Đan lọp tép là một nghề truyền thống ở xã Hòa Long, huyện Lai Vung. Theo thống kê của cán bộ văn hóa, xã hiện xã có 650 hộ làm lọp, tập trung nhiều ở 3 ấp Long Bình, Long Phú và Long Hội. Năm nay lũ ít nên những người làm lọp tép kém vui.
Lọp tép bán chạy nhất vào khoảng tháng 7, 8 âm lịch hàng năm. Do năm nay nước ít, nguồn thu từ lọp tép rất bấp bênh, không cao so với năm 2011. Hộ nào làm nhiều, lâu năm, có nhiều mối, số lượng lọp tiêu thụ có phần ổn định hơn, những hộ làm nhỏ lẻ thì tiêu thụ lọp hơi chậm. Anh Trần Quốc Việt, ngụ ấp Long Bình, xã Hòa Long cho biết: “Mấy năm trước tôi làm lọp ra bao nhiêu, bán hết bấy nhiêu, đôi khi không đủ bán. Nhưng năm nay, nước ít, tép không về nhiều, sắp qua mùa nước mà có 800 cái vẫn bán chưa hết…”. Đối với hộ làm lọp số lượng nhiều như hộ ông Trần Ngọc Ẩn, ngụ ấp Long Hội, xã Hòa Long, so với năm trước lọp bán ít hơn nhiều.
Người dân ấp Long Hội làm lọp
Không chỉ số lượng lọp bán giảm mà giá lọp cũng giảm. Thời điểm hiện tại mỗi cái lọp bán được 12 ngàn đồng giảm 4.000 đồng so với năm 2011. Trong khi đó, giá nguyên liệu làm lọp lại tăng. Năm rồi 1 chục trúc giá 30 ngàn đồng làm được 100 cái lọp, hiện nay giá trúc tăng 60 ngàn/chục, cộng thêm dây đồng tăng 70 ngàn/kg. Một cái lọp làm ra, trừ chi phí, người làm lọp còn lời 6 ngàn đồng/cái. Chi phí tăng cao nhưng sản phẩm làm ra bán giá thấp lại giảm số lượng nên người làm lọp hết sức khó khăn.
Ông Ẩn cho biết thêm: “Nghề này làm không ổn định, giá cả bấp bênh, nhưng do đây là nghề truyền thống giải quyết được lượng lao động nhàn rỗi ở nông thôn như phụ nữ và người trung niên nên bà con cũng như gia đình tôi lấy công làm lời kiếm thêm thu nhập cho gia đình. Cả nhà tôi 4 người thu nhập 30 ngàn đồng/người. Tôi hy vọng sắp tới nhà nước có chương trình hỗ trợ vốn, nơi tiêu thụ sản phẩm để người dân yên tâm sống với nghề.”
Nghề làm lọp tép trúng thất, phụ thuộc vào lũ: lũ nhiều tép nhiều, lọp bán đắt; lũ nhỏ như năm nay, nghề làm lọp xem như thất mùa. Và, những người làm lọp tép lại hy vọng vào mùa lũ tới.