Đồng Tháp: Khảo sát thực tế vùng nuôi trồng thủy sản huyện Hồng Ngự

Chưa có đánh giá về bài viết

Đoàn giám sát Ban Kinh tế – Ngân sách HĐND tỉnh Đồng Tháp vừa khảo sát thực tế các vùng nuôi trồng thủy sản tại huyện Hồng Ngự.

Đoàn đã khảo sát thực tế tại vùng nuôi cá tra giống ở các cơ sở sản xuất cá tra giống nhân tạo tại xã Phú Thuận B. Hiện toàn huyện Hồng Ngự có 310ha ương nuôi cá tra giống tập trung chủ yếu ở 3 xã cù lao Long Phú Thuận với 75 cơ sở sản xuất cá tra giống nhân tạo, đáp ứng cho thị trường trên 15 tỷ con cá tra bột và hơn 800 triệu con cá giống các loại.

Khảo sát thực tế vùng nuôi cá tra giống tại huyện Hồng Ngự

Theo báo cáo của UBND huyện Hồng Ngự, hiện nay thị trường tiêu thụ và giá cả thủy sản, đặc biệt là cá tra không ổn định, trong khi giá thức ăn liên tục tăng, giá cá tra thương phẩm và cá tra giống tiếp tục giảm mạnh; gây ảnh hưởng lớn đến sản lượng xuất bán của cá tra giống; lượng đàn cá bố mẹ hiện đang bị thoái hóa ảnh hưởng đến chất lượng cá tra giống. Gần đây, do thua lỗ liên tục, hơn 30% diện tích ương nuôi cá tra giống trên địa bàn đã chuyển sang sản xuất, ương nuôi các loại cá khác…

Tại buổi làm việc, lãnh đạo UBND huyện kiến nghị tỉnh cần có các chính sách ưu đãi, hỗ trợ vốn vay, tìm đầu ra cho sản phẩm; hỗ trợ và cung cấp đàn cá cải thiện di truyền từ Viện nghiên cứu nuôi trồng thủy sản II để thay thế cải tạo đàn cá bố mẹ đang bị thoái hóa.

Đoàn giám sát tiếp thu các ý kiến kiến nghị của UBND huyện Hồng Ngự, đồng thời đề nghị huyện tiếp tục rà soát, điều chỉnh quy hoạch vùng nuôi phù hợp với tình hình thực tế, phát huy hơn nữa thương hiệu cá tra giống Hồng Ngự; đẩy mạnh phát triển mô hình kinh tế tập thể, quan tâm củng cố hoạt động Hiệp hội thủy sản huyện để hỗ trợ các cơ sở sản xuất cá tra giống.

Tân Hợp

Báo Đồng Tháp

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!