Đột phá giải pháp, tăng tốc thành công

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Trải qua một năm nhiều khó khăn, thách thức, nhưng ngành thủy sản nước ta vẫn thu về những kết quả rực rỡ, sản xuất linh hoạt, thị trường rộng mở, xuất khẩu “bội thu” với con số cao kỷ lục 11 tỷ USD. Đây là thành quả tất yếu từ sự linh hoạt trong vận hành của toàn ngành và là điểm tựa quan trọng cho năm 2023 được dự báo vẫn còn những bất ổn. Cùng Tạp chí Thủy sản Việt Nam lắng nghe chia sẻ của các vị lãnh đạo, nhà quản lý, nhà khoa học, doanh nghiệp về những thắng lợi này và bước đi của ngành thủy sản trong năm 2023.

Ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT

Năng động, sáng tạo để quyết định giải pháp

Năm 2022 rất khó khăn, nhưng chúng ta có các chiến lược, các đề án được phê duyệt, chuẩn bị cho không gian thủy sản giai đoạn 2021 - 2025 với “Chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” của Thủ tướng Chính phủ. Từ không gian chiến lược ấy, các giải pháp, bước đi theo đuổi mục tiêu đó, chúng ta có những kịch bản, đối sách với những khó khăn, để giảm áp lực thách thức, tận dụng thời cơ. Đó là trong bối cảnh xăng dầu tăng, chúng ta giảm khai thác, chỉ còn 3,86 triệu tấn, tăng nuôi trồng, đẩy mạnh xúc tiến thương mại để mở rộng thị trường. Ngoài sản lượng hơn 9 triệu tấn thủy sản, giá trị xuất khẩu năm nay đạt gần 11 tỷ USD, cao nhất trong nhiều năm qua. Đây chính là tiền đề, là nền tảng để Bộ chỉ đạo tổng kết lại việc thực hiện các giải pháp trong Chiến lược nói trên.

Nền kinh tế nói chung và thủy sản nói riêng đã xuất hiện những khó khăn, thách thức từ tháng 8/2022. Do đó, Bộ NN&PTNT sẽ chỉ đạo Tổng cục Thủy sản thực hiện các giải pháp sát thực tiễn, để đảm bảo duy trì được đà tăng trưởng và kim ngạch xuất khẩu. Năm 2023, ngành thủy sản đặt mục tiêu khiêm tốn 10 tỷ USD, tuy nhiên, ngành nông nghiệp nói chung và thủy sản nói riêng, sẽ cần phải năng động, sáng tạo, linh hoạt, để quyết định giải pháp tăng tốc tại các thời điểm thích hợp.

Ông Lê Văn Sử, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong sản xuất

Ngành NTTS ở khu vực ĐBSCL phát triển mạnh, là vùng có sản lượng và giá trị lớn nhất cả nước, đóng góp khoảng 65%; trong số đó, có hai đối tượng chủ lực là cá tra và tôm. Ngoài ra, dư địa phát triển nghề nuôi biển tại đây cũng còn rất lớn, cần phát huy tiềm năng này để tạo ra ngành hàng mới là sản xuất rong biển, góp phần giảm phát thải. Theo đó, mong muốn Bộ, ngành liên quan hỗ trợ các địa phương tại ĐBSCL triển khai thực hiện những chính sách khuyến khích đổi mới sáng tạo trên tất cả lĩnh vực của ngành nông nghiệp. Ưu tiên ứng dụng số, trí tuệ nhân tạo (AI), Internet vạn vật (IoT) vào quản lý, vận hành và tổ chức sản xuất đối với các khu vực sản xuất thủy sản ứng dụng công nghệ cao; ứng dụng chuyển đổi số để kiểm soát chất lượng, quản lý khai thác và truy xuất nguồn gốc thủy sản. Như tại tỉnh Cà Mau, công nghệ nuôi tôm cũng không ngừng phát triển trong thời gian qua, từ đó, xuất hiện thêm các mô hình mới, không chỉ thích nghi với biến đổi khí hậu mà còn ứng dụng nhiều công nghệ tiên tiến cho năng suất, sản lượng rất cao. Điển hình như mô hình nuôi siêu thâm canh cho năng suất gấp hàng trăm lần nuôi truyền thống (siêu thâm canh có thể đạt 100 tấn/ha/năm; quảng canh khoảng 0,5 tấn/ha/năm).

Ông Trần Đình Luân, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản

Chúng ta có sự chuẩn bị từ sớm

Thông qua tất cả những thông tin chúng ta đánh giá được, với tình hình hiện nay có rất nhiều khó khăn thách thức rất bất thường, chính vì thế phải tăng cường tính chủ động của các cơ quan quản lý, doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng. Nhận định từ sớm là có thể cuối năm 2021 khi dịch COVID-19 giảm, các nước mở cửa, đây là cơ hội cho chúng ta tranh thủ thời cơ và tận dụng lợi thế thị trường để gia tăng xuất khẩu. Từ đó, chúng ta đã có sự chuẩn bị sớm về nguyên liệu cho chế biến xuất khẩu thủy sản. Chúng ta phải điều chỉnh quá trình sản xuất. Trong giai đoạn khó khăn, khi nhận thấy cần phải giảm nguồn nguyên liệu cung cấp, chúng ta đã có sự điều chỉnh phù hợp. Khi thị trường mở ra thì chúng ta đã sẵn sàng, lúc đó giải pháp mục tiêu đưa vào từ khâu thu mua, chế biến và xuất khẩu. Toàn bộ chuỗi trong sản xuất chúng ta đều có sự chuẩn bị tốt và không bị động, nên đã tận dụng tốt những cơ hội về thị trường. Bên cạnh đó, ngành thực hiện tái cơ cấu, một mặt giữ thị trường truyền thống, đồng thời mở ra các thị trường mới và có sự gia tăng tỷ lệ rất lớn. Đồng thời, chúng ta cơ cấu lại, ngoài các sản phẩm truyền thống đã chế biến thêm các sản phẩm giá trị gia tăng, những sản phẩm tiện tích trong tiêu dùng. Do đó, chúng ta tranh thủ được cơ hội cả về giá, thị trường... Với nhiều giải pháp linh hoạt như vậy, chúng ta đã đạt được kết quả như hiện nay.

2022 là một năm bứt phá của ngành thủy sản Việt Nam khi xuất khẩu đạt kim ngạch gần 11 tỷ USD, cao nhất sau 20 năm gia nhập thị trường quốc tế. Ảnh: Nguyễn Đoàn Kết

Ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản

Tuyến thị trường đi vào cả hai kênh

Năm qua rất nhiều niềm vui của ngành nông nghiệp nói chung, trong đó thủy sản đóng vai trò đặc biệt quan trọng, chưa bao giờ chúng ta hội tụ được các điểm chính của ngành như hiện nay. Thể chế được hoàn thiện, chỉ đạo sản xuất đi vào hiệu quả phát triển bền vững, chúng ta tập trung vào nuôi, trách nhiệm bảo tồn và nâng cao nhận thức của ngư dân; đây là những điểm đã đi vào chiều sâu. Bên cạnh đó, chúng ta liên tục phối hợp với cộng đồng, các tổ chức quốc tế để giúp việc nâng cao năng lực. Thứ ba, chúng ta đã quan tâm đến việc chuẩn hóa dữ liệu, đây thuộc về trách nhiệm minh bạch và giải trình trong vấn đề sản xuất. Đây không phải vấn đề một sớm một chiều nhưng cũng đã bắt đầu có sự chú ý mạnh mẽ. Thứ tư, chúng ta xử lý vấn đề mang tính chất phát sinh sau COVID-19, đặc biệt là trong năm vừa qua khi mở cửa, Việt Nam tiếp cận nhiều hơn thị trường ngoài nước, thúc đẩy thị trường trong nước, như vậy tuyến thị trường đi vào cả hai kênh thuận lợi.

Ông Nguyễn Tử Cương, Ủy viên ban Thường vụ Hội Nghề cá Việt Nam

Ba tồn tại trong phát triển NTTS

Một là về con giống, hiện nay chúng ta tập trung vào hai đối tượng nuôi chính là tôm nước lợ và cá tra. Trong đó, giống cá tra hiện nay đang bị thoái hóa dần, dẫn đến cá ăn nhiều nhưng không lớn, mắc nhiều bệnh, tỷ lệ chết cao. Về tôm nước lợ, thì tôm sú gần như dựa vào tự nhiên, với TTCT thì hiện chúng ta mới chỉ sản xuất khoảng 5%, còn lại là nhập khẩu. Tiếp theo là về cách đánh giá VietGAP, chúng ta không thể đánh giá và chứng nhận theo tiêu chuẩn VietGAP, mà bắt buộc phải là quy chuẩn quốc tế, làm thực chất chứ không phải hình thức. Vấn đề nữa là hiện có tình trạng người dân mua phải thức ăn thủy sản không đảm bảo chất lượng, chế phẩm sinh học, thuốc thú y không hiệu quả, do đó, cần phải siết chặt công tác quản lý.

PGS.TS Võ Văn Nha, Nghiên cứu viên cao cấp, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu NTTS III

Quan trắc môi trường để phòng ngừa dịch bệnh và ứng phó thời tiết cực đoan

Quan trắc, cảnh báo và giám sát môi trường NTTS đã giúp nhiều người nuôi triển khai nhanh chóng các giải pháp để phòng ngừa dịch bệnh và ứng phó kịp thời thời tiết cực đoan do biến đổi khí hậu. Thời gian tới, Viện Nghiên cứu NTTS III được Bộ NN&PTNT đầu tư dự án xây dựng Trung tâm quan trắc môi trường và Bệnh thủy sản miền Trung tại số 02 Đặng Tất (TP Nha Trang) với quy mô 4 tầng. Khi đi vào hoạt động, chúng tôi sẽ phục vụ và đáp ứng tốt hơn nữa công tác quan trắc, cảnh báo môi trường NTTS cho các tỉnh miền Trung, đặc biệt môi trường nuôi biển; các tỉnh Tây Nguyên hiện đang phát triển nuôi cá nước lạnh (cá tầm, cá hồi) khá mạnh.

PGS.TS Nguyễn Ngọc Phước, Khoa Thủy sản, Trường ĐH Nông Lâm, Đại học Huế

Thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ

Để nuôi tôm phát triển bền vững và hiệu quả, cần phải thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ về quản lý, công nghệ và nâng cao nhận thức kỹ thuật cho người nuôi. Cụ thể, cần phải có những giải pháp quản lý mạnh mẽ về sản xuất giống và đảm bảo chất lượng con giống, bởi con giống là yếu tố then chốt quyết định đến sản lượng. Bên cạnh đó, cần đầu tư về cơ sở hạ tầng, cần làm tốt khâu quan trắc môi trường và cảnh báo dịch bệnh thủy sản, để đưa thông tin sớm cho người dân, ứng phó với những thay đổi trong môi trường và dịch bệnh. Về phía người dân, cũng cần chủ động trong công tác kiểm dịch nguồn giống trước khi thả nuôi; sử dụng thức ăn và chế phẩm sinh học hợp lý, giúp hạn chế chất thải, ô nhiễm môi trường, nhằm nâng cao năng suất trong vụ nuôi.

Ông Boonlap Watcharawanitchakul, Phó TGĐ cấp cao C.P. Việt Nam

Chung tay cùng thành công của ngành thủy sản

Thay mặt C.P. Việt Nam, tôi xin được gửi lời chúc mừng tới ngành thủy sản Việt Nam, khi lần đầu tiên xuất khẩu đạt được gần 11 tỷ USD; đây là một thành công hết sức đáng trân trọng, nhất là trong bối cảnh của năm 2022 đầy biến động. Thành công này cho thấy tầm nhìn, định hướng lãnh đạo đúng đắn đến từ quý cơ quan sở, ban, ngành các cấp, cùng sự chung tay hợp lực của các doanh nghiệp, trong đó có Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P. Việt Nam, để góp phần cùng nhau phát triển thủy sản nước nhà vươn ra biển lớn. Đối với C.P. Việt Nam, 2022 tiếp tục là một năm điểm nhấn, ghi nhận nhiều đổi mới về công nghệ. Cụ thể, chúng tôi đã tiên phong ứng dụng các công nghệ bí quyết, để cung ứng ra thị trường các sản phẩm thức ăn chất lượng cao theo tiêu chuẩn 5G; cùng đó, đẩy mạnh việc chuyển giao mô hình nuôi tôm công nghệ cao nhà mái che CPF-Combine HOUSE. Từ cuối năm 2022 chúng tôi đã chính thức giới thiệu và cung cấp đến quý khách hàng sản phẩm tôm giống thế hệ mới nhất từ tập đoàn C.P. Group có tên thương mại tại Việt Nam là CPF-TURBO G20, với những ưu điểm vượt trội về tốc độ lớn và khả năng chống chịu.

Thu Hồng – Kim Tiến – Vũ Mưa

(Thực hiện)

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!