Theo VASEP, trước tác động của COVID-19, giá cá tra đang giảm sâu, nên dự báo diện tích thả nuôi cá tra trong năm 2020 sẽ giảm 10 – 20%, xuất khẩu trong quý III sẽ tăng nhẹ và nguồn cung sẽ thiếu hụt vào năm 2021 đặc biệt là quý I/2021.
Tại Công văn số 33/2020/CV-VASEP gửi Bộ NN&PTNT mới đây, VASEP đã thống kê về tình hình xuất khẩu một số nhóm hàng thủy sản trong đó có cá tra tại các thị trường chính. Cụ thể, tại Trung Quốc, đây là thị trường nhập khẩu cá tra Việt Nam lớn nhất, chiếm 35% nên khi dịch COVID-19 bùng phát gây ảnh hưởng rất lớn đến ngành cá tra Việt Nam. Hệ thống bán lẻ, siêu thị đình trệ, hệ thống giao nhận bị tắc nghẽn nên xuất khẩu sang thị trường này bị sụt giảm tới 52% trong 2 tháng đầu năm. Cùng đó, xuất khẩu sang Mỹ cũng giảm 27%, EU giảm 40%, các nước ASEAN 19%. Do vậy, tổng xuất khẩu cá tra 2 tháng đầu năm đạt 210 triệu USD, giảm 32%. Theo dự báo của một số doanh nghiệp cá tra, sang tháng 4 xuất khẩu sang Trung Quốc có thể phục hồi 50%, tới 70% trong tháng 5 và khả năng đạt 100% vào tháng 6.
Tại thị trường châu Âu, chưa có tác động rõ ràng trong 2 tháng đầu năm, tuy nhiên, cá tra chủ yếu cung cấp cho hệ thống bán lẻ, do đó, đây là thị trường tiềm năng cho ngành cá tra khôi phục lại nhất là sau khi EVFTA có hiệu lực.
Thị trường Mỹ: Giá cá tra bị ảnh hưởng do giá nguyên liệu xuống nhưng sản lượng tiêu thụ năm nay dự báo sẽ tốt hơn 2019 vì tồn kho đã hết. Dịch bệnh ở Mỹ dù lan rộng nhưng cá tra vẫn có thể đứng vững; trong khi, nhà máy Trung Quốc bị đóng cửa, sản lượng cá pollock đưa sang Mỹ giảm, nên cá tra có cơ hội thay thế tại thị trường này.
VASEP cũng đưa ra dự báo về tình hình xuất khẩu cá tra trong thời gian tới, sẽ không lo ngại về nguyên liệu, nhưng chúng ta nên tiếp cận việc đánh số vùng nuôi hoặc đưa ra các điều kiện nuôi cá tra hoàn chỉnh hơn để chuẩn bị cho năm 2021 tốt hơn, đặc biệt liên quan đến chương trình thanh tra của FSIS.