(TSVN) – Đây là ý kiến của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT tại Hội nghị Thúc đẩy giao thương nông sản, thủy sản Việt – Trung trong bối cảnh mới diễn ra sáng 14/2 vừa qua. Đồng thời, Bộ trưởng mong muốn các cơ quan chức năng tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc) và các tỉnh biên giới của Việt Nam tiếp tục có những phối hợp, đẩy mạnh thúc đẩy hơn nữa giao thương nông sản thực phẩm Việt Nam – Trung Quốc, qua đó ổn định và phát triển một thị trường bền vững.
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sang Trung Quốc trong năm 2022 đạt hơn 57,7 tỷ USD, tăng 3,1% so với cùng kỳ năm trước. Với mức thực hiện này, Trung Quốc vẫn là thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của Việt Nam (sau Mỹ).
Hiện nay, Trung Quốc đang thực thi chủ trương đưa hoạt động thương mại vào chính quy, do đó, đòi hỏi nông sản Việt cần hướng đến xuất khẩu bền vững để giữ thị trường này.
Trong những năm qua, Trung Quốc đã hoàn thiện hệ thống pháp luật, thông qua việc 2 lần sửa đổi Luật An toàn thực phẩm, đồng thời ban nước này đã liên tục tăng cường thực thi pháp luật khi chủ trương đưa hoạt động thương mại đi vào chính quy, nề nếp và tăng cường giám sát, thực hiện nghiêm các quy định.
Thủy sản là một mặt hàng xuất khẩu trọng điểm của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc trong thời gian tới. Ảnh: ST
Theo ông Tô Ngọc Sơn, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á – châu Phi (Bộ Công thương): Không chỉ gia tăng giá trị xuất khẩu, chúng ta cần phải hướng đến xuất khẩu bền vững, và tìm cách giữ được đối tác quan trọng này.
Cũng theo ông Tô Ngọc Sơn, trong quan hệ kinh tế với Trung Quốc, quan hệ hợp tác kinh tế với tỉnh Quảng Tây chiếm đến 95% kim ngạch thương mại biên giới giữa Việt Nam – Trung Quốc. Do đó, cần tăng cường thực thi chính sách với tỉnh này nói riêng, đồng thời, cần đẩy mạnh xuất khẩu từ tiểu ngạch sang chính ngạch.
Tuy nhiên, tình hình xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc vẫn gặp một số vướng mắc như: Số lượng sản phẩm trái cây nhiệt đới của nước ta xuất khẩu còn hạn chế so với tiềm năng sản xuất; một số loại sản phẩm nông sản, thủy sản của Việt Nam đang phải chịu sự cạnh tranh gay gắt về chất lượng, giá cả, thương hiệu, hình thức phân phối từ các nước khác có nguồn cung tương tự. Mặt khác, công tác xây dựng, đăng ký thương hiệu tại Trung Quốc cho các sản phẩm nông sản, thủy sản của Việt Nam chưa đạt hiệu quả như kỳ vọng. Hình thức phân phối các sản phẩm nông, thủy sản của Việt Nam tại thị trường Trung Quốc vẫn chủ yếu thông qua kênh thương mại truyền thống, chưa tận dụng và phát huy được kênh thương mại điện tử.
“Để thúc đẩy xuất khẩu nông sản, thủy sản sang thị trường này, các địa phương, cơ quan quản lý nên xây dựng chiến lược phát triển ngành, xây dựng thương hiệu song song với xây dựng vùng sản xuất, vùng nuôi trồng chuyên canh tập trung, quy mô lớn dựa theo tín hiệu thị trường. Với doanh nghiệp, cần thường xuyên cập nhật và tuân thủ quy định về tiêu chuẩn chất lượng, kiểm nghiệm, kiểm dịch, bao bì đóng gói, truy xuất nguồn gốc của thị trường Trung Quốc. Cùng với đó, doanh nghiệp phải chú trọng xây dựng thương hiệu, bảo vệ thương hiệu và nghiên cứu kỹ nhu cầu, xu thế phát triển của thị trường”, ông Tô Ngọc Sơn đặc biệt lưu ý.
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết thực hiện tuyên bố chung Việt Nam – Trung Quốc về việc tiếp tục đẩy mạnh và làm sâu sắc hơn nữa quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam – Trung Quốc, hai bên đã nhất trí áp dụng các biện pháp thiết thực nhằm thúc đẩy xuất nhập khẩu nhiều hơn nữa các sản phẩm nông sản, thực phẩm chất lượng cao của cả hai nước.
Thời gian qua Bộ NN&PTNT luôn chủ động hợp tác và phối hợp với Bộ Nông nghiệp, Tổng cục Hải quan Trung Quốc để đảm bảo thương mại các mặt hàng nông sản, thủy sản giữa hai nước được thông suốt và đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao về mặt an toàn thực phẩm của người tiêu dùng hai nước.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan mong muốn các cơ quan chức năng tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc) và các tỉnh biên giới của Việt Nam tiếp tục có những phối hợp, đẩy mạnh thúc đẩy hơn nữa giao thương nông sản thực phẩm Việt Nam – Trung Quốc, qua đó ổn định và phát triển một thị trường bền vững. Hai bên phối hợp xử lý kịp thời các khó khăn, vướng mắc, đặc biệt những vướng mắc, phát sinh trong triển khai, đáp ứng các quy định về xuất khẩu sản phẩm nông sản, thực phẩm theo các Quy định, điều lệnh hiện có. Đồng thời mong muốn các hiệp hội, ngành hàng luôn là người bạn, giúp cho Bộ có những sáng kiến, kế hoạch, chương trình để định hình thông thương biên mậu Trung Quốc trong thời gian tới.
Qua hội nghị lần này, Bộ trưởng cũng mong muốn cơ quan quản lý chuyên ngành của hai bên đề xuất với Chính phủ ban hành các chính sách tạo thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa nông sản, thực phẩm. Bộ trưởng hy vọng Lạng Sơn nói riêng và 63 tỉnh, thành nói chung gắn kết hơn nữa, để đưa giao thương với Trung Quốc gấp 10, gấp 100 lần hiện tại.
Hồng Hà