Đột phá TTCT Ấn Độ

Chưa có đánh giá về bài viết

Sản xuất tôm thẻ chân trắng (TTCT) sạch bệnh và cỡ lớn, Ấn Độ đã tạo bước đột phá thay thế tôm sú trong ngành xuất khẩu tôm. Điều này rất đáng lưu ý với ngành tôm Việt Nam.

Đột phá ngoạn mục

TTCT chính thức được nuôi ở Ấn Độ vào năm 2009, bốn năm sau (tháng 4/2013), Ấn Độ đã sản xuất thành công TTCT bố mẹ sạch bệnh (SPF), đảm bảo nguồn cung tôm giống cho các trại nuôi nhỏ và thúc đẩy xuất khẩu thủy sản quốc gia.

Trước đây, Ấn Độ thường nhập khẩu TTCT bố mẹ từ Mỹ, Thái Lan, Singapore, chi phí vận chuyển cao, thất thoát lớn. Khoảng 80% các trại nuôi tôm ở Ấn Độ quy mô nhỏ, các cơ sở sản xuất tôm giống đã tìm mua tôm bố mẹ từ các ao nuôi, dẫn đến việc sản xuất con giống chất lượng thấp và hậu quả là mất mùa. Đến nay, khi đã chủ động sản xuất tôm giống sạch bệnh giúp Ấn Độ tránh được dịch bệnh lây nhiễm từ tôm nhập khẩu và cho năng suất vượt trội; Mặt khác, theo Hiệp hội Xuất khẩu Thủy sản Ấn Độ (SEAI), giá thành sản xuất TTCT là 2,29 USD/kg, chỉ bằng nửa giá thành sản xuất các loại tôm khác tại Ấn Độ. Trong khi TTCT nước khác đưa ra thị trường có trọng lượng 80 – 120 con/kg, TTCT Ấn Độ đưa ra chào hàng với trọng lượng 32 – 40 con/kg (xấp xỉ kích cỡ trọng lượng tôm sú Việt Nam). Ông Answar Hashim, nguyên Chủ tịch SEAI cho biết, những trang trại chuyển sang nuôi TTCT đã đạt năng suất 10 tấn/ha; TTCT 100 ngày tuổi trọng lượng bình quân 45 – 50 con/kg. Nếu so TTCT nuôi tại ven biển miền Trung Việt Nam trong cùng thời gian, tôm Việt Nam có trọng lượng bình quân 90 – 120 con/kg.

Cùng với sản phẩm tôm cỡ lớn, người dân Ấn Độ còn giới thiệu quy trình nuôi tôm sạch từ con giống, nguồn nước, thức ăn, xử lý ao…; tất cả đều dùng các sản phẩm thân thiện môi trường như các loại vi sinh, các chiết xuất thực vật từ cây bản địa… giúp tôm phát triển tốt và giảm ô nhiễm môi trường, không sử dụng kháng sinh hoặc hóa chất. Điều này giúp người tiêu dùng ở Mỹ, châu Âu và Nhật Bản yên tâm về chất lượng TTCT Ấn Độ hoàn toàn sạch bệnh.

 

Việt Nam có nhiều thuận lợi nuôi tôm thẻ chân trắng – Ảnh: Thanh Ngân

“Thống lĩnh” nhiều thị trường

Nếu trước đây các nhà máy chế biến tôm (chủ yếu tôm sú) chỉ hoạt động cầm chừng khoảng 30% công suất do thiếu nguyên liệu thì nay làm việc gấp đôi. Niên vụ 2011 – 2012, nhờ TTCT, xuất khẩu thủy sản Ấn Độ lần đầu tiên đạt 3,5 tỷ USD, tăng 22,8% so năm trước đó. Tôm đông lạnh là mặt hàng xuất khẩu chủ lực, chiếm 49,6% tổng giá trị.

Theo VASEP, tôm Ấn Độ vào thị trường Nhật Bản năm 2011 tăng 9,1% so năm 2010; trong khi đó hai nhà cung cấp chính tôm sú cho thị trường này là Việt Nam và Indonesia lần lượt giảm 15,6% và 3,9%, nhập khẩu tôm từ Thái Lan cũng giảm 2,9%. Đặc biệt, năm 2012, nhập khẩu từ Thái Lan, nước dẫn đầu về cung cấp tôm vào Mỹ chỉ đạt 135.557 tấn, giảm 26,7% so năm 2011; nhập khẩu tôm Ấn Độ vào Mỹ tăng 36,4%, từ 48.106 tấn năm 2011 lên 65.595 tấn năm 2012.

Mặt khác, dịch bệnh diễn ra tại nhiều nước sản xuất tôm ở châu Á (như Thái Lan, Việt Nam, Indonesia, Trung Quốc) khiến nguồn cung tôm suy giảm nghiêm trọng. Với việc sản xuất TTCT bố mẹ sạch, chủ động nguồn cung, Ấn Độ đã phần nào khẳng định thêm về chất và lượng tôm của mình. Dự kiến, xuất khẩu TTCT Ấn Độ năm nay tiếp tục “thống lĩnh” nhiều thị trường tiêu thụ lớn trên thế giới.

 

Việt Nam có thể làm được?

Theo nhiều chuyên gia, Việt Nam có nhiều điều kiện nuôi TTCT thuận lợi như vùng biển Nam Ấn Độ, thời tiết ấm giúp tôm phát triển nhanh. Việt Nam cho phép nuôi TTCT trước Ấn Độ, từ năm 2008. Tuy nhiên đến nay, những gì TTCT Việt Nam có được chỉ là 15.727 ha diện tích nuôi và sản lượng 77.830 tấn (năm 2012). Nguồn TTCT bố mẹ của Việt Nam phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn nhập khẩu; việc theo dõi, quản lý nhập khẩu cũng như sản xuất tôm giống chưa được kiểm soát đúng mức…

Ở Việt Nam, một số người nuôi TTCT tại ĐBSCL cũng đã thành công; dịch bệnh có xảy ra nhưng mức độ nhẹ hơn tôm sú; khả năng thu hoạch trên diện tích nuôi là 62%, trong khi tôm sú 42%. Với những ao nuôi dạng “đánh tỉa – thả bù” có kích cỡ tôm cuối kỳ đạt 45 – 60 con/kg. Tôm kích cỡ lớn và sạch sẽ mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người nuôi, do giá cao nên lợi nhuận cao. Đặc biệt trong nuôi tôm, ý thức của người nuôi cũng như việc quản lý nguồn thuốc kháng sinh cho thủy sản cần được quan tâm đúng mức; không sử dụng hóa chất cấm, thuốc kháng sinh… Nếu thực hiện được điều này, rất có thể TTCT sẽ trở thành “kép chính” trong ngành tôm Việt Nam tương lai như Ấn Độ.

>> Cơ quan Xúc tiến xuất khẩu Thủy sản Ấn Độ (MPEDA) cho biết, sản lượng tôm của Ấn Độ niên vụ 2012 – 2013 dự kiến đạt 261.550 tấn. Tuy nhiên, tính đến hết tháng 12/2012, sản lượng tôm của Ấn Độ đã đạt 245.619 tấn; trong đó TTCT tăng 53%, từ 80.717 tấn niên vụ 2011 – 2012 lên 123.551 tấn.

Ngọc Diệp

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!