Mô hình nuôi cá ghép trong ao, bè ở huyện Tam Nông (Đồng Tháp) đang được áp dụng hiệu quả, vừa nâng cao thu nhập cho gia đình, vừa giải quyết việc làm cho lao động nhàn rỗi.
Từ Phú Thọ…
Đầu tháng 11/2012, ông Lê Văn Dũng (ấp Long An B, xã Phú Thọ) đầu tư vốn thực hiện mô hình nuôi cá thát lát cườm ghép cá sặc rằn bằng thức ăn công nghiệp. Ông cải tạo 2.000m2 mặt nước ao cạnh nhà, lên bờ bao, vét đáy ao và vệ sinh bằng 40kg vôi bột, phơi đáy ao khoảng 1 tuần. Tiếp đó, ông bơm nước vào ao trên 1,5m, diệt các loại cá lóc, trê, ếch, rắn… để khoảng 3 ngày cho nước có màu xanh của rong, tảo. Sau đó, ông thả 8.000 con cá thát lát cườm giống và 2kg cá sặc rằn giống vào ao ương nuôi.
Lúc đầu, ông đóng các đoạn cây tràm và bạch đàn, tre… trên một khoảng mặt nước hình chữ nhật trong ao. Dùng lưới cước may với chiều cao khoảng 2m, ngang 2m, dài 10 – 15m, câu mắc vào các trụ cây như hình cái mùng lật ngửa rồi thả cá thát lát cườm và cá sặc rằn giống vào ương nuôi. 20 – 30 ngày đầu, cho cá ăn bằng thức ăn công nghiệp 40 độ đạm trải đều trên mặt nước ao. Sau hơn 1 tháng ương và chăm sóc, tháo mùng lưới cước nuôi cá đại trà trong ao và tiếp tục sử dụng thức ăn viên công nghiệp có nhiều độ đạm; tăng dần lượng thức ăn theo quá trình tăng trưởng của cá.
Nuôi cá ghép trong ao, bè đem lại hiệu quả cao – Ảnh: Lê Hoàng Vũ
Ông Dũng cho biết: “Đầu tư 1,2kg thức ăn sẽ cho ra 1kg cá thát lát cườm thương phẩm. Phòng ngừa dịch bệnh cho cá cũng được tôi thực hiện kịp thời theo đúng quy trình hướng dẫn của cán bộ thủy sản huyện. Nuôi cá sặc rằn ghép với thát lát cườm có nhiều cái lợi: cá sặc rằn ăn rong, tảo, chất thải và thức ăn thừa của cá thát lát cườm, giúp lọc nước, giữ ao nuôi sạch…”.
Mỗi ngày thay nước ao nuôi một lần, chăm sóc đàn cá thát lát cườm và cá sặc rằn chu đáo. Mỗi tháng một lần trộn bổ sung Vitamin C và khoáng chất trong thức ăn cho cá, nhằm tăng sức đề kháng và giúp cá tăng trọng nhanh. Đến cuối tháng 5/2013, ông Dũng thu hoạch được gần 2.000kg cá thát lát cườm thương phẩm, bán 65.000 đồng/kg, thu nhập trên 130 triệu đồng. Trừ chi phí đầu tư và công chăm sóc, còn lãi hơn 30 triệu đồng. Riêng đàn cá sặc rằn tiếp tục nuôi vỗ béo trong ao 1.000m2 và cho sinh sản. Cá phát triển tốt, đạt trọng lượng khoảng 10 con/kg.
… đến Phú Thành A
Tại xã Phú Thành A, ông Phan Văn Lâm (ấp Phú Điền) nuôi cá bống tượng ghép cá chình bông trong bè thành công. Với một bè 16m2, đầu năm 2011, ông Lâm thả hơn 100 con cá bống tượng giống, sau gần 1 tháng thả tiếp 50kg cá chình bông giống vào nuôi ghép. Cho cá ăn bằng các loại cá, tép… đánh bắt ngoài tự nhiên hoặc cá biển xay nhuyễn trộn với bột gòn. Ông Lâm kể: “Tôi đã nuôi hơn 20 năm nay, thấy cá chình nuôi chung cá bống hiệu quả cao. Bởi, cá bống bị bọ vắt đeo, còn cá chình thì bị bọ rùa; trong khi đó, cá chình ăn bọ vắt, còn cá bống ăn bọ rùa nên nuôi rất đạt. Đàn cá phát triển tốt. Tới mùa cá đồng, tôi cho ăn cá linh; hết mùa cá linh cho ăn cá biển, cá nục chuối. Thả vô 3 – 4 ngày mới cho ăn, bây giờ, cách một ngày cho ăn một lần, lượng mồi được 2,5 kg/ngày. Thường thường, tôi cho ăn vào đầu con nước lớn”.
Hơn ba tháng chăm sóc, ông Lâm tăng dần lượng thức ăn theo quá trình tăng trưởng của cá. Lúc này, thức ăn cho đàn cá nuôi ghép là các loại cá tạp, cá biển… được cắt khúc để lên vỉ tre thả xuống đáy. Ngoài ra, ông trộn thêm vitamin tổng hợp vào thức ăn để tăng dinh dưỡng và sức đề kháng cho đàn cá. Trung bình 8 – 10kg thức ăn sẽ cho ra 1kg cá bống tượng và 1kg cá chình bông thương phẩm. Ông Lâm thường xuyên theo dõi, chăm sóc đàn cá nuôi ghép và phòng ngừa dịch bệnh theo đúng quy trình kỹ thuật…
Đến cuối năm 2012, ông Lâm cho cất bè, thu hoạch được 32kg cá bống tượng và trên 425kg cá chình bông thương phẩm, giá bình quân 400.000 đồng/kg, thu được gần 300 triệu đồng. Trừ chi phí đầu tư và công chăm sóc, còn lãi hơn 110 triệu đồng. Hiện ông Lâm nuôi tiếp hơn 100 con cá bống tượng và 75 con cá chình bông trong bè cũ. Đàn cá nuôi ghép đang phát triển tốt. Sau hơn 6 tháng chăm sóc, cá bống tượng đạt trọng lượng bình quân 400 – 450 gram/con; cá chình bông đạt 500 gram/con.
>> Theo KS Nguyễn Sỹ Khánh, Trưởng trạm Thủy sản huyện Tam Nông: Nuôi cá ghép của ông Dũng và ông Lâm là mô hình mới của huyện. Đã chứng minh hiệu quả qua 2 – 3 năm liền. Ngành thủy sản sẽ nghiên cứu và đề xuất nhân rộng mô hình trong huyện. Cá chình và bống tượng; thát lát cườm và sặc rằn dễ nuôi, dễ chăm sóc…, có thể phát triển kinh tế hộ gia đình. |