(TSVN) – Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), 6 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu cá ngừ đạt 553 triệu USD, tăng 56% so với cùng kỳ năm ngoái. Với nhiều tín hiệu tích cực, dự kiến, nửa cuối năm sẽ tiếp tăng trưởng tốt, tuy nhiên tốc độ tăng trưởng sẽ chậm lại, cả năm giá trị xuất khẩu tăng 45%.
Nửa đầu năm 2022, xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam có sự tăng trưởng tốt ở hầu hết các thị trường, ngoại trừ các thị trường có biến động chính trị lớn như châu Âu, Israel và Ai Cập. Những thị trường này có sự tăng trưởng chững lại do cuộc xung đột Nga – Ukraine đã khiến giá của các mặt hàng năng lượng tăng và nhiều loại lương thực, thực phẩm tại các nước cũng tăng giá rất mạnh.
Ảnh: VASEP
Mỹ, châu Âu và khối các nước CPTPP là 3 thị trường nhập khẩu cá ngừ lớn nhất của Việt Nam. Ngoài ra, 6 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu cá ngừ Việt Nam sang Saudi Arabia, Thái Lan, Philippines hay Nga vẫn tăng trưởng tốt. Tổng giá trị xuất khẩu sang Ả rập Saudi đạt 1,2 triệu USD, sang Thái Lan tăng 59%; Philippines tăng 86%…
Với đà tăng trưởng này, VASEP dự kiến, xuất khẩu cá ngừ trong nửa cuối năm 2022 sẽ tiếp tăng trưởng tốt, tuy nhiên tốc độ tăng trưởng sẽ chậm lại, cả năm ước vượt 1 tỷ USD trị giá xuất khẩu, tăng 45% so với năm 2021.
Tốc độ tăng trưởng cá ngừ được dự kiến chậm lại là do kể từ quý III/2021 đến nay, giá nhiên liệu tăng khoảng 50% so với trước đây khiến cho 40 – 45% tàu cá cả nước phải nằm bờ, không thể vươn khơi khai thác cá ngừ, nguồn cung cá ngừ cho các nhà máy chế biến và xuất khẩu giảm sút. Vì vậy, các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu cá ngừ bắt buộc phải nhập khẩu nguyên liệu cá ngừ từ các quốc gia khác để chế biến, xuất khẩu, đáp ứng các đơn hàng tồn đọng từ năm 2021 chưa đáp ứng được, kể cả những đơn hàng ký kết trong năm 2022.
Bình An