Giai đoạn tới, tỉnh Đồng Tháp đang nỗ lực để hoàn thiện chuỗi sản xuất giống cá tra 3 cấp chất lượng cao tại địa phương với hoạt động ổn định, bền vững.
Toàn tỉnh Đồng Tháp hiện có 118 cơ sở sản xuất cá giống, 1.455 cơ sở ương; ước sản lượng sản xuất hơn 1,8 tỷ cá tra giống, tăng 50 triệu con so cùng kỳ năm 2018. Đồng thời, cũng sản xuất được 25 tỷ cá tra bột, tăng 5 tỷ con so năm 2018. Riêng huyện Hồng Ngự được xem là nơi nhân giống cá tra số 1 khu vực ĐBSCL; hàng năm, cung cấp trên 15 tỷ cá bột và hơn 700 triệu cá tra giống phục vụ cho các doanh nghiệp và hộ nuôi trong và ngoài tỉnh. Để có nguồn cá bố mẹ chất lượng cao, năm 2019, tỉnh Đồng Tháp có 9 cơ sở sản xuất giống cá tra đã nhận hơn 6.700 con cá tra hậu bị cải thiện di truyền từ Viện Nghiên cứu NTTS II. Đến thời điểm hiện tại số lượng cá bố mẹ do Viện cung cấp còn 40.000 con.
Mặc dù việc sản xuất cá tra giống trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp đã có những triển vọng tích cực, tuy nhiên bên cạnh đó vẫn còn nhiều thách thức. Một số cơ sở xuất giống vì lợi nhuận nên chưa quan tâm đến chất lượng con giống như sử dụng đàn cá bố mẹ kém chất lượng để cho sinh sản nhiều lần trong năm, vì thế cá giống có chất lượng thấp. Điều này dẫn đến tỷ lệ hao hụt cao trong quá trình ương cũng như nuôi thương phẩm làm ảnh hưởng hiệu quả sản xuất. Những hộ nuôi nhỏ lẻ chạy theo giá cả thị trường nên chưa kiểm tra được chất lượng giống, điều kiện sản xuất, cũng như chưa thực hiện công bố tiêu chuẩn áp dụng đối với giống thủy sản.
Nguồn cá tra giống chất lượng sẽ giúp tăng hiệu quả nuôi trồng – Ảnh: ST
Năm 2020, tỉnh Đồng Tháp phấn đấu sản xuất 27 tỷ con cá tra bột, 4,5 tỷ con cá hương và 1,9 tỷ con cá tra giống. Để đạt được mục tiêu và hướng tới phát triển bền vững, tỉnh đang hướng đến chuỗi sản xuất giống cá tra 3 cấp chất lượng cao ổn định để đáp ứng đủ nhu cầu con giống chất lượng cao tại địa phương và các tỉnh vùng ĐSBCL. Theo đó, con giống sẽ có thương hiệu, truy xuất được nguồn gốc.
Ông Dương Nghĩa Quốc, Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam cho biết, ở ĐBSCL có 2 tỉnh là Đồng Tháp và An Giang được Bộ NN&PTNT chọn quy hoạch sản xuất giống cá tra 3 cấp. Riêng Đồng Tháp thực hiện cấp 2 và cấp 3. Cấp 2 là tham gia giữa các doanh nghiệp và cơ sở sinh sản giống cá tra có năng lực. Cấp 3 là gồm các đơn vị nhận cá tra bột từ đơn vị cấp 2 ương dưỡng lên cá hương và lên cá giống nhằm cung cấp cho các doanh nghiệp và trang trại trong chuỗi liên kết theo kế hoạch đặt hàng.
Trước đây người dân tự sản xuất không kiểm soát được, thậm chí vùng không quy hoạch, nhưng nhiều hộ dân vẫn sản xuất cá tra giống; từ đó, phải sắp xếp lại sản xuất giống cá tra 3 cấp để ổn định vùng nuôi và phát triển bền vững, ông Quốc cho biết thêm.
Thảo Nguyên