Đồng Tháp: Năm 2024, giá trị sản xuất cá tra ước đạt hơn 8.800 tỷ đồng

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Đồng Tháp là địa phương có vị trí và thế mạnh để phát triển ngành hàng cá tra. Năm 2024, giá trị sản xuất ngành hàng cá tra của tỉnh Đồng Tháp ước đạt hơn 8.800 tỷ đồng, tăng 2,86% so năm 2023, chiếm trên 17% tổng giá trị sản xuất ngành nông, lâm, thủy sản của tỉnh.

Cá tra được xem là sản phẩm chủ lực của Việt Nam vùng ĐBSCL. Thời gian qua, người dân ĐBSCL đã phát triển nghề nuôi cá tra lên một tầm vóc mới với việc hình thành những trang trại, nhiều vùng nuôi chuyên nghiệp được ứng dụng khoa học, kỹ thuật.

Đồng Tháp là địa phương có diện tích nuôi cá tra lớn nhất cả nước. Hàng năm, sản lượng và kim ngạch xuất khẩu chiếm 34,8% và 40% của cả nước. Nuôi cá tra không chỉ mang lại những giá trị kinh tế cho địa phương mà còn góp phần tạo ra chuỗi ngành nghề liên quan, giải quyết công ăn việc làm cho hàng chục nghìn lao động trong tỉnh Đồng Tháp.

Tổng sản lượng cá tra thu hoạch trong năm 2024 ước đạt 1,67 triệu tấn. Ảnh: VNN

Theo Ông Nguyễn Phước Thiện – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, năm 2024, ngành hàng cá tra tình Đồng tháp cũng không nằm ngoài những khó khăn chung của cả nước, từ biến đổi khí hậu, các thách thức thị trường, cho đến việc nâng cao chất lượng sản phẩm để đáp ứng yêu cầu xuất khẩu. Tuy nhiên, bằng sự đoàn kết, nỗ lực không ngừng và những sáng kiến đổi mới từ các doanh nghiệp, người dân trên địa bàn tỉnh đã giúp đạt được những kết quả đáng khích lệ.

Báo cáo từ Sở NN&PTNT Đồng Tháp, tính đến hết tháng 10/2024, sản lượng giống cá bột của địa phương ước đạt hơn 25 tỷ con; cá giống ước đạt 3,9 tỷ con. Ước cả năm 2024, sản lượng cá bột thu hoạch đạt 30 tỷ con; cá giống đạt 4 tỷ con (bằng 116% so cùng kỳ năm 2023). Tổng diện tích thả nuôi cá tra phát sinh trong năm 2024 ước đạt 5.370 ha (bằng 95% so cùng kỳ năm 2023). Tổng sản lượng cá tra thu hoạch trong năm 2024 ước đạt 1,67 triệu tấn, bằng 99% so cùng kỳ năm 2023. Năm 2024, giá trị sản xuất ngành hàng cá tra của tỉnh Đồng Tháp ước đạt hơn 8.800 tỷ đồng, tăng 2,86% so năm 2023, chiếm trên 17% tổng giá trị sản xuất ngành nông, lâm, thủy sản của tỉnh. 

Tình hình tiêu thụ cá tra tương đối ổn định, giá bán cá tra thương phẩm (loại 0,7 – 0,8 kg/con) dao động từ 26.400 – 27.600 đồng/kg trong khi giá thành sản xuất giảm (do giá thức ăn giảm) nên người nuôi có lợi nhuận. Trên địa bàn tỉnh hiện có 902 cơ sở sản xuất, ương dưỡng giống cá tra, trong đó có 52 cơ sở sản xuất giống và 850 cơ sở ương dưỡng; ước cả năm 2024 sản xuất được 17 tỷ cá tra bột và 1,3 tỷ cá tra giống,…

Bên cạnh đó, hiện Đồng Tháp có khoảng 27 doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu cá tra đông lạnh với tổng công suất khoảng 700.000 tấn/năm. Các doanh nghiệp trong tỉnh đều áp dụng các chương trình quản lý chất lượng, đáp ứng yêu cầu của các thị trường quốc tế. Sản lượng chế biến cá tra ước đạt 465.000 tấn, tăng 2,97% so năm 2023, và kim ngạch xuất khẩu đạt 650 triệu USD, tăng 3,38% so năm 2023. Cùng đó, mô hình liên kết trong sản xuất và tiêu thụ cá tra cũng được cải thiện đáng kể, với trên 83% các hộ nuôi cá tra đã liên kết với các doanh nghiệp sản xuất thức ăn và chế biến.

Năm 2025, Đồng Tháp đề ra mục tiêu phát triển ngành hàng cá tra bền vững, hiện đại, với những bước tiến lớn về khoa học công nghệ và sản xuất sạch. Trong đó, diện tích nuôi cá tra dự kiến đạt 2.640 ha (tăng 190 ha), sản lượng 555.000 tấn và giá trị sản xuất đạt 9.046,5 tỷ đồng. Mục tiêu xuất khẩu cá tra của tỉnh cũng sẽ đạt trên 980 triệu USD.

Tỉnh đặt mục tiêu nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo 100% cơ sở nuôi cá tra được số hóa mã nhận diện, 100% cơ sở nuôi cá tra thương phẩm được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất thực phẩm an toàn, và 50% diện tích nuôi cá tra áp dụng tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt (GAP). Ngoài ra, phấn đấu nâng cao chất lượng cá giống, trên 75% cá giống phục vụ nuôi thương phẩm là giống chất lượng cao.

Duy An

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!