T2, 06/07/2020 11:01

Đồng Tháp: Khởi động làng nghề đan lọp cua

Chưa có đánh giá về bài viết

Tại xã biên giới Bình Thạnh, thị xã Hồng Ngự có gần 100 hộ dân duy trì nghề đan lọp cua đồng trong suốt 10 năm qua. Làng nghề đã giúp người dân có thêm thu nhập, góp phần giải quyết bài toán lao động, việc làm ở địa phương.

Đến thăm gia đình ông Nguyễn Văn Phước, xã Bình Thạnh – TX.Hồng Ngự, khi mọi người đang tất bật với công việc đan lọp cua. Ông Phước chia sẻ, để chuẩn bị cho mùa lọp, từ sau Tết Nguyên đán ông phải gấp rút với rất nhiều công đoạn, từ việc lựa chọn tre nguyên liệu cho đến phân loại và tiến hành các công đoạn đan lọp. Bình quân mỗi ngày gia đình ông làm ra được 8-10 cái lọp cua, với giá bán từ 25.000 – 27.000 đồng/cái, trừ đi chi phí nguyên liệu, lợi nhuận từ 15.000 đồng – 17.000 đồng/cái. Tính ra hết mùa lọp cua, ông cũng kiếm thêm cho gia đình từ 3 đến 5 triệu đồng. Ông Phước nói: “Hầu hết các thương lái đến đặt hàng từ khá sớm, với số lượng hàng ngàn cái/năm. Cũng từ nghề đan lọp cua này mà nhiều gia đình đã tích lũy vươn lên thoát nghèo”.

 

Ông Nguyễn Văn Phước đang hoàn thiện chiếc lọp cua

Để làm được 1 cái lọp cua, người đan phải thực hiện nhiều công đoạn như: chẻ nan, làm vành, làm bững, hom… do đó đã thu hút rất đông lực lượng lao động nhàn rỗi tại địa phương, không phân biệt lứa tuổi, giới tính. Trung bình mỗi người kiếm thêm được từ 30 đến 50 ngàn đồng/ngày từ việc đan lọp cua. Chị Bùi Thị Thúy (xã Bình Thạnh – TX.Hồng Ngự), gắn bó với làng nghề này nhiều năm qua chia sẻ: “Ban đầu làm lọp của “khó ăn” lắm, lọp đan ra nhốt vốn mà lại không có thị trường, dần dần nhờ người quen giới thiệu, cộng thêm chất lượng lọp luôn giữ vững nên ngày càng có nhiều khách hàng đến đặt”. Ngoài việc làm lọp cua bán, khoảng tháng 8 âm lịch hàng năm, chị còn đi đặt lọp cua ở Tháp Mười, Tam Nông, Tân Hồng… để kiếm thêm thu nhập.

Toàn xã Bình Thạnh có gần 100 hộ dân đang sống bằng nghề đan lọp cua và đặt lọp cua đồng khi mùa nước lên, tập trung nhiều nhất là ấp Bình Thành B. Thời gian qua, chính quyền địa phương đã tạo điều kiện thuận lợi cho một số hộ đan lọp cua được vay vốn từ các chương trình của Ngân hàng Chính sách Xã hội thị xã, phối hợp với Phòng Kinh tế thị xã khảo sát cơ sở vật chất, từng bước hình thành làng nghề đan lọp cua cũng như đầu tư trang thiết bị để nâng cao chất lượng sản phẩm. Bà Trần Thu Quyền – Phó Chủ tịch UBND xã Bình Thạnh – TX.Hồng Ngự cho biết, từ khi có Tổ đan lọp cua, tình hình kinh tế của nhiều gia đình phát triển đáng kể, góp phần xóa được 15 hộ nghèo, qua các năm; đã có 48/78 hộ đan lọp cua được vay các chương trình chính sách xã hội, 30 hộ còn lại Hội Nông dân tỉnh đã có kế hoạch hỗ trợ vốn cho mỗi một hộ từ 10 đến 15 triệu đồng để phát triển nghề này…

Thảo Vy

Báo Đồng Tháp

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!