Đồng Tháp: Xây dựng và phát triển nhãn hiệu cá tra giống Hồng Ngự

Chưa có đánh giá về bài viết

Phát huy những tiềm năng lợi thế của huyện đầu nguồn, Hồng Ngự đã đẩy mạnh phát triển nghề nuôi cá tra giống và trở thành một trong những địa chỉ cung cấp cá giống hàng đầu của tỉnh, khu vực đồng bằng sông Cửu Long.

Ông Bùi Thanh Chúng kiểm tra trứng cá đang ấp

Đầu năm 2012, sản phẩm cá tra giống Hồng Ngự được Cục Sở hữu trí tuệ – Bộ Khoa học và Công nghệ cấp văn bằng bảo hộ nhãn hiệu tập thể. Đây được xem là cột mốc quan trọng để các cơ sở và hộ sản xuất đẩy mạnh và phát triển nghề nuôi cá tra giống.

Toàn huyện hiện có hơn 70 cơ sở ương nuôi cá bột và hơn 800 hộ nuôi cá tra giống. Trong đó, có trên 250 cơ sở và hộ sản xuất cá giống đã gia nhập Hiệp hội thủy sản của huyện. Đây là nền tảng quan trọng để huyện tiếp tục phát huy, từng bước đồng bộ và nâng cao chất lượng sản phẩm cá tra giống.

Vừa qua, để chuẩn hóa qui trình sản xuất ngay từ đầu vào, ngành nông nghiệp địa phương đã tranh thủ sự hỗ trợ của các cơ quan chuyên môn để cải tiến chất lượng cá bố mẹ. Đến nay, gần 50% các cơ sở sản xuất cá bột đã có được con giống tốt.

Trước kia, do người nuôi cá giống nơi đây chưa chủ động được nguồn cá bột nên sản lượng cá giống cung cấp cho thị trường thường xuyên bị động. Với sự hỗ trợ của các nhà khoa học, người nuôi cá giống huyện Hồng Ngự đã có thể chuyển từ thế bị động sang chủ động cho cá đẻ theo ý muốn.

Từ năm 2000 đến nay, nhiều cơ sở đẩy mạnh phát triển việc cho cá đẻ chủ động. Đây chính là một bước tiến dài của nghề nuôi cá tra giống ở huyện Hồng Ngự. Hiện tại, nhiều cơ sở sản xuất cá bột đã có thể cho cá đẻ nghịch mùa, nên việc đáp ứng nhu cầu của người nuôi cá cũng ngày càng tốt hơn.

Theo ông Bùi Thanh Chúng – chủ cơ sở sản xuất cá tra giống Duy Thanh, xã Phú Thuận B, các cơ sở làm chủ được công nghệ cho cá sinh sản là bước đi quan trọng, nay được ngành chức năng cấp văn bằng bảo hộ nhãn hiệu tập thể, đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong hoạt động sản xuất của các cơ sở và hộ dân nơi đây.

Bởi lẽ, khi còn là sản phẩm trôi nổi, mỗi cơ sở tự làm theo cách của mình, chất lượng sản phẩm giữa các cơ sở không giống nhau nên khó tạo được lòng tin cho người chăn nuôi. Hiện tại, khi đã được cấp văn bằng bảo hộ nhãn hiệu tập thể, ngành chức năng cần phải xây dựng quy trình sản xuất và quảng bá thương hiệu.

Ông Nguyễn Thành Phong (Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện Hồng Ngự) cho hay, để hướng đến việc xây dựng nhãn hiệu cho con cá tra giống, thời gian qua, huyện đã không ngừng đẩy mạnh công tác tổ chức nhằm từng bước phát huy có hiệu quả những giá trị mang lại từ hoạt động sở hữu trí tuệ này.

Cụ thể như hỗ trợ việc chọn lọc cá tra bố mẹ cho các cơ sở, tập hợp hàng trăm cơ sở và hộ nuôi vào tổ chức để quản lý và hỗ trợ kỹ thuật, nhằm từng bước đồng bộ và nâng cao chất lượng sản phẩm… Hướng tới, huyện sẽ tổ chức hội thảo, mời các ngành chức năng đưa ra hướng sử dụng logo cho nhãn hiệu tập thể cá tra giống Hồng Ngự, đồng thời xây dựng quy trình sản xuất và xây dựng hệ thống nhận diện thương hiệu cho sản phẩm.

MT

Báo Đồng Tháp

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!