoàng Hảo của anh Nguyễn Văn Hảo. Ảnh: Trần Trọng Trung

Đặc biệt, du khách có nhu cầu lấy ngọc trai, với giá 1 triệu đồng/con được Chủ Vườn sinh thái cho vớt con trai lên chẻ ra lấy viên ngọc, còn thịt trai sẽ chế biến món ăn phục vụ thực khách… Trong Vườn sinh thái còn có nhà hàng phục vụ thức ăn, nước uống các loại, du khách có nhu cầu chế biến thức ăn từ cá đã câu được để thưởng thức tại chỗ trong những tum, túp lều tre lá mát rượi của Vườn thì được các đầu bếp của Vườn sinh thái Hoàng Hảo chế biến các món ăn đặc trưng như: canh chua, cá kho, cá lóc nướng trui, gà nướng, giò heo chiên giòn… với giá phải chăng. 

Từ lúc khai trương đưa vào hoạt động ngày 11/1/2023 đến nay, trung bình mỗi ngày đêm Vườn sinh thái Hoàng Hảo tiếp đón từ 200 đến 250 du khách đến tham quan, trải nghiệm. Nhiều du khách đến Vườn sinh thái Hoàng Hảo đều thích thú và hài lòng. Và rất vui mừng vì Vườn sinh thái Hoàng Hảo vừa được UBND tỉnh Đồng Tháp phê duyệt là điểm du lịch sinh thái cộng đồng. 

Đoàn thăm quan hồ cá Koi của anh Hảo. Ảnh: Trần Trọng Trung

Anh Nguyễn Văn Hảo – chủ Vườn sinh thái không ngần ngại bày tỏ: “Sắp tới, Vườn sinh thái Hoàng Hảo sẽ phát triển mấy khu vui chơi cho các em, mở rộng thêm những trò chơi dân gian và những trò chơi truyền thống của mình. Cuối tuần, mình sẽ làm không gian để vui chơi giải trí đờn ca tài tử và hát với nhau. Đặc biệt là trưng bày, giới thiệu và cho du khách tham quan, mô hình nuôi trai nước ngọt lấy ngọc và tự trải nghiệm vớt con trai lên chẻ ra lấy viên ngọc, còn thịt trai sẽ được chủ Vườn chế biến món ăn phục vụ thực khách. Tiêu chí của mình là cố gắng để làm vừa lòng khách đến, vui lòng khách đi khi mà đã đến Vườn sinh thái Hoàng Hảo”.

Qua tham quan, trải nghiệm thực tế tại hai mô hình, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp – Lê Quốc Phong đã bày tỏ niềm vui và đánh giá cao ý tưởng khởi nghiệp độc đáo và tính sáng tạo, cách làm mới của anh thanh niên Trần Văn Sơn và Nguyễn Văn Hảo. Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu chính quyền địa phương và hai anh Sơn, Hảo xem xét, theo dõi và đánh giá hiệu quả sát thực để có giải pháp nhân rộng khi mô hình đạt hiệu quả cao.

Trần Trọng Trung

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!