(TSVN) – Chiều 2/12/2020, tại TP Hải Phòng, Tổng cục Thủy sản phối hợp với Sở NN&PTNT TP Hải Phòng và các tổ chức Tổ chức Quốc tế về bảo tồn thiên nhiên – WWF Việt Nam, Tổ chức Sáng kiến thương mại bền vững – IDH Việt Nam và Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế – IUCN tổ chức Hội thảo tham vấn dự thảo “Kế hoạch hành động quản lý rác thải nhựa đại dương ngành thủy sản giai đoạn 2020 – 2030”.
Hiện nay, bản dự thảo “Kế hoạch hành động quản lý rác thải nhựa đại dương ngành thủy sản giai đoạn 2020 – 2030” đã hoàn thành. Bản dự thảo hướng đến mục tiêu chung: Giảm thiểu việc sử dụng các loại vật tư, dụng cụ chuyên dùng, bao gói thủy sản bằng nhựa dùng một lần; đẩy mạnh việc thu gom, xử lý rác thải nhựa tại chỗ; từng bước thay thế bằng các loại thân thiện môi trường, sử dụng nhiều lần, dễ phân hủy trong sản xuất, chế biến và dịch vụ thủy sản; nâng cao ý thức, trách nhiệm xã hội của cộng đồng nông, ngư dân, các doanh nghiệp về rác thải nhựa…
Để thực hiện được mục tiêu nay, bản dự thảo tập trung vào 6 nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu như: Nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm và thay đổi thói quen của cộng đồng ngư dân; Giảm thiểu rác thải nhựa, thu gom, phân loại từ nguồn và từng bước thay thế sử dụng nhựa trong sản xuất thủy sản; Xây dựng mô hình giảm thiểu rác thải nhựa; Đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, công nghệ; Rà soát, sửa đổi bổ sung cơ chế chính sách; Tăng cường hợp tác quốc tế.
Hội thảo đã thu hút nhiều tham luận của các tổ chức phi chính phủ như: WWF Việt Nam, IUCN, đại diện doanh nghiệp với tham luận về giải pháp giảm thiểu rác thải nhựa của đơn vị, tham luận của một đơn vị cứu hộ rùa biển về vấn đề “lưới ma”. Cũng tại hội thảo, rất nhiều đại biểu đã có những ý kiến đóng góp quan trọng cho bản dự thảo kế hoạch, đồng thời chia sẻ thông tin về chương trình hành động tại doanh nghiệp, địa phương…
Theo ông Nguyễn Tử Cương, Hội Nghề cá Việt Nam, cần nguồn kinh phí để khuyến khích ngư dân thu gom rác. Chẳng hạn, rác được trả 2.000 đồng/kg thì những tàu nhỏ có thể sẽ chuyên đi tìm rác vì hiện việc đánh bắt cá vùng ven bờ rất khó khăn khi nguồn lợi cạn kiệt. Cùng đó, trong kế hoạch nên bổ sung thêm một lực lượng thu gom rác thải và xác định rõ cơ chế để họ mang rác vào bờ. Hiện nay, đã có một số mô hình làm thí điểm, các mô hình này có tổng kết rất rõ từng vùng một, vì vậy, chúng ta cần làm phong phú thêm bản đồ đó để xem vùng nào nhiều rác nhất…
Còn theo anh Mai Đăng Nhân, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Nam Định, mỗi năm Việt Nam xuất khẩu 8 – 9 tỷ USD, chúng ta có thể trích từ đó để lấy nguồn quỹ cấp Trung ương cho việc xử lý rác thải nhựa ngành thủy sản. Tương tự, có bao nhiêu doanh nghiệp sản xuất đồ nhựa, hãy dựa trên tổng doanh thu của doanh nghiệp để trích phần trăm sử dụng vào việc xử lý thu gom rác thải nhựa. Đối với các đơn vị sản xuất đồ nhựa dùng một lần nhưng thời gian phân hủy rất lâu, ảnh hưởng môi trường, sức khỏe con người thì chúng ta cần tăng thuế lên, đồng thời hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất các chất hữu cơ, giảm thuế để giảm giá thành nhằm khuyến khích người dân tăng lựa chọn. Cùng đó, nên khảo sát, đánh giá vị trí các rạn san hô, xây dựng thành bản đồ số và cung cấp vị trí cho các tàu đánh cá để khuyến cáo tránh thả lưới trong khu vực đó, từ đó có thể giảm lượng rác thải nhất là “lưới ma” tại các rạn san hô.
Cùng với các ý kiến về giải pháp thu gom rác thải nhựa trên các vùng biển và trong ngành thủy sản, TS Lê Thanh Lựu, Giám đốc Trung tâm ICAFIS, cho rằng, song song với đó cần phải quan tâm việc xử lý rác thải nhựa như thế nào. Chúng ta cần tìm hiểu và có thể nhập công nghệ nước ngoài để xử lý triệt để rác thải, chứ nếu gom về mà không xử lý thì nó tích tụ lại trên bờ sẽ rất lớn.
Phát biểu kết thúc Hội thảo, bà Nguyễn Thị Phương Dung, Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ và Hợp tác quốc tế (Tổng cục Thủy sản) cảm ơn các đại biểu đã có những đóng góp sát thực cho bản dự thảo. Đồng thời đề nghị tổ tư vấn tiếp thu để hoàn thiện Kế hoạch trong thời gian tới.