Ở Đồng Tháp, nước lũ lên nhanh trong những ngày cuối tháng 9, đã làm cho nhiều ao cá nuôi bị ngập cá đi ra ngoài. Nhiều ruộng hoa màu cũng bị nước nhấn chìm.
Khi lũ chưa về, nhiều người chủ quan cho rằng lũ năm nay cũng hiền như những năm trước, nên không chủ động bảo vệ ao nuôi cá, hoa màu, vườn cây,… nên khi lũ lên nhanh liên tục xử lý không kịp. Vợ chồng anh Hồ Bửu Kiếm (ấp Hòa Khánh, Hòa An, TPCL, Đồng Tháp) đang be bờ bảo vệ nửa công dưa leo mới bước vào thu hoạch cho biết, hơn mười ngày qua phải trực ngày đêm, vì lũ ngày càng lên cao. Ruộng dưa này có 2 mặt xung yếu: một mặt giáp với bờ vườn phải đắp đất lên, một mặt bờ nhỏ nên không đắp đất lên cao được, phải mua vải bạt ngăn nước lũ (hai mặt còn lại giáp lộ và vườn cao).
Anh Kiếm gia cố bờ bao bảo vệ ruộng dưa leo
Anh Kiếm than: “Phải biết trước năm nay lũ lớn như thế này, thì tôi không trồng dưa vào thời điểm này. Bây giờ ăn ngủ không yên, chỉ cần sạt bờ, rách vải bạt nước tràn vào ngập liếp dưa là xem như mất hết gần 7 triệu đồng tiền vốn, chưa tính công chăm sóc”. Lo chống lũ bảo vệ ruộng dưa leo, nên cá tra, cá hường trong hầm của anh Kiếm cũng đã đi một phần vì lũ tràn, bao lưới không kịp.
Gần nhà anh Kiếm, hộ của ông Trần Ngọc Phổ bị lũ nhấn chìm khoảng 3.000 m2 dưa leo, mướp, ước thiệt hại khoảng 15 triệu đồng. Đây là hộ nghèo, nên bị thiệt hại nặng như vậy cuộc sống càng khó khăn hơn.
Anh Tuấn ở ấp Hòa Khánh, Hòa An, TPCL kiểm tra lưới bao ao cá
Anh Nguyễn Hữu Đức – Chi hội trưởng Chi hội Nông dân ấp Hòa Khánh, xã Hòa An, TPCL, cho biết, toàn ấp có khoảng 15.000 m2 mặt nước nuôi cá, do lũ lên cao nên khoảng 5.000 m2 ao cá nuôi có cá thoát ra ngoài. Có người nuôi cá sặc rằn trong ao khoảng 500 m2 bị lũ tràn, bao lưới không kịp cá ra ngoài đồng, người ta giăng lưới, đăng dớn dính khá nhiều.
Nguồn cá ngoài tự nhiên ngày càng ít, nên nhiều hộ ở nông thôn, nhất là ở các địa phương phía Nam của tỉnh làm ao nuôi cá trê, tai tượng, rô phi, cá hường,… để khi cần bắt cá lên ăn. Do nhiều năm qua lũ nhỏ, không tràn bờ, nên bước vào mùa lũ năm nay nhiều người chủ quan không be bờ, bao lưới cao bảo vệ cá. Đến khi lũ lên nhanh vào ban đêm làm ngập ao, cá nuôi thoát ra. Anh Lê Văn Phước ở ấp Hưng Lợi Đông, Long Hưng B, Lấp Vò nuôi một ao cá trê và một số cá khác. Khi thấy nước còn khoảng 20 cm mới tràn bờ, anh định hôm sau mới be bờ cao lên, nhưng trong đêm đó mưa nhiều, nước lớn lên cao làm ngập bờ và cá đi gần hết.
Nước ngập ao, cá nuôi thoát ra ngoài, nên lúc này những người giăng lưới, đăng dớn dính rất nhiều cá, nhất là cá trê phi. Lượng cá này về các chợ với giá khá mềm, góp phần làm giảm giá thịt heo, gà, vịt,…
Thành Nam
Theo Báo Đồng Tháp