Đồng Tháp: Khi Đoàn Thanh niên… nuôi cá lóc

Chưa có đánh giá về bài viết

Thực hiện chuyển đổi phương thức chăn nuôi thủy sản phát huy tiềm năng lợi thế và sức cạnh tranh, nhiều năm qua, nông dân xã Phú Thuận B, huyện Hồng Ngự (Đồng Tháp) đã phát triển nghề nuôi cá lóc thương phẩm. Tổ hợp tác chăn nuôi cá lóc của xã Đoàn Phú Thuận B đã thu hút nhiều đoàn viên, thanh niên tham gia. Ðây là một hoạt động sản xuất đúng hướng và mang tính bền vững.

Đầu năm 2014, Tổ hợp tác nuôi cá lóc được thành lập, ban đầu chỉ có một vài thành viên chủ yếu học hỏi, trao đổi kinh nghiệm, kỹ thuật trong nuôi cá lóc thương phẩm. Lâu dần thấy được hiệu quả từ Tổ hợp tác nên các thanh niên khác cũng tiến hành gia nhập và đến nay đã có hơn 12 thành viên với diện tích hơn 5 ha. Anh Phan Văn Long – Tổ trưởng Tổ hợp tác chăn nuôi cá lóc cho biết “Tuy theo diện tích lớn nhỏ mà các thành viên sẽ đầu tư nuôi hợp lý, sau khi thả con giống, chăm sóc sau 6 tháng có thể thu hoạch, bán ra thị trường với giá từ 35.000 đồng trở lên thì người nuôi sẽ có lãi. Nếu trung bình mỗi ao có diện tích từ 400 m2 thì mỗi năm cho lợi nhuận từ 100 triệu đồng/ao/năm”.

Sau khi tham gia Tổ hợp tác, anh Nguyễn Thanh Phong, ngụ ấp Phú Lợi B, xã Phú Thuận B đã học hỏi kinh nghiệm, kỹ thuật và nuôi đạt hiệu quả cao. Anh Phong chia sẻ: “Gia đình tôi đang nuôi cá lóc đầu nhím thương phẩm, loài cá này có khả năng chịu đựng tốt với điều kiện môi trường. Tham gia vào Tổ hợp tác, tôi học hỏi thêm kinh nghiệm, có điều kiện ổn định đầu ra và chăn nuôi đạt hiệu quả hơn. Mỗi năm gia đình có thu nhập thêm từ 50 – 100 triệu đồng/ao nuôi cá lóc giúp ổn định cuộc sống.”

Tổ hợp tác thu hoạch cá lóc thương phẩm

Hiện toàn xã Phú Thuận B có tổng diện tích thả nuôi cá lóc hơn 120 ha. Trong đó, có cả ương nuôi cá lóc giống và nuôi cá lóc thương phẩm với hơn 500 hộ nuôi. Cá lóc chủ yếu cho ăn bằng thức ăn công nghiệp nên phát triển nhanh và giảm chi phí, tăng sức cạnh tranh. Tuy nhiên, việc khó khăn nhất là quá trình tiêu thụ sản phẩm. Hiện Tổ hợp tác chưa thể ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm đối với các công ty, chủ yếu bán cho các thương lái trong tỉnh và khu vực lân cận để xuất đi Campuchia. Mặc khác, tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp làm tỷ lệ hao hụt cao vào những thời điểm giao mùa cũng là khó khăn cho các nông dân chăn nuôi cá lóc nói chung.

Anh Nguyễn Hồng Ngọc, ấp Phú Lợi B, xã Phú Thuận B cho biết: Hiện, gia đình nuôi 4 ao với diện tích từ 300 – 800 m2, nếu giá cá lóc ổn định và tỷ lệ hao hụt ít thì mỗi năm có thể lãi từ 200 triệu đồng. Chỉ có điều các thành viên mới trong Tổ hợp tác còn thiếu kinh nghiệm trong phòng và điều trị bệnh trên cá lóc nên đạt hiệu quả chưa mong muốn và đầu ra chưa ổn định.

Chỉ tính riêng Tổ hợp tác nuôi cá lóc thương phẩm của Đoàn Thanh niên xã Phú Thuận B đã có thể cung ứng ra thị trường từ 200 – 300 tấn cá lóc thương phẩm/năm; mỗi năm có thể thả nuôi 2 vụ, sau khi trừ các khoảng chi phí mỗi thành viên trong Tổ hợp tác thu lợi nhuận hàng trăm triệu đồng.

Anh Dương Hoàng Phong – Phó Bí thư Huyện đoàn Hồng Ngự cho biết: “Trong thời gian tới, Huyện đoàn sẽ hỗ trợ tích cực giúp Tổ hợp tác nuôi cá lóc thành Tổ kinh tế hợp tác của thanh niên, mở rộng số lượng thành viên tham gia và diện tích nuôi, tiến hành thiết lập quan hệ với các công ty thu mua cá lóc. Phối hợp với Trạm Thủy sản huyện mở các lớp tập huấn phòng và điều trị bệnh trên cá lóc, cũng như tranh thủ sự hỗ trợ vốn vay ưu đãi từ ngân hàng chính sách huyện giúp các thanh niên phát triển mô hình hiệu quả này”.

Chí Trung

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!