Đột phá nuôi cá ngừ ngoài biển khơi

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Croatia đã nổi lên như một nhà sản xuất chính trong ngành nuôi cá ngừ và quốc gia này cũng đang tìm cách phát triển hơn nữa hoạt động nuôi cá ngừ vây xanh biển Adriatic theo chu trình khép kín, sau khi nhân giống thành công loài này trong điều kiện nuôi nhốt.

Từ đánh bắt đến nuôi trồng

Nhà sản xuất Kali Tuna tại đảo Ugljan (Croatia) đã đạt được một bước đột phá to lớn vào năm 2009 là nhân giống thành công cá ngừ từ trứng, khiến Croatia trở thành quốc gia thứ hai trên thế giới, sau Nhật Bản, làm được điều này. Kể từ đó, các hoạt động nuôi cá ngừ của công ty đã nhận được sự công nhận toàn cầu, bao gồm chứng nhận Friend of the Sea và Giải thưởng Hương vị Cao cấp của Viện Hương vị Quốc tế. Tuy nhiên, bất chấp thành công này, ngành hàng này vẫn chủ yếu dựa vào đánh bắt tự nhiên và chỉ 12 ngư dân của Croatia được phép sử dụng cần câu và dây câu để đánh bắt cá ngừ vây xanh với cân nặng tối thiểu 8 kg. Con số này thấp hơn một chút so với ngưỡng 10 kg áp dụng ở những nơi khác vì Ủy ban Quốc tế Bảo vệ Cá ngừ Đại Tây Dương (ICCAT) thừa nhận rằng cá ở Adriatic thường nhẹ hơn.

Sau đó, cá ngừ vây xanh được vận chuyển đến trang trại bằng thuyền giếng hoặc trong lồng vận chuyển để tiếp tục nuôi đến khi đạt mức 30 kg, thường là sau 2,5 năm. Giống như các quốc gia nuôi cá ngừ khác, Croatia phải tuân theo một bộ quy định và hướng dẫn nghiêm ngặt trong toàn bộ quá trình từ đánh bắt đến xuất bán. Việc chuyển đến trang trại được ghi lại bằng thiết bị và phần mềm đặc biệt để đọc số lượng mẫu vật trong lồng và trọng lượng. Quá trình này phải chịu sự giám sát nghiêm ngặt của quốc tế và mỗi con cá ngừ được cấp một “hộ chiếu” duy nhất.

Quy trình nuôi

Cá ngừ là loài cá lớn, cần bơi liên tục và có nhu cầu ôxy cao. Do đó, điều quan trọng là phải nuôi chúng trong các lồng rộng rãi, chắc chắn nằm ở vùng nước ven biển lộ thiên ở độ sâu ít nhất 50 m. Những khu vực này phải có dòng chảy lớn hơn 10 cm/s, độ mặn từ 36 – 39 ppt và mức ôxy hòa tan vượt quá 90% như được quy định trong Quy định của Croatia về Tiêu chí Thiết lập Khu vực nuôi trồng thủy sản biển.

Chu kỳ sinh sản bắt đầu bằng việc chuyển cá trưởng thành sang lồng sinh sản hình tròn có đường kính từ 50 – 60 m và độ sâu khoảng 25 m. Thông thường, thời gian sinh sản kéo dài từ tháng 7 đến tháng 12 hàng năm, nhưng cũng có thể kéo dài đến tháng 2 tùy từng trường hợp.

Một con cá ngừ thường được cho ăn từ 1 – 3 lần/ngày và lượng thức ăn tùy thuộc vào kích thước, nhiệt độ nước biển và phản ứng của cá với thức ăn. Cá ngừ được cho ăn một chế độ ăn uống đặc biệt, bao gồm: cá mòi tươi và cá cơm.

Trang trại nuôi cá ngừ ngoài khơi Croatia. Ảnh: Shutterstock

Thách thức và hạn chế

Mặc dù nuôi cá ngừ vây xanh đã trở thành một ngành công nghiệp thành công ở Croatia, nhưng vẫn phải đối mặt với một số thách thức và hạn chế cần phải giải quyết để đảm bảo tính bền vững lâu dài. Một trong những hạn chế lớn của nghề nuôi cá ngừ Croatia là sự phụ thuộc nặng nề vào thị trường Nhật Bản. Tuy nhiên, vấn đề này có thể được giải quyết bằng cách khám phá các cơ hội thị trường mới và đa dạng hóa phạm vi sản phẩm. Ngoài ra, chi phí thành lập trang trại nuôi cá ngừ khiến nông dân gặp khó khăn khi tham gia thị trường. Theo báo cáo năm 2019 của Bộ Nông nghiệp Croatia, chi phí đầu tư trung bình cho nuôi cá ngừ ngoài khơi ở Croatia là khoảng 3,3 triệu EUR. Chi phí này bao gồm việc mua lồng, hệ thống neo, hệ thống thức ăn và các thiết bị cần thiết khác.

Nuôi cá ngừ vây xanh vẫn là một ngành tương đối mới và người ta biết rất ít về tác động lâu dài của việc nuôi cá ngừ đối với môi trường và quần thể cá tự nhiên. Do đó, cần tiếp tục nghiên cứu và giám sát để đảm bảo rằng việc nuôi cá ngừ không có tác động tiêu cực đến hệ sinh thái biển Adriatic.

Một thách thức lớn khác là tỷ lệ chuyển đổi thức ăn cao, trung bình cần 15 – 20 kg thức ăn để sản xuất 1 kg cá ngừ. Con số này cao hơn đáng kể so với nhiều loài cá nuôi khác. Ví dụ, cá hồi chỉ cần dưới 1,5 kg thức ăn cho mỗi kg tăng trưởng hay cá rô phi hoặc cá da trơn có tỷ lệ chuyển đổi gần bằng 1:1. Ngoài ra, các hạn chế do Ủy ban quốc tế về bảo tồn cá ngừ Đại Tây Dương (ICCAT) áp đặt cũng là một thách thức. Cuối cùng, chi phí sản xuất cá ngừ vây xanh ngày càng tăng là mối quan tâm đáng kể đối với ngành. Nông dân đang chịu áp lực phải cân bằng lợi nhuận với việc tuân thủ các quy định nghiêm ngặt. Việc tuân theo các nguyên tắc này khá tốn kém, khiến ngành gặp khó khăn trong việc giữ giá cả phải chăng cho người tiêu dùng.

Nhu cầu đối với cá ngừ vây xanh vẫn mạnh và ngành này đang ở vị thế thuận lợi để đáp ứng nhu cầu này. Tuy nhiên, việc chuyển đổi từ NTTS dựa trên đánh bắt sang các phương pháp canh tác bền vững vẫn cần đầu tư đáng kể vào nghiên cứu và phát triển.

Thảo Giang

(Theo TFS)

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!