(TSVN) – Chiều ngày 14/9/2023, tại Vườn Quốc gia Tràm Chim, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Đồng Tháp đã tổ chức hội thảo khoa học bảo tồn đa dạng sinh học và hướng dẫn sử dụng phần mềm giới thiệu Vườn Quốc gia Tràm Chim (QGTC). Tiến sĩ Lâm Hoài Bảo – Đại diện Trường Đại học Cần Thơ và đại diện Sở Tài Nguyên và Môi trường tỉnh, Trung tâm xúc tiến thương mại, du lịch và đầu tư tỉnh Đồng Tháp, Vườn QGTC đã tới tham dự.
Tại hội thảo, tiến sĩ Dương Văn Ni – Chủ nhiệm Đề tài đã trình bày tính cấp thiết của đề tài bảo tồn đa dạng sinh học Vườn QGTC thích ứng với biến đổi khí hậu. Đây là mô hình thu nhỏ của Đồng Tháp Mười xưa, trạm dừng chân quan trọng của loài sếu.
Hội thảo Khoa học Bảo tồn đa dạng sinh học được tổ chức chiều ngày 14/9/2023
Mục tiêu cụ thể của đề tài là đánh giá hiện trạng đa dạng sinh học của Vườn QGTC, dự báo tác động của biến đổi khí hậu đến đa dạng sinh học ở khu vực này, đề xuất giải pháp thích ứng để bảo tồn đa dạng sinh học tại Vườn QGTC và xây dựng được cơ sở dữ liệu tổng hợp về đa dạng sinh học của Vườn QGTC.
Đề tài bảo tồn đa dạng sinh học Vườn QGTC được đánh giá cao
Đề tài còn đánh giá lại sức chứa, dòng chảy và khả năng giữ nước, đo đạc lại mặt đất và nâng cấp hạ tầng; quản lý thủy văn; phục hồi đa dạng sinh học các khu từ A1 đến A5 và đề xuất quy trình thử nghiệm phục hồi đàn sếu đầu đỏ; giải pháp nâng cao năng lực quản lý, tăng cường thực thi pháp luật về quản lý bảo vệ rừng, tuyên truyền giáo dục nâng cao ý thức bảo vệ rừng, nâng cao đời sống cho người dân địa phương, xây dựng chương trình điều tra giám sát và bảo vệ sinh cảnh cho sếu. Qua đó kiến nghị thường xuyên thực hiện công tác quan trắc diễn biến chất lượng đất, nước và đa dạng sinh học, tăng cường hoạt động điều tra, phát hiện thường xuyên và lập bản đồ phân bổ để kiểm soát và xử lý kịp thời các vùng mới bị loài ngoại lai xâm nhiễm, tích cực tuyên truyền nâng cao nhận thức của cộng đồng, xử lý nghiêm và có biện pháp ngăn ngừa hoạt động săn bắt trái phép, nâng cao năng lực của cán bộ quản lý, đầu tư trang thiết bị công nghệ cao, quản lý chế độ thủy văn phù hợp, ưu tiên cho công tác bảo tồn.
Tại Hội thảo, các đại biểu được hướng dẫn sử dụng phần mềm giới thiệu Vườn QGTC
Các đại biểu đã ghi nhận, đánh giá cao hiệu quả thiết thực và tính công phu của Đề tài, đã xác định được 349 loài phiêu sinh vật; 181 loài tảo bám; 139 thực vật bậc cao; 102 loài và nhóm loài phiêu sinh động vật; 44 loài động vật đất; 67 loài cá; 40 loài lưỡng cư bò sát; 104 loài chim; 12 loài thú; 110 loài thực vật ngoại lai và 9 loài động vật ngoại lai.
Tại Hội thảo, các đại biểu còn được hướng dẫn sử dụng phần mềm giới thiệu Vườn QGTC.
Trần Trọng Trung
(Bài và ảnh)