Khi con nước về tràn trên các cánh đồng mang theo nguồn thủy sản phong phú thì các làng nghề đan lưới, lọp trên địa bàn huyện Lai Vung, Lấp Vò lại hối hả bắt tay vào sản xuất ngư cụ phục vụ nhu cầu thị trường.
Nghề đan lọp mang lại thu nhập khá cho người dân
Thay vì sản xuất cầm chừng, năm nay nước lũ về nhiều, nhu cầu đánh bắt thủy sản tăng mạnh nên làng nghề sản xuất ngư cụ nhộn nhịp hẳn lên. Đến với làng nghề những ngày này, ai nấy cũng đều tất bật để hoàn thiện đủ số lượng các đơn đặt hàng.
Đang chuẩn bị hoàn tất số lượng lọp giao cho khách, bà Trần Thị Mỹ ngụ ấp Long Bình, xã Hòa Long, huyện Lai Vung cho biết: “Mấy bữa đầu mùa, nước chưa về, phần lớn bà con tại làng nghề chỉ sản xuất cầm chừng. Tuy nhiên, khoảng 2 tuần trở lại đây, khi nước từ thượng nguồn đổ về nhiều mang theo lượng thủy sản lớn nên mặt hàng lọp bán chạy hơn rất nhiều. Vì vậy, tôi phải tranh thủ thực hiện để kịp giao hàng cho thương lái với khoảng 300 – 400 cái lọp/ngày. So với năm trước, hiện sức mua lọp đang tăng khoảng 30%”.
Theo nhiều người dân sản xuất lọp tép, mặc dù nhu cầu sử dụng ngư cụ tăng nhưng giá lọp vẫn giữ mức bình ổn so với năm trước, dao động từ 12.000 – 15.000 đồng/cái (tùy sản phẩm). Bà Thái Thị Tám ngụ ấp Long Hội, xã Hòa Long chia sẻ: “Nghe thông tin trên báo, đài, nước về nhiều, tôi tranh thủ đi mua các nguyên liệu cần thiết để sản xuất lọp. Do nhu cầu từ các thương lái tăng nên gia đình tôi phải sản xuất luôn cả ban đêm. Đến nay, tôi đã bán được 2 đợt lọp cho thương lái với số lượng khoảng 6.000 cái. Vì làm công nhà, sau khi trừ hết chi phí, tôi còn lãi khoảng 3 – 3,5 triệu đồng/1.000 cái”.
Cũng là nghề “ăn nên làm ra” nhờ vào con nước, những ngày này, các cơ sở sản xuất lưới dọc trên tuyến đường Quốc lộ 80 trải dài qua 2 huyện Lai Vung, Lấp Vò nhộn nhịp hẳn lên. Đang kéo chỉ bắt phao cho tay lưới, bà Đặng Thị Mơ ở ấp Long Thành A, xã Long Hậu, huyện Lai Vung cho biết: “Nghề làm lưới hoạt động quanh năm nhưng tập trung nhiều vào tháng 3 đến 11 âm lịch. Năm nay, nhờ con nước về nhiều, thị trường tiêu thụ sản phẩm lưới cũng gia tăng. Hiện, cơ sở của gia đình tôi sản xuất khoảng 20 loại lưới đánh bắt cá, tôm, mỗi ngày cơ sở cung ứng ra thị trường vài trăm tay lưới các loại”.
Các cơ sở đan lưới tất bật chuẩn bị hàng để phục vụ nhu cầu đánh bắt
Qua tìm hiểu, giá các mặt hàng lưới, ngư cụ đánh bắt năm nay không thay đổi nhiều so với năm trước. Tùy vào chất lượng lưới mà người tiêu dùng có thể chọn loại sản phẩm phù hợp với nhu cầu đánh bắt. Cụ thể, giá mặt hàng lưới mùng khoảng 70.000 đồng/kg; lưới cao cấp 80.000 – 100.000 đồng/kg; lưới 1 màng 70.000 – 150.000 đồng/tay; lưới 3 màng 95.000 – 300.000 đồng/tay; lưới Thái 300.000 đồng/tay; lú 80.000 – 270.000 đồng/sản phẩm…
Việc sản xuất ngư cụ đánh bắt cá không chỉ giúp các chủ cơ sở “ăn nên làm ra” mà còn giúp lao động tại địa phương có thêm thu nhập. Hiện tại, để làm kịp các đơn đặt hàng, nhiều cơ sở phải thuê nhân công làm việc với giá dao động từ 150.000 – 300.000 đồng/ngày.
Khánh Phan
Theo Báo Đồng Tháp