Huyện Tam Nông sở hữu nguồn lợi thủy sản phong phú, tuy nhiên, địa phương đang đối mặt với tình trạng khai thác quá mức. Để bảo vệ nguồn tài nguyên quý giá này và nâng cao đời sống người dân, địa phương triển khai nhiều giải pháp như: nuôi trồng thủy sản theo mô hình bền vững, tăng cường quản lý và xử lý vi phạm. Nhờ đó, nguồn lợi thủy sản dần phục hồi và đời sống người dân được cải thiện.
Mô hình nuôi trữ cá mùa lũ của Hợp tác xã Sản xuất nông nghiệp sinh thái Quyết Tiến (xã Phú Thành A, huyện Tam Nông)
Năm 2024 là năm thứ 3 liên tiếp, bà con nông dân Hợp tác xã Sản xuất nông nghiệp sinh thái (HTX SXNNST) Quyết Tiến (xã Phú Thành A, huyện Tam Nông) thành công với mô hình nuôi trữ cá mùa lũ. Mô hình không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế thiết thực, giúp người dân tăng thu nhập đáng kể trong mùa nước nổi mà còn góp phần bảo vệ hệ sinh thái của khu vực. Nhiều nông dân chia sẻ rằng, nhờ mô hình này, cuộc sống của họ được cải thiện rõ rệt, góp phần bảo vệ môi trường sống.
Anh Nguyễn Minh Tuấn – Giám đốc HTX SXNNST Quyết Tiến tự hào chia sẻ: “Từ năm 2022, với sự hỗ trợ của Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên tại Việt Nam (WWF-VN) và ngành nông nghiệp địa phương, HTX tiên phong triển khai mô hình nuôi trữ cá mùa lũ. Kết quả thật bất ngờ, chỉ sau vụ mùa đầu tiên, HTX thu về lợi nhuận khoảng 60 triệu đồng.
Nhận thấy tiềm năng to lớn của mô hình, đơn vị quyết định mở rộng diện tích lên 20ha trong 2 năm tiếp theo. Sau 3 năm thực hiện liên tục, mô hình mang lại những hiệu quả vượt ngoài mong đợi, giúp bà con xã viên tăng thu nhập và góp phần phục hồi hệ sinh thái rõ rệt. Theo đó, mật độ cá trên đồng ngày càng tăng, thậm chí một số loài cá quý hiếm bắt đầu xuất hiện trở lại. Đây là tín hiệu vô cùng tích cực, cho thấy nguồn lợi thủy sản của địa phương đang dần phục hồi”.
Theo Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Tam Nông, năm 2024, mô hình nuôi trữ cá mùa lũ tại Tam Nông có bước tiến đáng kể với diện tích thực hiện lên đến 500ha. Đây là con số kỷ lục từ trước đến nay, cho thấy sự quan tâm và hưởng ứng tích cực của người dân. Mô hình không chỉ giúp tăng thu nhập đáng kể mà còn góp phần bảo vệ và phục hồi hệ sinh thái thủy sản của địa phương.
Ông Hồ Quốc An – Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Tam Nông, cho biết: “Với diện tích sản xuất lúa 2 vụ lên đến 18.000ha, địa phương còn rất nhiều tiềm năng để mở rộng mô hình nuôi trữ cá mùa lũ. Hiện, mô hình nuôi trữ cá mùa lũ vừa giúp người dân tăng thu nhập vừa đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Nhờ mô hình này, người dân hạn chế việc khai thác thủy sản trái phép, góp phần bảo vệ hệ sinh thái tự nhiên”.
Song song với triển khai nhân rộng mô hình nuôi trữ cá mùa lũ, thời gian qua, ngành nông nghiệp huyện Tam Nông còn phối hợp với các đơn vị ở địa phương thực hiện tích cực công tác tuyên truyền, vận động người dân nâng cao ý thức bảo vệ nguồn lợi thủy sản, tuân thủ các quy định của pháp luật. Nhờ những nỗ lực này, tình hình khai thác thủy sản trái phép trên địa bàn đã giảm đáng kể trong thời gian gần đây.
Bên cạnh đó, huyện còn tăng cường tuần tra, kiểm soát và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật như: sử dụng xung điện, lưới cấm. Đồng thời phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng ngăn chặn tình trạng buôn bán trái phép thủy sản. Nhờ đó, tình hình khai thác thủy sản được cải thiện đáng kể, góp phần bảo vệ hệ sinh thái và nâng cao hiệu quả kinh tế.
Đặc biệt nhằm hỗ trợ người dân, nhất là những hộ sống bằng nghề đánh bắt thủy sản, chuyển đổi nghề nghiệp và nâng cao đời sống, vừa qua, huyện Tam Nông đã triển khai Dự án đa dạng hóa sinh kế. Theo đó, có gần 137 hộ nghèo, cận nghèo và mới thoát nghèo tại 4 xã: An Long, Phú Ninh, Phú Thọ, Phú Thành A và thị trấn Tràm Chim được tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi trên 2,8 tỷ đồng. Thông qua dự án này, người dân có điều kiện chuyển đổi sinh kế, từ đó nâng cao thu nhập và ổn định cuộc sống.
Những kết quả đạt được trong việc bảo vệ nguồn lợi thủy sản của huyện Tam Nông chính là việc chung tay, đồng lòng của chính quyền địa phương và người dân trong công tác thực hiện. Tuy nhiên, để đạt được những thành công bền vững cần có sự đầu tư mạnh mẽ hơn vào khoa học công nghệ, nâng cao năng lực quản lý và tăng cường sự tham gia của cộng đồng…
Mỹ Lý
Nguồn: Báo Đồng Tháp