T2, 10/06/2024 10:39

Đưa tàu ra nước ngoài khai thác trái phép: Tại sao đã mất tàu còn bị xử hình sự?

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Như tin Tạp chí Thủy sản Việt Nam đưa, ngày 30/5/2024 ở huyện Trần Đề, TAND tỉnh Sóc Trăng phối hợp nhiều cơ quan tổ chức phiên tòa giả định xử vụ đưa tàu ra nước ngoài khai thác trái phép, đã mất tàu còn bị tội hình sự. Tại sao? Sau đây là tranh luận tại tòa và phán quyết.

Nội dung phiên tòa giả định

Tình huống giả định: Ông Trần Văn Nhân là chủ cặp tàu cá số hiệu SS-S1-TS và SS-S2-TS được cấp phép khai thác thủy sản trên vùng biển Việt Nam. Ông Nhân tìm ông Nguyễn Văn Tân để cùng quản lý cặp tàu và tuyển ngư phủ để qua vùng biển nước T khai thác hải sản trái phép. Hai người tuyển 12 ngư phủ, lén sang vùng biển nước T khai thác được 15 ngày thì bị lực lượng Hải quân nước T tuần tra, phát hiện và bắt giữ. Cơ quan chức năng nước T tịch thu cặp tàu.

Sau đó, ông Nhân và ông Tân cùng các ngư phủ được nước T trao trả. Các ngư phủ khi được bảo lãnh về Việt Nam đã đi khỏi nơi cư trú. Còn ông Nhân và Tân bị khởi tố điều tra, truy tố và đưa ra tòa án xét xử tội hình sự. 

Hội đồng xét xử phiên tòa giả định

Cáo trạng của VKSND tỉnh S truy tố ông Nhân và ông Tân tội “Tổ chức cho người khác xuất cảnh trái phép” theo điểm a khoản 3 Điều 348 của Bộ luật Hình sự. Tại phiên tòa, ông Nhân và Tân thừa nhận toàn bộ hành vi đưa tàu và ngư dân ra nước ngoài khai thác trái phép. 

Tranh luận giữa luật sư và kiểm sát viên

Người bào chữa cho ông Nhân và ông Tận tại tòa là Luật sư Nguyễn Kim Yến. Luật sư bào chữa như sau: “Tôi nhận thấy rằng, hành vi khai thác thủy sản trái phép ở vùng biển nước ngoài của các bị cáo Nhân và Tân là hành vi vi phạm hành chính sẽ bị xử lý theo Điều 20 Nghị định 42 năm 2019 của Chính phủ. Mặt khác, hành vi này thì Nhân và Tân cũng đã bị nước T xử phạt, nếu tiếp tục xử lý hình sự về tội tổ chức cho người khác xuất cảnh trái phép sẽ vi phạm nguyên tắc một hành vi không xử lý hai lần. Do đó, tôi kính đề nghị Hội đồng xét xử tuyên bố các bị cáo không phạm tội “Tổ chức cho người khác xuất cảnh trái phép” theo Cáo trạng của VKSND tỉnh S đã truy tố”.

Luật sư Nguyễn Kim Yến

Đại diện VKSND tỉnh S – Kiểm sát viên Hà Huỳnh Tiến Dũng tranh luận: “Các bị cáo Nhân và Tân thực hiện nhiều hành vi kế tiếp nhau, chứ không phải chỉ một hành vi khai thác thủy sản trái phép. Cụ thể, để thực hiện được hành vi khai thác thủy sản tại vùng biển nước ngoài, thì trước đó các bị cáo đã thực hiện hành vi tổ chức tập hợp các ngư phủ, đưa xuống hai chiếc tàu đánh cá của bị cáo Nhân, xuất bến ra trình đồn Biên phòng để ra biển đánh bắt, nhưng sau đó lại đưa họ ra khỏi lãnh thổ Việt Nam trái phép là đã thực hiện hành vi tổ chức cho người khác xuất cảnh trái phép. Do đó, trong vụ án này, hành vi các bị cáo đưa 12 người ra khỏi lãnh thổ Việt Nam trái phép với mục đích vụ lợi cá nhân đã cấu thành tội “Tổ chức cho người khác xuất cảnh trái phép”. Còn hành vi khai thác thủy sản trái phép (hoạt động đánh bắt nguồn lợi thủy sản) tại vùng biển nước ngoài sau khi thực hiện hành vi xuất cảnh trái phép sẽ bị nước sở tại xử lý theo quy định của pháp luật nước họ, đồng thời còn bị xử lý theo quy định của pháp luật Việt Nam trong lĩnh vực khai thác thủy sản”. 

Kiểm sát viên Hà Huỳnh Tiến Dũng 

Phán quyết của tòa án

Thẩm phán Phan Lê Vũ Huy Hoàng – Chủ tọa phiên tòa dẫn các quy định pháp luật hiện hành về việc đưa tàu ra nước ngoài khai thác và kết luận: “Theo các quy định trên cho thấy rõ, không phải mọi trường hợp người có hành vi khai thác thủy sản trái phép ở vùng biển nước ngoài đều có hành vi ra khỏi lãnh thổ Việt Nam trái phép và bao hàm cả hành vi xuất cảnh trái phép, mà có trường hợp xuất cảnh hợp pháp, có giấy phép, giấy chấp thuận khai thác thủy sản của cơ quan có thẩm quyền và đảm bảo các thủ tục xuất cảnh theo quy định, nhưng khi giấy phép, giấy chấp thuận hết hạn mà vẫn khai thác thì vẫn là hành vi vi phạm về khai thác thủy sản và bị xử lý theo quy định. Tức xuất cảnh trái phép và khai thác thủy sản trái phép là hai hành vi riêng biệt, xâm phạm đến hai khách thể khác nhau và đều phải bị xử lý theo quy định của pháp luật.  Do đó, trong vụ án này, hành vi các bị cáo đưa 12 người ra khỏi lãnh thổ Việt Nam trái phép với mục đích vụ lợi cá nhân đã cấu thành tội “Tổ chức cho người khác xuất cảnh trái phép”, đồng thời khi vừa đưa họ ra khỏi lãnh thổ Việt Nam thì tội phạm đã hoàn thành và phải bị xử lý theo Điều 348 Bộ luật Hình sự. Còn hành vi khai thác thủy sản trái phép (hoạt động đánh bắt nguồn lợi thủy sản) tại vùng biển nước T sau khi thực hiện hành vi xuất cảnh trái phép sẽ bị nước sở tại xử lý theo quy định của pháp luật nước họ, đồng thời còn bị xử lý theo quy định của pháp luật Việt Nam trong lĩnh vực khai thác thủy sản. Từ đó cho thấy, ý kiến của người bào chữa cho các bị cáo nêu trên không có cơ sở để chấp nhận”. 

Sau khi xem xét toàn diện vụ án, căn cứ điểm a khoản 3 Điều 348 của Bộ luật Hình sự, Hội đồng xét xử tuyên phạt ông Trần Văn Nhân 8 năm tù giam, ông Nguyễn Văn Tân 7 năm tù giam cùng về tội “Tổ chức cho người khác xuất cảnh trái phép”. 

Sáu Nghệ

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!