(Thủy sản Việt Nam) – Theo Công ty Chứng khoán Quốc tế (VIS), thời gian gần đây, động thái mua và bán của khối ngoại diễn ra khá thất thường, đã thay đổi nhiều so với thói quen đầu tư của khối này trong thời gian trước. Diễn biến này đã phản ánh phần nào tâm lý không mấy lạc quan của các nhà đầu tư nước ngoài đối với triển vọng của thị trường chứng khoán Việt Nam trong thời gian tới.
Dạo quanh website của các công ty chứng khoán để tìm một tín hiệu tốt cho thị trường trong quý 3, nhiều nhà đầu tư sẽ bị rối bời trong một loạt các mê cung không tìm được đường ra nếu không tin vào chính mình.
Dự báo có khách quan?
Từ đầu quý 1, nhiều phân tích của các công ty chứng khoán đều dự đoán thị trường chứng khoán sẽ cải thiện vào cuối quý 2, nên thời điểm đó là điều kiện thuận lợi để nhà đầu tư mua vào. Tuy nhiên, trong những ngày cuối tháng 5, mặc dù bộ phận phân tích chứng khoán của các công ty chứng khoán liên tục đưa ra dự báo những tính hiệu vui, nhưng thực tế trong 10 phiên giao dịch liên tiếp (tính đến ngày 25/5) chứng khoán trên sàn TPHCM lao dốc không phanh, khiến nhiều nhà đầu tư, vốn xem những nhận định, phân tích của các công ty chứng khoán như một kênh thông tin chính thống để đưa ra quyết định mua, bán của họ đã quay 180 độ khi đã có những nhận xét tiêu cực như cho nghỉ việc, phân tích dự đoán như… Gia Cát Dự.
Anh Chu Thanh Hải, nhà đầu tư độc độc lập trên sàn chứng khoán TP.HCM cho biết, thông thường do trình độ nhân sự của bộ phận phân tích kỹ thuật của các công ty chứng khoán khác nhau nên mới có tình trạng mỗi công ty dự đoán một kiểu. Có thể, vì muốn ủng hộ cho một vài công ty niêm yết nào đó mà có những phân tích thiếu tính khách quan để nhằm thu hút nhà đầu tư mua cổ phiếu đó.
Theo anh Hải, việc các công ty chứng khoán có thể “phán trúng” như thần như năm 2007, 2009 nay không còn nữa. Đây đang là thời kỳ khó khăn của thị trường chứng khoán vì những chính sách tài khóa, kinh tế vĩ mô không tốt, đặc biệt, sau khi có Nghị quyết 11 của Chính phủ nên để không bị mất dần khách hàng, bắt buộc những chuyên gia phân tích của công ty chứng khoán đưa ra những nhận định mà có thể chính họ cũng không tin tưởng”, ông Hải nói.
Sau thời gian “sóng gió”, thị trường chứng khoán liệu có “bình yên”? Ảnh: Trung Kiên
Lỗi tại ai?
Vì chưa có nhiều kinh nghiệm nhưng muốn thành tỷ phú sau một đêm, nên nhiều nhà đầu tư khi vào các website về chứng khoán rồi chọn ngay mục dự báo thị trường và coi đó là “cẩm nang” để đầu tư, mà quên rằng những dự báo của các công ty chứng khoán chỉ có giá trị tham khảo!
Đơn cử, phiên giao dịch ngày 24/5, sau 9 phiên giảm điểm liên tục và cuối ngày hôm đó, một số công ty chứng khoán đưa nhận định ngày hôm sau chứng khoán sẽ có sự phục hồi, nhưng thực tế sàn chứng khoán ngập trong sắc đỏ – phiên thứ 10 giảm điểm liên tục, khiến nhà đầu tư lẫn người phân tích dự báo hoang mang không bám víu vào đâu để đưa ra dự định cho ngày tiếp theo.
Có lẽ sợ phải lặp lại vết xe đổ nên mục dự báo cho ngày 26/5, công ty chứng khoán đưa ra một dự báo “ảm đạm” cho phiên giao dịch sau. Lần này, dự đoán của công ty chứng khoán có phần nào đúng khi mở đầu phiên giao dịch, VN-Index tiếp tục giảm gần 15 điểm. Tuy nhiên, đến giữa đợt khớp lệnh liên tục, chỉ số này đã bật lên mạnh sau khi lệnh mua tăng vọt. Kết quả, sau 10 phiên liên tục lao dốc, sàn chứng khoán TP.HCM ngày 26/5 đã bật lên trở lại khi chỉ số VN-Index tăng 11,68 điểm, tương đương 3,02%, lên mức 398,04 điểm. Và thêm lần nữa, mọi dự đoán của công ty chứng khoán rất giống Gia Cát Dự – đoán đâu sai đó.
Thay lời kết
Khi thị trường chứng khoán nước ta mới bắt đầu hình thành và mở những phiên giao dịch đầu tiên cách đâu 11 năm, người ta đã từng đặt câu hỏi, thị trường chứng khoán có phải là một casino hay không – nghĩa là chơi chứng khoán là một canh bạc, trong đó, may rủi quyết định số mệnh từng người. Nếu nhà đầu tư nuôi tư tưởng đó khi đem tiền đổ vào chứng khoán để vài ngày sau trở thành tỷ phú thì coi như đã thất bại hoàn toàn.
Thực tế, chẳng có con bạc nào vào sòng bạc mà biết dừng đúng lúc, họ chỉ dừng cuộc chơi khi trong túi không còn gì, bước ra khỏi đó với sự ấm ức, đổ lỗi cho nhà cái chơi xấu. Còn nếu coi thị trường chứng khoán là kênh huy động vốn thì phải biết nuôi, hoặc can đảm cắt lỗ khi thị trường đi xuống, hoặc tiếp tục nắm giữ cổ phiếu vì tin tưởng vào thị trường trong dài hạn. Đối với vấn đề này, các nhà đầu tư nước ngoài làm tốt hơn các nhà đầu tư trong nước khi thấy thị trường đi xuống họ lại tích cực mua vào.
Vì thế, đã đến lúc nhà đầu tư phải hiểu rằng, mọi gợi ý đều có tính tham khảo và người quyết định là chính mình. Khi đã quyết định thì phải chịu trách nhiệm với chính quyết định đó, chứ không đổ lỗi cho ai khác, nhưng vậy là không công bằng với người bị đổ lỗi lẫn chính bản thân mình.
>> Thực tế, nhà đầu tư khi mở tài khoản tại công ty chứng khoán nào đó thì xem những nhận định, dự đoán của công ty đó là một kênh tham khảm cho những quyết định đầu tư của mình. Dĩ nhiên, các công ty xem bộ phận phân tích, dự báo là một bộ phận quan trọng để thu hút nhà đầu tư vốn đang “teo dần” lại do tín hiệu xấu từ thị trường. Tuy nhiên, do xung đột về mặt lợi ích nên dự đoán, phân tích của các công ty chứng khoán hiện nay khá khác nhau, mà nếu nhà đầu tư khi đọc tất cả những phân tích của tất cả các công ty chứng khoán sẽ bị rối vì không biết tin ai.
Nguyễn Khởi