Có mặt tại làng đan lọp tép Hòa Long (xã Hòa Long, huyện Lai Vung) những ngày này dễ dàng chứng kiến không khí sôi nổi thi đua sản xuất trong mùa lũ sớm đang về.
Làng nghề đan lọp tép Hòa Long (Ảnh: Dân Việt)
Năm 2003, làng nghề đan lọp tép Hòa Long đã được UBND tỉnh Đồng Tháp công nhận làng nghề truyền thống. Hơn 40 năm qua, đan lọp đã trở thành nghề sản xuất của gần 300 hộ dân với khoảng 2.000 nhân công lao động, tập trung nhiều ở 3 ấp Long Bình, Long Hội và Long Phú. Mỗi năm, làng nghề cho ra thị trường khoảng 600.000 cái lọp. Nhờ đặc điểm là nghề thủ công nên sản xuất lọp tép có thể giải quyết việc làm cho nhiều lao động nhất là phụ nữ và trẻ em.
Chị Hà Thị Thoa, người đã có trên 20 năm làm nghề đan lọp nói với vẻ đầy tự hào: “Hổng biết mấy làng nghề khác ra sao, chớ làng nghề này rất phát triển mỗi ngày một phát tài, làm giao cho bạn hàng không kịp. Năm nay, người ta đặt hàng sớm cả tháng và nhiều hơn khoảng 30% so năm trước, vì vậy chúng tôi phải làm cả ban đêm”.
Làng đan lọp tép Hòa Long đã có hơn 100 năm tuổi theo phương thức cha truyền, con nối, có gia đình có đến 4 đời hành nghề và số thành viên ngày càng nhiều. Cao điểm nhất là từ tháng 7 – 11 (âm lịch) là mùa nước lũ tràn về ĐBSCL. Thị trường tiêu thụ tập trung nhiều ở các tỉnh An Giang, Đồng Tháp… Năm nay giá bán bình quân 20.000 – 22.000 đồng/chiếc, tăng 10% so năm trước tùy vào chất lượng. Nhiều người làm nghề lâu năm cho biết, muốn có những chiếc lọp chắc chắc, bền, màu sắc đẹp thì người làm phải biết chọn mua những cây trúc già, có màu vàng ngà, sau đó chẻ nhỏ, phơi 2 – 3 nắng cho khô rồi bắt đầu đan.
Tùy theo công việc, mỗi lao động có thu nhập 120.000 – 150.000 đồng/người/ngày; trẻ em có thu nhập kém hơn khoảng 20%. Hiện tại, sản phẩm lọp tép Hòa Long rất hút hàng vì mùa lũ về sớm với mức độ cao hơn các năm trước, để đáp ứng các đơn đặt hàng, các cơ sở đã tăng cường thêm lao động, chọn phương án cho người gia công mang sản phẩm về nhà, tăng giá thuê mướn…